• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Giang: Tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020

Văn hoá 12/05/2020 15:41

(Tổ Quốc) - Bắc Giang tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020; Hà Giang nâng cao ý thức tự giác tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại; Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài "Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới" là những thông tin văn hóa đáng chú ý.

Bắc Giang: Tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020

Ngày 12/5/2020, Sở VHTTDL và Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Kế hoạch phối hợp tổ chức Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020.

Cuộc thi nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương và địa phương về việc phát triển văn hóa đọc, khơi dậy niềm đam mê đọc sách, khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Đồng thời tạo sân chơi cho học sinh các cấp học trên địa bàn tỉnh, tìm ra các gương mặt "Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Bắc Giang năm 2020" để làm điển hình thúc đẩy niềm đam mê đọc, định hướng, phát triển văn hóa đọc và lan tỏa tình yêu với sách của thế hệ trẻ Bắc Giang trong tương lai.

Bắc Giang: Tổ chức Vòng sơ khảo Cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc" năm 2020 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/nguồn: Báo Bắc Giang

Trước ngày 15/5/2020, các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, Cao đẳng Ngô Gia Tự Bắc Giang phát động, phổ biến thể lệ Cuộc thi tới 100% học sinh, sinh viên.

Tại cấp tỉnh, Ban tổ chức sẽ tiến hành chấm bài dự thi từ ngày 15/6/2020 đến ngày 30/6/2020 và chọn ra 20 bài có điểm cao nhất gửi về Bộ VHTTDL tham dự vòng chung kết toàn quốc.

Hà Giang: Nâng cao ý thức tự giác tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW của Ban Bí thư về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội, ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền được nâng lên, các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, thực hiện việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm. Nhận thức của cán bộ, đảng viên, cán bộ công chức viên chức và quần chúng nhân dân được nâng lên, tích cực tham gia các phong trào tại cơ quan, đơn vị, địa phương như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng gia đình văn hóa", "xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa", "khu dân cư văn hóa", "xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị", "Tuyến đường, tuyến phố văn minh"… xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn xã hội. Vận động người thân nâng cao ý thức tự giác tẩy chay, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại. Trách nhiệm quản lý ngành cũng như của từng cơ quan, đơn vị được tăng cường, góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại.

Việc triển khai lồng ghép ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại trong Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" đã tạo được những chuyển biến tích cực trong nhận thức và trách nhiệm của người dân về ý thức tự giác, phòng ngừa của mỗi cá nhân, gia đình trong việc tẩy chay, ngăn chặn, loại bỏ các sản phẩm văn hóa độc hại. Việc xây dựng tư tưởng, chính trị lành mạnh, truyền thống yêu nước, bồi dưỡng đạo đức, lối sống văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh, đấu tranh chống các biểu hiện phi văn hóa, suy thoái đạo đức, lối sống được tổ chức thực hiện có hiệu quả qua Phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần tạo nên giá trị bản sắc văn hóa của dân tộc. Kết quả đến hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh Hà Giang có 127.361/190.135 (67%) gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá"; 1.284/2.071 làng được công nhận "Làng văn hóa" chiếm 62%.

Ngoài ra, từ khi có Chỉ thị số 46-CT/TW, việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về văn học nghệ thuật đã được chú trọng hơn, nhất là công tác giáo dục chính trị tư tưởng, định hướng sáng tác, các hoạt động sáng tác văn học đã phát huy tốt vai trò định hướng tuyên truyền đấu tranh chống quan điểm sai trái trong văn học nghệ thuật, góp phần loại trừ những sản phẩm văn hóa độc hại, ổn định an ninh văn hóa – xã hội và đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật được công bố có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, chủ đề gắn với tình yêu quê hương, đất nước, con người Hà Giang.

Tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài "Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới"

Theo thông tin được đăng tải trên Báo Bắc Kạn, sáng 12/5, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Bắc Kạn đã tổ chức Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi sáng tác VHNT về đề tài "Bắc Kạn xây dựng nông thôn mới".

Được phát động từ 1/3/2018, cuộc thi đã thu hút sự tham gia của đông đảo văn nghệ sĩ. Tác phẩm dự thi là các tác phẩm văn học nghệ thuật về nông nghiệp, nông dân, nông thôn Bắc Kạn trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện nay với hành trang truyền thống lịch sử, văn hoá.

Qua cuộc thi, các hội viên, cộng tác viên sẽ có cơ hội tìm tòi, phát hiện được mô hình phát triển kinh tế tốt, cách làm hay, đồng thời phê phán những tư tưởng lạc hậu, trì trệ cản trở quá trình thực hiện chính sách của Đảng về xây dựng nông thôn mới.

Sau 2 năm triển khai, Ban tổ chức đã nhận được 396 tác phẩm gửi về dự thi, trong đó có 151 bài thơ, 53 truyện ngắn, 51 bút ký - ghi chép, 141 ảnh nghệ thuật.

Hội đồng giám khảo đã lựa chọn 19 tác phẩm để trao giải, trong đó 02 giải Nhất thuộc về truyện ngắn "Em và Tôi" của tác giả Nông Văn Kim và Chùm ảnh nghệ thuật 'Mùa hoa gỗ', "Đón nắng" của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ngô Đức Mích.

Hằng Đinh (T/h)

NỔI BẬT TRANG CHỦ