(Tổ Quốc) - Đa dạng hoá sinh kế để giảm nghèo bền vững được xem là giải pháp hữu hiệu trong thực hiện Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Thời gian qua đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế, đây chính là đòn bẩy giúp người dân có ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo.
Huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là một trong những huyện nghèo nhất cả nước theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ. Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, huyện được phân bổ hơn 139 tỷ đồng bao gồm vốn đầu tư và vốn sự nghiệp. Từ nguồn vốn này, huyện đã hỗ trợ người có khả năng lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo nâng cao năng lực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, đổi mới phương thức, kỹ thuật sản xuất.
Đến nay, huyện đã thực hiện 24 dự án đa dạng hóa sinh kế thuộc Dự án 2 với 410 hộ tham gia các dự án, trong đó hộ nghèo tham gia là 291 hộ, hộ cận nghèo tham gia 56 hộ, hộ mới thoát nghèo 17 hộ. Có 7 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất với 112 hộ tham gia, trong đó có 95 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo, 2 hộ mới thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo tham gia vào các dự án là 331 hộ, bằng 9,3%; hộ cận nghèo tham gia là 65 hộ, bằng 7,1%.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn Phạm Ngọc Thịnh, công tác hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện đã huy động được sự tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nhiều hộ gia đình.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế còn thấp, do đó ảnh hưởng tới kết quả thực hiện các chính sách liên quan tới công tác giảm nghèo ở địa phương.
Với cách làm Nhà nước hỗ trợ theo dự án, theo đề xuất của nhóm cộng đồng cùng sở thích tự nguyện tham gia và đóng góp một phần kinh phí đối ứng với phần ngân sách Nhà nước đã khơi dậy ý tưởng, sáng kiến, trách nhiệm của người dân, tránh tư tưởng ỷ lại trong việc thực hiện giảm nghèo.
Cùng với đó, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" phù hợp với quy hoạch, kế hoạch, lợi thế của từng vùng, đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 50% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định)… tham gia dự án.
Trong 3 năm thực hiện Chương trình, tỉnh đã triển khai 142 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất về nông nghiệp (trong đó dự án liên kết theo chuỗi giá trị 9 dự án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng 133 dự án); số hộ tham gia các dự án 2.880 hộ, trong đó 1.504 hộ nghèo, 522 hộ cận nghèo, 140 hộ mới thoát nghèo, 714 hộ khác.
Trung bình mỗi dự án liên kết chuỗi giá trị được đầu tư 1,4 tỷ đồng, dự án cộng đồng được đầu tư 300 triệu đồng. Các dự án triển khai đảm bảo quy trình, đối tượng tham gia theo quy định; mức hỗ trợ đầu tư bình quân cho một hộ tham gia dự án từ ngân sách nhà nước theo từng dự án và thời gian thực hiện khoảng từ 14 - 40 triệu đồng; đến tháng 8/2023 đã có 35 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thực hiện giải ngân, với kinh phí trên 10 tỷ đồng.
Do quy mô các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng không lớn nên khi kết thúc dự án, các hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có điều kiện thoát nghèo vẫn tiếp tục tham gia các dự án tiếp theo. Một số dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng cây dong giềng, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, vỗ béo, chăn nuôi lợn thịt bản địa… đã tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Thu nhập bình quân của hộ tham gia dự án cộng đồng trong thời gian qua cũng tăng lên đáng kể như dự án chăn nuôi lợn thịt bản địa tăng khoảng 9 - 10 triệu/hộ/chu kỳ sản xuất (khoảng 6 tháng); dự án trồng cây dong giềng tăng khoảng 12 - 15 triệu/ha/chu kỳ sản xuất (8 tháng).
Từ các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân làm quen với hình thức phát triển sản xuất tập thể, tổ hợp tác, nhóm hộ, liên kết, đối ứng, ràng buộc trách nhiệm lẫn nhau, cùng đóng góp lao động, quyền lợi, tạo việc làm, tăng thu nhập cho hộ gia đình.
Cùng với nỗ lực quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, công tác giảm nghèo của tỉnh đã đạt được kết quả quan trọng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm 2,66% so với đầu kỳ (giảm từ 27,37% xuống còn 24,71%), đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.
Xác định được cốt lõi của việc giảm nghèo là giúp người nghèo biết cách làm ăn, có sinh kế bền vững, việc làm ổn định, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống, có điều kiện tiếp cận với các dịch vụ xã hội cơ bản, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác giảm nghèo; quán triệt sâu sắc mục tiêu, đối tượng, nội dung hỗ trợ, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của trung ương và của tỉnh, cách triển khai đồng bộ, hiệu quả hoạt động đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đối với các ngành, các cấp, cán bộ, doanh nghiệp, hợp tác xã và toàn thể Nhân dân.
Các địa phương phân bổ, quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực thực hiện chính sách hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo trên địa bàn, chịu trách nhiệm về việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm và tránh thất thoát; thực hiện lồng ghép và xã hội hóa các nguồn vốn huy động hỗ trợ giảm nghèo theo phương thức đa chiều cho các dự án.
Kịp thời tôn vinh, khen thưởng, động viên những tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã triển khai thực hiện tốt các mô hình, dự án hỗ trợ giảm nghèo; những gương sáng, điển hình tham gia các mô hình dự án, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.