Trong những năm qua, việc triển khai và kết quả đạt được từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" tại Bắc Kạn đã tác động tích cực đến mọi lĩnh vực đời sống. Vì thế, nâng cao chất lượng, hiệu quả của phong trào này để phát huy vai trò "kích thích" đối với các lĩnh vực khác là nhiệm vụ quan trọng…
Phong trào xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh, góp phần tác động tích cực đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội ở các địa phương.
Năm 2019 là năm đầu tiên thực hiện việc đăng ký, bình xét các danh hiệu văn hoá theo Nghị định 122/2018/NĐ–CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Thôn văn hóa", "Làng văn hóa", "Ấp văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" (có hiệu lực từ 05/11/2018). Vì thế, để bảo đảm đạt kết quả cao, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh (Ban Chỉ đạo) đã chủ động trong việc triển khai, chỉ đạo, hướng dẫn Ban Chỉ đạo các huyện, thành phố thực hiện.
Cụ thể, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tham mưu, ban hành các văn bản như: Hướng dẫn xét tặng, công nhận danh hiệu "Gia đình văn hóa", "Khu dân cư văn hóa", "Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới", "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị"; kế hoạch thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" năm 2019; biên soạn, cấp phát tài liệu hỏi - đáp về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện đăng ký, bình xét danh hiệu văn hóa… Triển khai thực hiện Quyết định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang ban hành kèm theo Quyết định số 1750/2011/QĐ-UBND ngày 28/9/2011 của UBND tỉnh.
Tăng cường tuyên truyền về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; các mô hình, điển hình trong quá trình thực hiện ở các địa phương. Biên soạn, cấp phát 1.600 cuốn tài liệu hỏi - đáp về phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện hương ước, quy ước cho cơ quan chuyên môn cấp huyện, Ban Chỉ đạo cấp xã.
Phổ biến và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện đăng ký, xét tặng danh hiệu "Gia đình văn hóa"; "Làng văn hóa", "Thôn văn hóa", "Bản văn hóa", "Tổ dân phố văn hóa" theo Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ. Đồng thời, tổ chức lớp tập huấn phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" và thực hiện hương ước, quy ước cho gần 250 người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phong trào trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ việc phối hợp triển khai đồng bộ của các cơ quan chuyên môn, các địa phương và sự hưởng ứng tích cực của người dân, nên các nội dung của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" như đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo, thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao… đã trở thành phong trào thi đua và ngày càng phát triển. Nhiều giá trị văn hóa, các quy tắc ứng xử văn hóa ngày càng thấm sâu vào đời sống, góp phần quan trọng tạo dựng môi trường sống lành mạnh.
Phần lớn các hộ gia đình ý thức được trách nhiệm của mình trong việc tham gia xây dựng đời sống văn hóa, tạo không khí dân chủ, phấn khởi trong thực hiện. Phong trào xây dựng "Khu dân cư văn hóa" đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái trong giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; cùng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Các tiêu chí về "Xã đạt chuẩn chuẩn văn hoá nông thôn mới", "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị"... được tích cực triển khai.
Năm 2019 có 77.856/79.753 hộ đăng ký thực hiện danh hiệu "Gia đình văn hoá"; 1.395/1.421 khu dân cư đăng ký thực hiện danh hiệu "Khu dân cư văn hoá"; 928/952 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký thực hiện danh hiệu "Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá"; với danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hoá nông thôn mới" có 32/110 xã đăng ký; 10/12 phường, thị trấn đăng ký danh hiệu "Phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị".
Theo Ban Chỉ đạo phát triển văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, để bảo đảm thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Công tác tuyên truyền ở các cấp, trên các lĩnh vực, phương tiện cần thực hiện đa dạng, phong phú nhằm nâng cao ý thức trong các tầng lớp nhân dân. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp trong công tác tham mưu các mục tiêu, giải pháp để triển khai, tổ chức thực hiện.
Bảo đảm nguồn kinh phí cho hoạt động của phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Làm tốt công tác biểu dương những tấm gương "Người tốt, việc tốt" trong phong trào, đặc biệt đề cao những sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện phong trào. Bên cạnh đó, các cấp, ngành và địa phương chủ động nghiên cứu, thực hiện các giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương, đơn vị./.