• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Mê, Hà Giang: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững

Kinh tế 16/11/2023 14:56

(Tổ Quốc) - Huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang là huyện nghèo 30a, có diện tích tự nhiên 85.606ha, gồm 12 xã, 1 thị trấn, với 139 thôn, tổ dân phố. Trong đó, có 10 xã khu vực III thuộc xã đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 11.279 hộ với 56.610 người, gồm 18 dân tộc cùng chung sống.

Theo kết quả rà soát hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022 - 2025, cuối năm 2021 toàn huyện có 5.507 hộ nghèo với 28.929 khẩu, chiếm 48,83% tổng số hộ và 2.086 hộ cận nghèo với 10.886 khẩu, chiếm 18,49%.

Trong giai đoạn 2016 - 2021, được sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy và chính quyền, nhất là sự nỗ lực cố gắng của chính người dân, huyện đã tập trung nguồn lực từ ngân sách nhà nước và huy động từ xã hội để đầu tư cho công tác giảm nghèo; nhận thức, ý chí vươn lên của người nghèo có nhiều chuyển biến tích cực; có 3.113 hộ nghèo đã thoát nghèo, tỷ lệ hộ có cuộc sống trung bình, khá tăng; có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2021, bình quân giảm 2,22%/năm, cụ thể giảm từ 36,25% xuống còn 25,45%.

Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo trên địa bàn huyện chưa thật sự bền vững, nguy cơ tái nghèo và phát sinh nghèo, tỷ lệ hộ cận nghèo còn cao; chênh lệch mức sống, điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản, tiếp cận thị trường, giải quyết việc làm giữa các xã, nhóm dân cư trên địa bàn huyện chưa được thu hẹp; một số chính sách, chương trình giảm nghèo chưa được triển khai thực hiện hiệu quả; một bộ phận người nghèo vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại, thiếu ý chí vươn lên …

Để tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo bền vững, Huyện ủy Bắc Mê đã ban hành Nghị quyết số 20-NQ/HU, ngày 7 tháng 4 năm 2023 về tăng cường lãnh đạo thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện và phấn đấu huyện Bắc Mê thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn, giai đoạn 2021 - 2025.

Bắc Mê, Hà Giang: Khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương để giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Lớp dạy nghề sửa chữa máy nông nghiệp ở Bắc Mê, Hà Giang

Theo đó, huyện Bắc Mê xác định sẽ tranh thủ nguồn lực của nhà nước kết hợp huy động nguồn lực của xã hội để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương. Chú trọng nâng cao ý thức người dân trong thực hiện các chương trình, đề án giảm nghèo; động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát huy nội lực, ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo bền vững.

Lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân làm mục tiêu của giảm nghèo bền vững. Tạo kế sinh nhai cho người nghèo là nhiệm vụ trọng tâm của toàn xã hội và đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở.

Đồng thời, huyện xác định sẽ thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở và nâng cao dân trí cho người dân; lấy hộ gia đình làm chủ thể; phát huy tính chủ động, tích cực của các hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, chống tư tưởng ỷ lại của người nghèo vào các chính sách hỗ trợ của nhà nước và bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo.

Việc thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững là nội dung quan trọng trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện; gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; thực hiện hiệu quả 3 đột phá của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ XVII.

Tập trung huy động các nguồn lực, ưu tiên đầu tư, hỗ trợ cho các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để nâng cao thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Cùng với đó, huyện đặt ra mục tiêu sẽ thực hiện giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Thực hiện giảm nghèo nhanh và bền vững; tập trung tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân; tạo điều kiện để người nghèo, hộ nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường, tiếp cận công nghệ thông tin. Thực hiện các chính sách giảm nghèo gắn với ổn định tinh gọn hệ thống chính trị, đẩy mạnh xây dựng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện.

Phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân 6%/năm trở lên; hạn chế thấp nhất tình trạng tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo còn 24,83%, tỷ lệ hộ cận nghèo còn 9,8%; có thêm 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới, số đơn vị cấp xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn còn 7/13 xã.

Cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, đảm bảo thu nhập bình quân đầu người/năm đạt 42,0 triệu đồng. Phấn đấu hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo có ít nhất một thành viên trong độ tuổi lao động có việc làm bền vững; tỷ lệ người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và tỷ lệ người lao động thuộc vùng nghèo, vùng khó khăn qua đào tạo đạt 65%; mỗi năm tạo việc làm cho trên 1.000 lao động; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 80%.

Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi trẻ em dưới 16 tuổi tại các xã khó khăn dưới 30%. Tỷ lệ trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo đi học đúng độ tuổi đạt trên 90%.

Phấn đấu 3.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhà ở; 96% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; ít nhất 80% hộ nghèo, hộ cận nghèo sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh; 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet; 100% các xã, thị trấn được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa, kết nối thị trường và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; phấn đấu 100% đường ô tô đến trung tâm xã, liên xã được rải nhựa hoặc bê tông.

Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trên, huyện Bắc Mê đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để tập trung triển khai thực hiện như: Các cấp ủy đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm đối với chương trình giảm nghèo bền vững; tập trung triển khai đồng bộ các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững; tập trung chỉ đạo thực hiện huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý chính quyền về giảm nghèo bền vững; tăng cường kiểm tra, giám sát; kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá việc tổ chức thực hiện công tác giảm nghèo bền vững …

Đăng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ