• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Kạn: Tập trung giảm nghèo bền vững

Kinh tế 24/08/2023 15:00

(Tổ Quốc) - Thời gian qua, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, cùng với các chương trình, dự án khác, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển sản xuất để từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Nhiều kết quả tích cực

Từ nửa đầu nhiệm kỳ đến nay, Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ giảm nghèo, như: Chính sách dạy nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nghèo; chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo; chính sách hỗ trợ về y tế; chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo; chính sách hỗ trợ nhà ở; chính sách hỗ trợ tiền điện…

Bắc Kạn: Tập trung giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Tỉnh Bắc Kạn thường tổ chức các lớp đào tạo nghề cho người dân

Các chính sách này được triển khai đã giúp giải quyết việc làm cho hơn 21.500 lao động, số người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 1.693 người; đào tạo nghề cho hơn 14.600 người. Thực hiện hỗ trợ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho 124.507 lượt học sinh nghèo, cận nghèo với kinh phí hơn 246 tỷ đồng; hỗ trợ tiền ăn cho 34.200 lượt học sinh, kinh phí thực hiện trên 150 tỷ đồng; thực hiện cấp thẻ BHYT cho gần 430.000 đối tượng chính sách xã hội, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh đạt 97%.

Tổ chức khám, chữa bệnh cho trên 165.000 lượt người nghèo. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều năm 2022 giảm 2,66%, vượt mục tiêu đề ra, tỷ lệ giải ngân đạt 41% kế hoạch, các chỉ tiêu giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục - đào tạo, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin cơ bản mức độ thiếu hụt năm sau đều giảm so với năm trước.

Bằng nhiều nguồn lực, toàn tỉnh đã thực hiện hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở cho 4.145 hộ nghèo có khó khăn về nhà ở trên địa bàn tỉnh với số tiền hỗ trợ gần 128 tỷ đồng. Chi trả hỗ trợ tiền điện cho trên 110.000 lượt hộ, với tổng kinh phí thực hiện 23 tỷ đồng...

Đa dạng hóa sinh kế

Cùng với đó, qua thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo (Dự án 2 - Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) đã có hàng nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Bắc Kạn được thụ hưởng nhiều mô hình hỗ trợ sinh kế.

Bắc Kạn: Tập trung giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Người dân Bắc Kạn thu hoạch khoai tây

Cụ thể như tại huyện Na Rì, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Quang Kế, thực hiện Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, trong năm 2022 huyện lựa chọn 06 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng gồm 01 dự án hỗ trợ công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và 05 dự án chăn nuôi lợn bản địa tại 06 xã (Đổng Xá, Dương Sơn, Xuân Dương, Văn Minh, Văn Vũ và Lương Thượng); năm 2023 thực hiện 09 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng gồm 04 dự án chăn nuôi, 02 dự án trồng dong riềng, 03 dự án hỗ trợ công cụ, dụng cụ phục vụ sản xuất trong lĩnh vực trồng trọt; 07 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị.

Quá trình tổ chức hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế trên địa bàn huyện Na Rì đã góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, giúp tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần đưa số hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm 2,6% so với đầu kỳ. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tham gia vào các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế còn thấp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng tới kết quả thực hiện các chính sách liên quan tới công tác giảm nghèo ở địa phương; ảnh hưởng tới tiến độ giải ngân nguồn vốn.

Trên phạm vi toàn tỉnh, để bảo đảm việc tổ chức Dự án đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đạt hiệu quả thiết thực, tỉnh chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển tập trung tuyên truyền, vận động người dân tham gia xây dựng các mô hình, dự án phát triển sản xuất liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đồng thời, nhằm khơi dậy trách nhiệm của người dân, khi tổ chức thực hiện, Nhà nước hỗ trợ theo dự án, theo đề xuất của nhóm cộng đồng cùng sở thích, tự nguyện tham gia và đóng góp một phần kinh phí đối ứng với phần ngân sách Nhà nước.

Theo ông Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cấp ủy, chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền và tiếp tục triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào “Bắc Kạn chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”; thường xuyên cập nhật, phổ biến, nhân rộng các mô hình tốt, những kinh nghiệm, sáng kiến hay về công tác giảm nghèo bền vững để tuyên truyền trong Nhân dân. Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo điều hành sâu sát, quyết liệt, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và cộng đồng thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương chủ động, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiểu dự án; các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thường xuyên; đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn theo hướng dẫn của các bộ, ngành và của tỉnh, phấn đấu giải ngân đạt kết quả cao nhất năm 2023 và đến cuối năm 2025.

Các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện hiệu quả các dự án; xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất, đa dạng sinh kế phù hợp với nhu cầu của người dân và thực tế từng địa phương nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, thường xuyên tổ chức đánh giá kết quả thực hiện để kịp thời khắc phục những mặt hạn chế và nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả…

An An

NỔI BẬT TRANG CHỦ