(Tổ Quốc) - Bắc Giang tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở; Hà Giang phát triển đa dạng các phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến trong hệ thống thư viện; Phú Thọ tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động thư viện trong giai đoạn tới là những thông tin văn hóa đáng chú ý.
Bắc Giang: Tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, đặc biệt là các hoạt động văn hóa, văn nghệ ở cơ sở, đảm bảo sự công bằng trong hưởng thụ văn hóa của mọi người dân
Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh đặt ra trong Kế hoạch Thực hiện Kết luận số 76-KL/TW ngày 04/6/2020 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ngoài ra, tỉnh sẽ tiếp tục quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trong Chương trình hành động số 75-CTr/TU ngày 20/4/2015 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Kế hoạch số 61/KH-UBND ngày 28/5/2015 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW trên địa bàn tỉnh; Chú trọng việc phát hiện, biểu dương kịp thời gương người tốt, việc tốt về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Bắc Giang trong thời kỳ mới. Tăng cường quảng bá giới thiệu về văn hóa, con người Bắc Giang trên các phương tiện thông tin đại chúng; Thường xuyên đăng cai tổ chức các sự kiện văn hóa nghệ thuật khu vực và toàn quốc tại Bắc Giang; đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại.
Tập trung xây dựng con người Bắc Giang phát triển toàn diện. Chấn chỉnh kịp thời việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để truyền bá tư tưởng duy tâm thần bí, thực hành mê tín dị đoan, gây mất an ninh trật tự.
Phát triển, nâng cao chất lượng phong trào hoạt động thể dục thể thao; chú trọng các giải pháp nâng cao thể lực, tầm vóc con người Bắc Giang theo Đề án phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 – 2030. Phát hiện, bồi dưỡng tài năng văn hóa - nghệ thuật; tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để đội ngũ văn nghệ sỹ phát huy tiềm năng và năng lực sáng tạo. Đấu tranh đẩy lùi cái ác, thấp hèn, lạc hậu, các hành vi sai trái, tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến nhân cách con người, nền văn hóa dân tộc.
Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh, gắn với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá", "xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh", gia đình văn hóa, thôn, bản, tổ dân phố văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Tiếp tục thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030; xây dựng và thực hiện hiệu quả mô hình phòng chống bạo lực gia đình.
Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước. Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế. Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.
Chú trọng nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn, văn hóa trong các cơ quan, đơn vị; quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội ngũ công nhân, người lao động trong các khu, cụm công nghiệp. Gắn kết xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái. Bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch. Chú trọng thực hiện các chương trình phục hồi, bảo tồn một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một; giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Phát huy mặt tích cực của cơ chế thị trường; tăng cường và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư để phát triển công nghiệp văn hoá. Có giải pháp đồng bộ, tổ chức thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Chủ động hội nhập quốc tế về văn hoá; đổi mới hình thức quảng bá hình ảnh, các giá trị văn hoá, vùng đất, con người Bắc Giang, tiềm năng phát triển du lịch, các giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của tỉnh thông qua các chương trình, sự kiện, lễ hội văn hóa, biểu diễn nghệ thuật và các hoạt động xúc tiến thương mại du lịch. Tiếp thu có chọn lọc và phổ biến các giá trị nhân vǎn, khoa học, tiến bộ của nhân loại để làm giàu văn hóa địa phương, đồng thời hạn chế, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của hội nhập quốc tế….
Hà Giang: Phát triển đa dạng các phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến trong hệ thống thư viện
Giai đoạn 2021-2025, để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thư viện công cộng, nhiều giải pháp đã được Sở VHTTDL đưa ra.
Cụ thể, Sở VHTTDL sẽ chủ động tham mưu xây dựng "Quy hoạch phát triển mạng lưới thư viện tỉnh Hà Giang đến năm 2025 và định hướng năm 2030"; đẩy mạnh cải cách hành chính trong hoạt động thư viện, nâng cao hiệu quả công việc; đầu tư nâng cấp không gian các phòng bạn đọc tạo môi trường thân thiện, tạo mọi điều kiện thuận lợi để bạn đọc sử dụng thư viện, mở cửa phục vụ bạn đọc các ngày trong tuần, đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc tại một số phòng phục vụ để thu hút bạn đọc.
Phát triển đa dạng các phương thức phục vụ tại chỗ và trực tuyến, nâng cao chất lượng các dịch vụ truyền thống, tổ chức các kho mở cho phép người đọc tự tìm chọn tài liệu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chủ động triển khai nhiều dịch vụ mới, không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng các dịch vụ nhằm thu hút bạn đọc đến sử dụng thư viện, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hiện đại hóa các khâu trong hoạt động thư viện, tạo sự liên thông với các thư viện trong hệ thống thư viện công cộng trên toàn quốc. Bảo quản và số hóa tài liệu địa chí lưu giữ tại Thư viện tỉnh giúp bạn đọc được tiếp cận với nhiều nguồn thông tin.
Tăng cường vốn tài liệu và nguồn lực thông tin đáp ứng nhu cầu học tập, giải trí của bạn đọc; kết nối internet để phục vụ việc học tập, nghiên cứu; từng bước cải tiến công tác phục vụ bạn đọc; tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa…của ngành, địa phương; đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa hoạt động thư viện, vận động, khuyến khích thành lập mô hình tủ sách gia đình, tủ sách tư nhân có phục vụ cộng đồng;…
Phú Thọ: Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động thư viện trong giai đoạn tới
Để nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thư viện, trong giai đoạn tới, Sở VHTTDL sẽ bám sát định hướng hoạt động của trung ương, tỉnh chỉ đạo hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị. Tích cực tham mưu, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp, các ngành đối với hoạt động thư viện: cơ sở vật chất, nguồn lực sách báo, kinh phí hoạt động… Đặc biệt nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, hoàn thiện các bộ cơ sở dữ liệu số.
Tăng cường công tác xã hội hóa trong hoạt động thư viện, mở rộng liên kết với các nhà xuất bản, nhà sách, các tổ chức đoàn thể ủng hộ sách báo cho thư viện; nâng cao vị thế văn hóa đọc trong nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ. Tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề, giao lưu giữa cán bộ thư viện và bạn đọc, giữa tác giả và bạn đọc; thành lập các câu lạc bộ bạn đọc nhằm tạo môi trường thân thiện thu hút người dân đến sử dụng thư viện.
Ngoài ra, hệ thống thư viện sẽ đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá các hoạt động thư viện từ tỉnh đến cơ sở tới đông đảo nhân dân. Đổi mới phương thức phục vụ bạn đọc theo hướng thân thiện, mang sách đến tận nơi phục vụ người dân. Tăng cường phát triển và nhân rộng các trạm sách tại các sơ quan, đơn vị, trường học; luân chuyển sách báo tới các các thư viện, tủ sách, phòng đọc sách, điểm bưu điện văn hóa xã tại các địa phương trong tỉnh…