(Tổ Quốc) - Những năm qua, huyện Ba Bể chú trọng phát triển nông, lâm nghiệp dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương; chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân sản xuất, qua đó đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Những năm gần đây, huyện Ba Bể đã dành hàng trăm tỷ đồng để đầu tư nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, tập trung huy động mọi nguồn lực cho phát triển nông, lâm nghiệp... Do đó, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn huyện đã có bước phát triển ổn định, an ninh lương thực được đảm bảo, chuyển dịch theo hướng hàng hóa, huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh cây trồng tại các địa phương.
Chè là một trong những cây trồng thế mạnh và đã phát triển trong nhiều năm ở Ba Bể. Hiện nay toàn huyện duy trì diện tích hơn 676ha, cơ bản cây chè đã cho thu hoạch, năng suất đạt bình quân trên 50 tạ/ha/năm, sản lượng đạt trên 3.300 tấn chè tươi/năm, trong đó có một phần đã thực hiện thâm canh theo hướng VietGAP và thâm canh hướng hữu cơ. Giá chè bình quân đạt 150 - 180 nghìn đồng/kg, mang lại thu nhập khá, góp phần giải quyết việc làm và giảm nghèo cho người dân. Vùng trồng chè tập trung phát triển nhiều tại các xã Mỹ Phương, Chu Hương, Đồng Phúc và Thượng Giáo.
Tiếp đến là bí xanh thơm, cây trồng đặc sản của huyện Ba Bể, được trồng phổ biến tại các xã Chu Hương, Mỹ Phương, Yến Dương, Địa Linh, Thượng Giáo. Hiện nay huyện Ba Bể đang trồng thâm canh với diện tích duy trì gần 200ha, năng suất đạt từ 35 – 40 tấn/ha, với giá bán bình quân đạt từ 10 đến 15 nghìn đồng/kg. Cây trồng này đã và đang giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, huyện Ba Bể đã hình thành vùng trồng cây dong riềng tại các xã như Chu Hương, Yến Dương, Địa Linh, Phúc Lộc; vùng trồng hồng không hạt tại các xã Quảng Khê, Đồng Phúc, Khang Ninh; vùng phát triển chăn nuôi trâu bò tại các xã Phúc Lộc, Bành Trạch, Cao Thượng; vùng phát triển nuôi trồng cá lồng tại các xã Thượng Giáo, Khang Ninh… Một số sản phẩm từ những địa phương này đã xây dựng được nhãn hiệu, được thị trường đón nhận tích cực.
Lĩnh vực chăn nuôi của Ba Bể những năm gần đây cũng có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở khu vực nông thôn. Từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, nhiều hộ dân đã chuyển sang chăn nuôi chuyên biệt, đầu tư trang trại nuôi theo hướng thâm canh bán công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh và đảm bảo vệ sinh môi trường.
Huyện Ba Bể đặt ra mục tiêu phát triển sản xuất cây trồng có lợi thế trên cơ sở thành lập các tổ hợp tác, HTX, tạo vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, theo hướng hữu cơ gắn với tiêu thụ sản phẩm. Phấn đấu đến năm 2025, toàn huyện có tổng diện tích cây chè đạt 748ha, duy trì diện tích cây dong riềng 140ha, cây chuối 500ha, mở rộng diện tích vùng trồng giống lúa chất lượng 700ha, cây hồng 400ha, cây bí xanh thơm 200ha. Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng hàng hóa đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Để làm được những mục tiêu trên, huyện Ba Bể đang tích cực triển khai các giải pháp. Trong đó trọng tâm là lồng ghép các nguồn vốn đầu tư để hỗ trợ người dân triển khai có hiệu quả các mô hình sản xuất.../.