(Tổ Quốc) - Trong mạng lưới thư viện cơ sở ở Việt Nam, Thư viện thôn Bình Vọng xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội đã trở thành một cái tên, một địa chỉ thân thuộc với rất nhiều người.
- 03.06.2019 Người dân thành phố Hồ Chí Minh thích thú với Ngày hội văn hóa đọc năm 2019
- 18.05.2019 Giao lưu các thí sinh đạt giải Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019
- 17.05.2019 Vượt qua hàng trăm nghìn thí sinh, Đại sứ văn hóa đọc năm 2019 đã được gọi tên
- 08.05.2019 "Ban giám khảo sẽ làm việc công tâm và trách nhiệm để chọn ra Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019 xuất sắc nhất"
Hình ảnh bác Lương Văn Tăng trong cuộc họp tại Thư viện thôn Bình Vọng
Nhiều người ấn tượng với thư viện về vốn tài liệu phong phú, về việc thư viện đã thu hút được đông đảo người dân ở địa phương đặc biệt là trẻ em đến với thư viện. Đối với riêng tôi, ấn tượng sâu sắc nhất là sự tâm huyết và nhiệt tình của bác Lương Văn Tăng, người phụ trách thư viện trong nhiểu năm qua.
Bác Lương Văn Tăng sinh năm 1940. Bác vốn là Đại tá, Trưởng phòng Tuyên huấn Binh chủng Thông tin đã nghỉ hưu. Xuất phát từ lòng yêu đọc sách, trân trọng giá trị của sách báo đối với việc hình thành nên sự hiểu biết, nhân cách và tâm hồn của con người, bác Tăng đã luôn trăn trở việc mở rộng ảnh hưởng của thư viện đối với dân làng.
Thư viện thôn Bình Vọng được thành lập vào ngày 5 tháng 1 năm 1999 với vốn sách ban đầu khoảng 200 cuốn từ sáng kiến của bác Dương Văn Phi - nguyên chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn. Từ nhận thức muốn thu hút được người đọc, đầu tiên thư viện phải có nhiều sách báo phong phú, khi phụ trách thư viện bác Tăng đã tích cực vận động mọi người cùng chung tay góp sách. Đầu tiên từ bạn bè, đồng nghiệp, Hội Người cao tuổi sau Bác mở rộng đến những người đến đọc sách. Nhiều khi, thấy sách hay, bác Tăng còn tự bỏ tiền mua sách cho thư viện. Nhờ sự đóng góp của nhiều cá nhân tổ chức và dân làng, đến nay, thư viện đã có được hơn 10.000 bản sách với hơn 10 đầu báo, tạp chí. Thư viện đã thu hút được hơn 600 bạn đọc đến đăng ký làm thẻ. Mỗi tháng thư viện bình quân có hơn 1.000 lượt bạn đọc và hơn 6.000 lượt sách báo được đưa ra phục vụ.
Tôi đã biết bác Lương Văn Tăng từ gần chục năm trước, khi Thư viện Hà Nội giới thiệu với tôi về một mô hình thư viện cơ sở hoạt động hiệu quả. Khi đó mọi người thường gọi thư viện bằng tên gọi thân thương "Thư viện ông Tăng". Từ khi về thăm thư viện, tôi đã giữ liên lạc với bác và thỉnh thoảng có hỗ trợ sách báo cho thư viện. Năm 2018 khi tổ chức tọa đàm về thư viện cơ sở phục vụ xây dựng nông thôn mới, tôi đã mời bác đến dự. Mặc dù khi đó bác đang phải điều trị tại bệnh viện nhưng bác vẫn nhiệt tình đến dự. Tôi thực sự khâm phục về những nỗ lực không mệt mỏi của bác cho hoạt động phát triển thư viện và triển khai phục vụ cộng đồng.
Tại cuộc tọa đàm, bác Tăng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc hình thành đội ngũ tình nguyện viên, kinh nghiệm vận động tăng cường xã hội hóa và phương thức phục vụ nhiều sáng tạo của Thư viện thôn Bình Vọng. Tất cả mọi người đều xúc động và không bao giờ quên bài thơ "Những cuốn sách cho cuộc đời đẹp mãi" do bác sáng tác và giọng đọc hào sảng của bác:
Như mái ấm mỗi cuộc đời, rất lạ
Vừa đi xa đã mong sớm trở về
Trong giấc ngủ cũng phập phồng ngực thở
Cuốn sách dày, tờ báo rộng, như mơ...
Tự bao giờ, ta không thể dời nhau,
Những hàng chữ như binh đoàn ra trận,
Như luống cày nâu, thấm mồ hôi mặn,
Những con tàu ôm biển lớn Trường Sa...
Những cuốn sách cho ta tìm hạnh phúc
Tìm cội nguồn những góc khuất, vực sâu,
Thấy ánh sáng con đường đi cần tới
Những nhịp tim chung tần số, bên nhau
Những cuốn sách không ngủ yên trên giá
Theo gió reo khăn đỏ, thắm sắc cờ,
Bên cặp kính chong đèn khi tỉnh thức,
Trong giọt lệ tròn thấm má em ta...
Mỗi mùa trăng, đón hàng ngàn bè bạn
Thư viện làng lan tỏa đất danh hương
Như hạt giống gieo trên miền khát vọng
Để đầu mùa, chùm quả cũng rưng rưng
Đây làng xóm của tôi, Tổ quốc tôi!
Những trang sách cho cuộc đời đẹp mãi
Nơi gắn kết tình quê, mở lòng nhân loại,
Nơi thiêng liêng nuôi lớn biết bao người.
Mới đấy mà đã hơn 1 năm. Tôi bàng hoàng nghe bác Lưu Kim Thiệu báo tin: Bác Lương Văn Tăng đã mất vào ngày 31 tháng 5. Một niềm xót thương dâng trào. Tôi cũng biết Bác Tăng bệnh trọng nhưng không ngờ bác ra đi nhanh như thế. Với thân thể cường tráng và lòng yêu đời tha thiết, những tưởng bác sẽ còn có thể chiến đấu với bệnh tật dài lâu.
Thắp nén nhang bên bàn thờ bác, tôi cảm thấy dường như bác vẫn đâu đây. Vẫn gương mặt rạng ngời với bao dự định... Bác Lương Văn Tăng đã đi xa, nhưng những tâm huyết của Bác với văn hóa đọc sẽ còn mãi. Tôi tin là không chỉ với vùng đất danh hương Thường Tín mà với tất cả những ai đã từng gặp và từng biết về Thư viện Bình Vọng, "thư viện ông Tăng" sẽ luôn ghi khắc hình ảnh một người cựu chiến binh năng động luôn nhiệt thành với việc đem sách báo, thông tin và tri thức đến cho mọi người, đặc biệt là các cháu thiếu nhi.