Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở của tỉnh Bắc Kạn những năm qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nội dung của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được triển khai luôn hướng về cơ sở, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân.
Hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao ở cơ sở được đẩy mạnh, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của người dân.
Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được thực hiện lồng ghép với các phong trào thi đua khác như xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững... nên hiệu quả thu được có ý nghĩa về nhiều mặt, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" các cấp thường xuyên được kiện toàn, đã phát huy vai trò trong công tác chỉ đạo và phối hợp thực hiện ở tất cả các nội dung.
Mục tiêu hướng đến của Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" vừa phù hợp với đạo lý truyền thống của dân tộc, vừa phù hợp với quy luật phát triển của xã hội nên cấp ủy, chính quyền, các ngành chức năng đã tập trung chỉ đạo, thực hiện và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Vì thế, phong trào đã có bước phát triển cả ở chiều rộng lẫn chiều sâu; tác động tích cực đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, tỷ lệ đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" của toàn tỉnh luôn đạt trên 84%; đã có hàng nghìn lượt khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa; hàng nghìn lượt cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa...
Đời sống văn hóa được nâng lên đã tác động đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Cùng với đó, công tác xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển văn hóa, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi hoạt động xã hội, góp phần giữ gìn và phát huy giá trị tốt đẹp của văn hóa dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, từ thực tế triển khai cho thấy vẫn còn những hạn chế, bất cập cần khắc phục, như: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa sâu sát trong việc chỉ đạo, triển khai thực hiện dẫn đến phong trào phát triển chưa đồng đều, kết quả đạt được chưa cao. Vẫn còn hiện tượng chưa xác định được chủ thể "toàn dân" của phong trào, dẫn đến công tác phối hợp thực hiện thiếu chặt chẽ. Kinh phí đầu tư cho phát triển và đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao còn hạn chế dẫn đến hiệu quả tổ chức hoạt động chưa cao...
Từ kết quả và kinh nghiệm thu được, Ban Chỉ đạo Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tỉnh đặt mục tiêu giai đoạn 2018 – 2020 phấn đấu có 85% số hộ trở lên đạt và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; 72% số thôn, bản, tổ phố trở lên đạt và giữ vững danh hiệu khu dân cư văn hóa; 92% số cơ quan, đơn vị trở lên đạt và giữ vững danh hiệu "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa"; 20% số xã đạt và giữ vững danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới"; 30% số phường, thị trấn đạt và giữ vững danh hiệu "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị".
Để thực hiện có hiệu mục tiêu đề ra, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/6/2014 của Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tổ chức thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Tăng cường đầu tư các thiết chế văn hóa thông tin ở cơ sở; khai thác và phát huy có hiệu quả các thiết chế văn hóa để phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng dân cư.
Nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc ở các cấp trong việc phối hợp, lãnh đạo, tổ chức, vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng đời sống văn hóa. Biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến, khắc phục những mặt yếu kém trong các hoạt động và phong trào liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.
Bên cạnh đó, chú trọng công tác đào tạo, tập huấn và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ, nhiệt tình, tâm huyết, đáp ứng nhu cầu công việc. Tăng cường vai trò tự quản của cộng đồng dân cư; khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia vào xây dựng và phát triển văn hóa cơ sở…/.