(Tổ Quốc) - Sau 10 năm triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh, Bắc Giang đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Ảnh minh họa/hiephoa.net
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể: Trong giai đoạn 2009 – 2018, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định, chương trình, đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Tính đến hết năm 2018, toàn tỉnh đã tu bổ, tôn tạo 577 di tích với tổng kinh phí gần 350 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hội hóa trên 300 tỷ đồng. Các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được chú trọng. Toàn tỉnh hiện có có 721 di tích, danh thắng đã xếp hạng, trong đó có 03 di tích, cụm di tích được xếp hạng quốc gia đặc biệt; 03 bảo vật quốc gia, 99 di tích xếp hạng cấp quốc gia; 595 di tích xếp hạng cấp tỉnh; 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 02 Nghệ nhân nhân dân; 28 Nghệ nhân ưu tú.
Công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc thiểu số: Theo kết quả kiểm kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 516 thôn, bản dân tộc thiểu số, trong đó có 374 thôn, bản có nhà văn hóa (chiếm 72,5%). Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các huyện nghiên cứu, thể nghiệm và khôi phục một số mẫu hình về việc cưới, việc tang ở một số địa phương, dân tộc trên địa bàn tỉnh; Bảo tàng tỉnh triển khai trên 20 chương trình điều tra, nghiên cứu, đề tài khoa học, hội thảo khoa học về văn hóa một số dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn tỉnh.
Về phát triển văn học nghệ thuật: Hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân. Văn học nghệ thuật đã khẳng định vai trò, vị trí trong đời sống tinh thần của cán bộ và nhân dân. Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 1000 câu lạc bộ về văn học, nghệ thuật ở nhiều loại hình khác nhau, duy trì nhiều hoạt động sôi nổi, tổ chức được nhiều buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, là nơi truyền dạy và bảo tồn các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân.
Phong trào, hoạt động văn hóa cơ sở: Hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển rộng khắp ở cơ sở, chất lượng ngày càng được nâng lên, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Các huyện, thành phố luôn tích cực lựa chọn, phát động tuyên truyền, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật. Nhiều địa phương trong tỉnh quan tâm bảo tồn các giá trị văn hóa tiêu biểu, tổ chức truyền dạy hát dân ca Quan họ, hát chèo, hát dân ca các dân tộc.
Về phát huy giá trị truyền thống văn hóa gia đình, dòng họ, cộng đồng: Những năm qua, Bắc Giang luôn thực hiện tốt công tác tuyên truyền và các văn bản về: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và gia đình; Xây dựng, triển khai Đề án, chương trình, kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển gia đình Việt Nam. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa phát triển một cách sâu rộng, trở thành phong trào tự nguyện, tự giác trong quần chúng nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh có 88,3% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 76,5% làng bản, thôn, tổ dân phố văn hóa, 41,2% xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, 61,5% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.
Về xã hội hóa hoạt động văn hóa: Công tác này được quan tâm triển khai thực hiện và đạt được nhiều kết quả. Trong những năm qua, đã vận động được nhiều doanh nghiệp, tổ chức, nhân dân tham gia đóng góp hàng nghìn tỷ đồng để xây dựng các công trình văn hóa, góp phần nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân.
Về xây dựng thiết chế văn hóa: Các thiết chế văn hóa từ tỉnh tới cơ sở tiếp tục được quan tâm đầu tư xây dựng, củng cố và hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa ngày càng cao của nhân dân.
Về Điện ảnh: Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh hàng năm tổ chức các đợt chiếu phim miễn phí phục vụ nhân dân trong các ngày lễ, ngày kỷ niệm của tỉnh, của đất nước; đồng thời, lồng ghép tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh; đội chiếu phim lưu động thường xuyên tổ chức chiếu phim, lồng ghép tuyên truyền nhiệm vụ chính trị tại cơ sở thuộc các huyện miền núi, vùng cao của tỉnh.
Về Nghệ thuật biểu diễn: Những năm qua, Bắc Giang luôn chú trọng phát triển nghệ thuật biểu diễn theo định hướng ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống; sưu tầm, phục hồi và phát triển một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền.
Về Thư viện: Hệ thống thư viện công cộng trên địa bàn tỉnh gồm 01 thư viện tỉnh (với 189.064 bản sách), 10 thư viện huyện (118.556 bản sách) và 59 Thư viện xã và phòng đọc ở các cơ sở (65.593 bản) phần nào đã đáp ứng được nhu cầu đọc sách báo, nâng cao hiểu biết, kiến thức văn hóa, xã hội của nhân dân trên địa bàn…./.