(Tổ Quốc)- Giai đoạn văn học kể từ sau 1975 đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi về cách phân kì, nhận diện trào lưu…
(Tổ Quốc)- Giai đoạn văn học kể từ sau 1975 đến nay vẫn còn gây nhiều tranh cãi về cách phân kì (trong đó bao hàm cả tiêu chí phân kì), ở việc định giá các đặc điểm, nhận diện trào lưu, phong cách nghệ thuật…
Kể từ Hội thảo khoa học “Văn học Việt Nam sau 1975 - Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy” do khoa Ngữ văn - Đại học Sư Phạm Hà Nội (2005) tổ chức, đã có nhiều ý kiến khá thuyết phục được giới nghiên cứu và bạn đọc chấp nhận. Năm 2006, Tuần báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam cũng đã có loạt bài nhìn lại 20 năm văn học đổi mới. Sau gần ba mươi năm kể từ cuộc gặp của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh với văn nghệ sĩ và chủ trương “cởi trói” cho văn nghệ, sau khi tiểu luận “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu được đăng trên Tuần báo Văn nghệ, đời sống văn học ít nhiều đã có sự thay đổi.
Các nhà văn tham dự buổi tọa đàm
Giai đoạn đất nước hội nhập quốc tế, kéo theo những giao thoa, hội nhập về văn hóa, từ đó tác động không nhỏ đến sự xuất hiện của các trường phái, trào lưu văn học, đến cảm quan nghệ thuật của các nhà văn cũng như thị hiếu thẩm mĩ của độc giả. Chính vì thế, việc cần phải tìm ra những phát hiện mới mẻ về văn học đổi mới là hết sức cần thiết. Để tập hợp được những ý kiến của các nhà nghiên cứu, phê bình văn học Tuần báo Văn nghệ đã đưa ra một số chủ điểm thảo luận như: Về những động lực đổi mới trong văn học: các cơ sở có tính lý luận và các cơ sở thực tế đã khơi lên trào lưu văn học đổi mới, tạo ra những biến chuyển về định hướng mở rộng và phát triển trong quá trình văn học ba mươi năm vừa qua. Về tính kế thừa: như một dòng chảy liên tục của văn học Việt Nam hiện đại, văn học trong thời kỳ đổi mới đã kế thừa những sáng tạo đặc thù từ truyền thống và văn học cách mạng. Về giai đoạn khởi đầu của sự đổi mới trong văn học: những thành tựu ban đầu của trào lưu văn học đổi mới đã được phát triển và biến chuyển trong những năm sau đó, cho đến nay. Về một thành tựu nổi bật của văn học trong đổi mới: những đổi mới phương diện thi pháp ở các thể loại văn học, cũng như sự kế tục có phát triển thi pháp truyền thống. Về sự phát triển của ngôn ngữ văn học trong bối cảnh công nghiệp hóa-hiện đại hóa của xã hội-đất nước: biến đổi đa diện, đa thanh trong hình ảnh và giọng điệu. Về tác động của văn học với hình thành nhân cách con người thời đổi mới nhìn từ góc độ hình thành các lớp nhân vật của văn học trong trào lưu đổi mới. Về mối quan hệ giữa (sự phát triển của) truyền thông đa phương tiện với sự đổi mới tư duy sáng tạo và đặc thù của lao động nhà văn. Về sự biến chuyển của người đọc thời đổi mới: các thực tế mới trong tiếp nhận văn học…
Trong tọa đàm Văn học Việt Nam 30 năm đổi mới vừa được báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng Biên tập cho biết: Đây là cuộc gặp gỡ của nhiều thế hệ các nhà nghiên cứu, phê bình văn học, nhà văn đã từng trở về từ chiến trường và cả những người mới chỉ chập chững bước vào nghề đúng thời điểm văn nghệ được “cởi trói”. Kí ức về ba thập kỉ ấy đầy ắp những kỉ niệm, ấn tượng và dự cảm, suy ngẫm.
Tuần báo Văn nghệ đã lựa chọn “điểm nhìn thực tiễn” khi tổ chức sự kiện văn học này. Đó là: “Về bối cảnh cũng như điều kiện chung của văn học đổi mới cần được nhìn nhận theo đánh giá của Báo cáo chính trị Đại hội XII của ĐCSVN, nhận định rằng: “Ba mươi năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".”… “Văn hóa - xã hội có bước phát triển; bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi.”… “Phát triển thiếu bền vững cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường…
Trong không khí cởi mở của buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tich Hội Nhà văn Việt Nam, đã nhắc đến sự khác biệt rất lớn giữa nguyên tắc sáng tạo của hai thời kì (trước và sau đổi mới) đó là “điển hình hóa”, khi văn nghệ được “cởi trói” cũng là khi người viết được “giải phóng” khỏi sự trói buộc khỏi công thức sáng tạo ấy. Cũng với quan điểm đó, nhà phê bình văn học Lại Nguyên Ân cho rằng: văn học đổi mới là thời mà nhà văn Việt Nam không phải viết khác thế giới, không còn lo rào cản, nền văn học được trở lại với nhịp sống bình thường, vốn có.
Khác với những quan điểm đánh giá thành tựu đổi mới xuôi chiều khi cho rằng đây là giai đoạn văn học đã được tổng kết, đánh giá bằng nhiều công trình lí luận, nhà văn Văn Chinh cho rằng chưa có một cơ sở lí luận để đánh giá văn học đổi mới một cách đầy đủ. Bởi thế, sẽ không tránh khỏi sự cảm tính trong sáng tạo và đánh giá. Văn chương ở thời điểm nào cũng cần một hành lang lí luận. GS Phong Lê đưa ra quan điểm cần nhìn nhận văn học đổi mới bằng sự phân kì rõ ràng giữa các giai đoạn trong ba mươi năm như: Giai đoạn văn học hòa bình (từ 1975 đến 1986), văn học đổi mới (từ 1986 đến 1995), từ 1995 đến nay là giai đoạn văn học hội nhập quốc tế. Có quan điểm khác biệt trong cách phân kì văn học đổi mới theo hệ hình, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp cho rằng đã có sự thay đổi diễn ngôn văn học. Thay vì diễn ngôn ý thức hệ của giai đoạn văn học trước đó, văn học đổi mới là sự thể hiện của diễn ngôn văn hóa.
Trong khuôn khổ một buổi tọa đàm, đã xuất hiện nhiều ý kiến trái chiều, nhiều quan điểm đánh giá, nhìn nhận văn học đổi mới khác nhau. Điều đó cho thấy đây là một giai đoạn văn học phát triển hết sức phong phú, đa dạng cần phải được tiếp tục nghiên cứu và đánh giá đúng mức trong thời gian tới.
Bài, ảnh: Phương Mai