• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Ninh: Hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn công nhân sẵn sàng “vừa cách ly, vừa sản xuất”

Thời sự 01/06/2021 20:21

(Tổ Quốc) - Theo công văn số 56 ngày 26/5/2021, của UBND tỉnh Bắc Ninh, bắt đầu từ 0 giờ ngày 02/6/2021, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn phải triển khai bố trí cho người lao động ăn, ở tại nhà máy để vừa cách ly, vừa sản xuất.

Bắc Ninh hàng trăm doanh nghiệp, hàng nghìn công nhân sẵn sàng “vừa cách ly, vừa sản xuất” - Ảnh 1.

Công nhân được bố trí chỗ nghỉ ngay trong khu công nghiệp.

Chỉ đạo quyết liệt

Những ngày này, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đang phải chạy đua với thời gian để hoàn thành các quy định về phòng chống dịch bệnh và duy trì sản xuất, cụ thể đó là triển khai phương án bố trí cho người lao động ở lại tại nhà máy để vừa cách ly, vừa sản xuất theo như tinh thần chỉ đạo của công văn số 56 ngày 26/5/2021 của UBND tỉnh Bắc Ninh.

Ngay khi công văn 56 được ban hành, mặc dù còn nhiều thắc mắc, nhưng hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ tại các khu công nghiệp chế xuất của Bắc Ninh đều triển khai một cách nghiêm túc, chủ động và sáng tạo.

Nhằm giúp các doanh nghiệp triển khai đúng theo chỉ đạo của công văn 56, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh đã huy động 100% cán bộ, công nhân viên túc trực 24/24 để hỗ trợ, giải đáp các thắc mắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Mọi giao dịch với các doanh nghiệp đều được triển khai theo hình thức trực tuyến, nhằm giải quyết kịp thời, đảm bảo an toàn, khoảng cách theo quy định về phòng dịch.

Một cán bộ quản lý của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh chia sẻ, công văn 56 của UBND tỉnh Bắc Ninh chính là nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp không phải đứt gãy sản xuất trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay và hơn hết là hạn chế việc lây nhiễm chéo trong cộng đồng nhằm mục đích hoàn thành tốt mục tiêu kép theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cũng theo vị này, công văn 56 yêu cầu, trước khi các doanh nghiệp cho người lao động (công nhân, nhân viên – PV) ở lại công ty thì đều phải tổ chức làm xét nghiệm RT-PCR, có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới được đến nhà máy làm việc và phải cam kết ở lại tại nhà máy (tối thiểu 15 ngày – PV), tuyệt đối không được ra ngoài, trừ những trường hợp đặc biệt theo quy định. Định kỳ mỗi tuần doanh nghiệp phải bố trí để xét nghiệm cho tối thiểu 10% công nhân viên ở lại nhà máy.

Để thực hiện theo công văn này, yêu cầu các doanh nghiệp phải xây dựng kế hoạch chi tiết về việc bố trí cho người lao động ở lại như điều kiện cơ sở vật chất, chỗ ăn, chỗ ngủ...gửi về Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh trước ngày 30/5. Trên cơ sở kế hoạch đăng ký cùng phương án mà các doanh nghiệp gửi về, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh sẽ thành lập các tổ công tác để kiểm tra, thẩm định. Nếu doanh nghiệp nào đạt yêu cầu thì sẽ chính thức triển khai hoạt động theo công văn 56. Những doanh nghiệp nào chưa đạt yêu cầu sẽ được thêm thời gian chuẩn bị, còn những doanh nghiệp nào không lập kế hoạch, phương án bố trí cho người lao động ở lại thì phải có công văn báo cáo về ban nói rõ lý do, khó khăn, vướng mắc, đồng thời phải tạm ngừng hoạt động.

Doanh nghiệp, người lao động cùng nhau "đồng cam, cộng khổ"

Anh Nguyễn Hữu Đại, đại diện một công ty Hàn Quốc tại khu công nghiệp Quế Võ 1 cho biết "Ban đầu, khi tiếp nhận công văn 56 của ban quản lý gửi xuống, chúng tôi cũng rất lo lắng bởi số lượng công nhân viên của công ty lên tới cả chục nghìn người, để bố trí được như công văn yêu cầu không phải là đơn giản. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ công văn cũng như được sự hỗ trợ từ các anh chị trên ban, chúng tôi đã hiểu rõ vấn đề và bắt đầu triển khai. Đến nay, công ty đã hoàn thành kế hoạch gửi về ban theo đúng thời hạn. Ban lãnh đạo công ty đã họp bàn, tính toán xây dựng phương án làm sao tất cả các dây chuyền sản xuất đều có nhân lực, không bị đứt gãy. Tất nhiên không thể đảm bảo 100% công suất như ngày thường. Nhưng trong tình hình dịch bệnh hiện nay thì đây là một phương án tối ưu cho các doanh nghiệp, nếu không muốn dừng hoạt động".

Chị Thúy Phương, quản lý nhân sự của một doanh nghiệp Nhật Bản tại khu công nghiệp Tiên Sơn chia sẻ, ngay khu dịch bệnh tại Bắc Ninh, Bắc Giang bùng phát, đặc biệt là trong các khu công nghiệp có người nhiễm bệnh, thì ban lãnh đạo công ty cũng rất lo lắng và tính đến phương án xấu nhất là ngừng hoạt động. "Với phương án ngừng hoạt động trong khoảng thời gian 15 ngày thì thiệt hại với công ty là rất lớn. Chính vì vậy, đối với công ty, công văn chỉ đạo số 56 của UBND tỉnh Bắc Ninh giống như một chiếc phao cứu sinh, giúp chúng tôi có hướng đi phù hợp vừa giảm thiểu thiệt hại vừa chấp hành các chủ trương về phòng chống dịch Covid-19".

Mặc dù công văn 56 đã mở cho các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, khu chế xuất của Bắc Ninh một "lối đi" trong tình cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng để triển khai thành công và hiệu quả thì đòi hỏi phải có sự "chung tay" của người lao động, "Cái khó đối với doanh nghiệp khi triển khai công văn 56 đó là làm sao thuyết phục để người lao động hiểu, đồng ý và yên tâm ở lại đồng hành cùng công ty trong 15 ngày vừa cách lý, vừa phòng dịch".

Theo chị Thúy Phương, ban đầu công nhân viên của công ty đều phản đối và không đồng ý với phương án này, nhưng sau khi được ban lãnh đạo giải thích cặn kẽ, đồng thời trình bày về kế hoạch bố trí cụ thể nơi sinh hoạt trong những ngày cách ly sản xuất tại công ty thì họ đã hiểu và chấp thuận. Cũng theo chị Thúy Phương, nhằm kích lệ động viên tinh thần của cán bộ công nhân viên đã ở lại đồng hành cùng công ty, doanh nghiệp chị có chính sách hỗ trợ 200.000 VNĐ/ngày/người cho công nhân viên, khoản tiền này nằm ngoài tiền lương. Ngoài ra, công ty cũng tăng cường chế độ ăn, đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng cho 3 bữa ăn chính và các bữa phụ, cung cấp wifi miễn phí để cho mọi người có thể liên hệ với gia đình lúc nghỉ ngơi.

Anh Nông Đức Toản, công nhân của một công ty điện tử lớn tại khu công nghiệp Quế Võ 1, cho biết, công ty của anh cũng đã có kế hoạch cho 4.000 cán bộ, công nhân viên bao gồm cả các chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật người nước ngoài ở lại nhà máy làm việc theo công văn 56. "Ban đầu bản thôi tôi cũng do dự vì lo sợ liệu ở lại công ty thì có nguy cơ lây nhiễm hay không? Tuy nhiên, sau khi được công ty phổ biến và cho biết là tất cả những người muốn đăng ký ở lại đều phải xét nghiệm Covid, chỉ những người có kết quả âm tính trong vòng 72 giờ mới đủ điều kiện ở lại. Vì thế mình đã đăng ký luôn và rất yên tâm. Hiện tại mình đang chờ kết quả xét nghiệm và đã sẵn sàng cho 15 ngày đồng hành cùng công ty. Giữa lúc dịch bệnh diễn biến phức tạp, được đi làm trong môi trường đảm bảo an toàn về dịch bệnh mình cảm thấy rất tin tưởng, mong rằng, tất cả mọi người cùng tuân thủ nghiêm các quy định về phòng dịch để mọi thứ sớm trở lại như thường".

Chị Nghiêm Thị Dung và anh Nghiêm Đức Bình (Yên Bái) hiện đang làm công nhân cho một doanh nghiệp của Nhật Bản tại khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn, là một trong những trường hợp đặc biệt, khi cả hai vợ chồng cùng đăng ký và cùng có kết quả âm tính để sẵn sàng cho việc ở lại tại nhà máy để làm việc. Chị Nghiêm Thị Dung chia sẻ, cả hai vợ chồng đều làm chung tại công ty này được hơn 3 năm . Hơn 3 năm qua, nhờ có đồng lương ổn định từ việc làm công nhân tại Bắc Ninh mà anh chị có tiền để nuôi 3 con nhỏ ở quê ( ông bà chăm sóc-PV) ăn học và xây dung được ngôi nhà 2 tầng khang trang. Vì thế, ngay khi công ty triển khai phương án này, cả hai anh chị đều thống nhất sẽ đăng ký ở lại làm việc.

"Cả hai vợ chồng đều suy nghĩ rằng nếu không ở lại công ty làm việc thì 15 ngày còn lại mình cũng chỉ ở xóm trọ chơi không mà vẫn mất chi phí sinh hoạt, ăn uống. Trong khi đó, nếu ở lại làm việc thì bản thân đã được công ty xét nghiệm Covid để đảm bảo không nhiễm bệnh, hơn nữa lại vừa có thu nhập, vừa không phải lo chi phí sinh hoạt. Hơn nữa, cũng nhờ công ty mà gia đình mình có cuộc sống ổn định nên giờ công ty có khó khăn, mình cũng nên chia sẻ", chị Dung bộc bạch.

Theo chia sẻ của một cán bộ Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh, tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 500 doanh nghiệp hoàn thiện và gửi phương án, kế hoạch bố trí cho người lao động ăn, ở lại tại công ty. Qua kiểm tra sơ bộ phương án từ các doanh nghiệp gửi lên, có thể thấy rằng các doanh nghiệp đã rất tuân thủ các chủ trương về phòng, chống dịch bệnh của tỉnh cũng như của Chính phủ đề ra. Hầu hết các doanh nghiệp đều cố gắng hết sức có thể để đảm bảo tối đa về cơ sở vật chất, đáp ứng cho nhu cầu ăn, nghỉ của người lao động. Có thể thấy, chưa khi nào doanh nghiệp, người lao động và cơ quan quản lý Nhà nước lại đồng hành cùng nhau đến như vậy và khi tất cả cùng nhau quyết tâm thì chắc chắn chúng ta sẽ chiến thắng được dịch bệnh./.

Vi Phong

NỔI BẬT TRANG CHỦ