• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ba Vì tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn

Văn hoá 27/11/2022 09:57

(Tổ Quốc)- Sáng 27/11/2022, Huyện ủy – HĐND – UBND – UB MTTQ huyện Ba Vì đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm ngày hóa của Đức Thánh Tản Viên Sơn và khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đền Hạ, xã Minh Quang.

Dự buổi lễ có Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Phạm Thị Thanh Mai; đại diện một số sở, ngành, quận, huyện, thị xã cùng lãnh đạo huyện Ba Vì, đông đảo người dân địa phương…

Ba Vì tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn  - Ảnh 1.

Lãnh đạo Thành phố và huyện Ba Vì cắt băng khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo đền Hạ.

Hoàn thành tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đền Hạ

Phát biểu tại buổi Lễ, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: “Theo Ngọc phả còn lưu giữ tại di tích đền Trung, xã Minh Quang, huyện Ba Vì cho biết, Thánh Tản sinh nhằm ngày Rằm tháng Giêng, hóa Thánh vào ngày mùng 6 tháng Mười Một và nơi Ngài hóa Thánh là tại đỉnh núi Tản Viên, sau này nhân dân lập đền thờ Ngài đó chính là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Thượng. Trải qua hàng ngàn đời, việc thờ cúng, tế lễ để tưởng nhớ Ngài đã ăn sâu vào đời sống nhân dân, vào những ngày này, nhân dân các dân tộc khu vực núi Ba Vì thường tổ chức lễ hội, lễ dâng hương, dâng các sản vật do chính người dân làm ra lên Đức Thánh để tri ân công đức của Ngài và cầu cho mưa thuận, gió hòa, nhân cường, vật thịnh, dân sinh ấm no, gia đình hạnh phúc”.

Tại buổi lễ dâng hương, huyện Ba Vì đã khánh thành công trình tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa quốc gia đền Hạ. Di tích lịch sử văn hóa đền Hạ nằm dưới chân núi Tản Viên, bên Sông Đà thuộc địa phận xã Thủ Pháp xưa (nay là xã Minh Quang). Đền Hạ được xây dựng từ lâu và được trùng tu sửa chữa qua các triều đại Lý, Trần, Lê. Qua thời gian bị hủy hoại, năm 1993 nhân dân địa phương và thập phương công đức xây mới đền Hạ bao gồm: Nghi môn, Tiền bái, Hậu cung, điện thờ Mẫu, điện thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình phục vụ nhu cầu tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản.

Ba Vì tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn  - Ảnh 2.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội, huyện Ba Vì gắn biển công trình chào mừng 55 năm thành lập huyện Ba Vì.

Năm 2021, huyện Ba Vì đã khởi công dự án tu bổ, tôn tạo Di tích Lịch sử văn hóa Quốc gia đền Hạ với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng. Các hạng mục gồm: Nhà mẫu, nhà tả hữu vu, nhà bia, nhà hòm đòn, nhà khách, nghi môn nội và điều chỉnh bổ sung bờ kè, bình phong, bãi xe, nhà dịch vụ, đồng thời xã hội hóa động ngũ dinh, hệ thống tượng, đồ thờ và hệ thống cây xanh lên tới hàng tỷ đồng.….

Đến nay, công trình đã hoàn thành vượt tiến độ và kế hoạch đề ra, đảm bảo các yêu cầu về kiến trúc truyền thống, kỹ thuật, mỹ thuật và giá trị văn hóa – lịch sử của di tích, tạo nên tổng thể không gian văn hóa biểu tượng của niềm tự hào quê hương Ba Vì.

Ba Vì tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn  - Ảnh 3.

Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử quốc gia đền Hạ tạo nên tổng thể không gian văn hóa biểu tượng của niềm tự hào quê hương Ba Vì.

Sức sống của Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Tản

Tục thờ Đức thánh Tản Viên đã trở thành một tín ngưỡng của người Việt, cũng như tục thờ cúng các Vua Hùng, Thánh Gióng, thánh Chử Đồng Tử và Thánh Bà Chúa Liễu Hạnh…

Tản Viên biểu hiện ước vọng chiến thắng thiên tai, lũ lụt; cái thiện thắng cái ác. Truyền thuyết đồng bằng Bắc bộ kể rằng Thánh Tản Viên vốn là một nông dân dũng cảm, nhân hậu, thiên phú hùng tài, trở thành Sơn thần, thủ lĩnh của muôn loài, Sơn Tinh, thường dạy dân làm ruộng, săn bắn, kéo vó, luyện võ và mở hội. Đối lập với Sơn Tinh là Thủy Tinh, vị ác thần cai quản các loài thủy tộc thường dâng nước tràn lên cướp phá mùa màng, cầm thú, làm hại dân lành. Hùng Vương thứ 18 - vị vua của các bộ lạc Việt, mở cuộc thi tài kén rể cho công chúa Mỵ Nương. Sơn Tinh thắng, được Vua Hùng gả con gái. Thủy Tinh thua, đem hận dâng nước lũ và xua thủy quái đánh phá. Sơn Tinh cùng thần dân và các loài vật trên đất liền chống chọi quyết liệt. Nước càng dâng thì núi lại càng cao. Thủy Tinh bại trận. Truyền thuyết này đã được ghi vào sách giáo khoa để truyền bá và giáo dục tinh thần chiến thắng thiên tai lũ lụt của dân tộc, tinh thần cái thiện chiến thắng cái ác cho các thế hệ học trò.

Cuộc chiến đấu chống Thủy Tinh của Sơn Tinh và muôn loài phản ánh lịch sử tự nhiên của một đất nước lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển, quanh năm chống thiên tai địch họa. Thờ Thánh Tản là tôn thờ và tin cậy vào sức mạnh thiêng liêng, vào đức nhân nghĩa, tin vào nỗ lực sinh tồn của con người.

Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Tản Viên ở Ba Vì có từ rất lâu. Khoảng 250 năm trước Công Nguyên, An Dương Vương cho lập đền thờ đức Thánh trên núi Tản Viên, gọi là Đền Thượng, nay thuộc Ba Vì, Sơn Tây, ngoại thành Hà Nội. Cứ ba năm một lần, vào 15 tháng giêng âm lịch, tại đây diễn ra lễ hội lớn, với hàng vạn người tham dự. Lễ hội gồm nhiều hoạt động như rước bài vị thánh Tản. Trong thời gian diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi dân gian truyền thống như đánh cá sông (99 con) làm gỏi dâng tế, lễ rước Thánh bà Mỵ Nương, chọi gà, đấu cờ, hát đúm, bịt mắt bắt dê, kéo co, cướp cờ, thi bơi thuyền rước quân, đấu vật và mở hội Chém May…

Ba Vì tưởng niệm ngày hóa Đức Thánh Tản Viên Sơn  - Ảnh 4.

Lễ hội Tản viên Sơn Thánh

Vào ngày hội lễ, nhà Vua hoặc tự thân hoặc cử đại quan tới dâng hương. Ngày nay, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng thường tới dự lễ tại đền chính trên núi Ba Vì, Hà Nội.

Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Tản Viên ở Ba Vì đã lan tỏa, có sức sống lâu bền từ đời này qua đời khác, từ đồng bằng lên miền núi, từ Bắc vào Nam.

Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Tản Viên ở Ba Vì thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào và đoàn kết dân tộc.

Ngày 30/01/2018, tục thờ Tản Viên Sơn Thánh tại Ba Vì, huyện Ba Vì, TP Hà Nội đã được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tín ngưỡng thờ cúng Đức Thánh Tản Viên ở Ba Vì thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm, thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, làm tăng thêm lòng tự hào và đoàn kết dân tộc.

Theo kết quả tổng kiểm kê hiện nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 397 di tích, trong đó có tới hơn 100 di tích thờ Đức Thánh Tản, có 128 di tích đã được xếp hạng. Trong đó cụm di tích đền Thờ Tản Viên Sơn Thánh đền Thượng, đền Trung, đền Hạ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng năm 2008. Tục thờ Tản Viên Sơn Thánh, huyện Ba Vì được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia năm 2018.

Trong thời gian tới, Ba Vì sẽ triển khai chương trình hành động nhằm bảo vệ, giữ gìn không gian văn hóa tâm linh vùng núi Ba Vì, tăng cường sự gắn kết cộng đồng trong bảo vệ di sản; tiếp tục bảo tồn, xây dựng thành lễ hội vùng; đồng thời, tiến tới hoàn thiện hồ sơ, trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại./.


Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ