Giống như nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trong cả nước, chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn (Quế Võ - Bắc Ninh), ngôi chùa nổi tiếng bởi vẻ đẹp và sự bề thế một thời, đang xuống cấp và bị lấn chiếm nghiêm trọng.
Giống như nhiều di tích, danh lam thắng cảnh trong cả nước, chùa Dạm thuộc xã Nam Sơn (Quế Võ - Bắc Ninh), ngôi chùa nổi tiếng bởi vẻ đẹp và sự bề thế một thời, đang xuống cấp và bị lấn chiếm nghiêm trọng.
Trước những khắc nghiệt của thời gian và sự thờ ơ, vô tình của con người, những nỗ lực, cố gắng gìn giữ của người dân địa phương không đủ để giúp chùa tồn tại!
Hoang vắng một “Linh sơn”
Tìm đến chùa Dạm, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh tượng hoang tàn, từ dưới chân núi ngước lên chỉ thấy ngút ngàn màu xanh của cỏ cây hoang dại. Những lớp tường đá kỳ vĩ, chứng tích của một đại danh lam vẫn bền bỉ bám vào mặt núi thẳng đứng. Leo lên hàng trăm bậc gạch rêu phủ, tôi được chiêm bái cây cột đá trứ danh. Chiều cao của cây cột đá hiện còn 5m, không kể phần bị gãy. Ông Phạm Mạnh Tập, người chịu trách nhiệm trông coi di tích này cho biết: Người xưa truyền lại, cây cột nguyên thủy cao hơn hiện tại rất nhiều, vào thế kỷ XVI đã bị sét hoặc bão đánh gãy. Ngôi chùa hoành tráng thuở xưa không còn. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, dân làng đã phá hủy chùa để giặc Pháp không có nơi đồn trú. Toàn bộ kiến trúc và hầu hết di vật, cổ vật bị phá hủy hoặc thất lạc. Ngoài cây cột đá, những lớp tường, bậc đá lên chùa, chỉ có pho tượng Nguyên phi ỷ Lan nhờ gửi vào chùa Hàm Long gần đó, nên mới giữ được tới ngày nay.
Di tích ngày nay còn bốn lớp nền bằng phẳng, rộng rãi nằm ở các độ cao khác nhau. ở lớp nền thứ 3, có ngôi chùa nhỏ bé do dân làng tái dựng vào năm 1996.
Những điều tắc trách
Người dân sở tại luôn ước nguyện một ngày nào đó phục dựng nguyên vẹn chùa Dạm, nhưng khát vọng này xem ra còn xa vời. Tuy nhiên, điều đáng nói là cách ứng xử của con người đối với di tích này đang thể hiện sự tắc trách. Cột đá chùa Dạm từng được nhiều nhà nghiên cứu xưng tụng, coi là báu vật hàng đầu của quốc gia, vì vậy việc tạo tác các phiên bản là rất cần thiết. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã làm phiên bản cột chùa Dạm bằng xi măng. Tuy nhiên, phiên bản mới này khiến không ít người phê phán vì sai lệch so với nguyên mẫu. Rồng thời Lý được tạc trên cột chùa Dạm vốn có thân hình tròn trặn, dài và nhỏ dần về phía đuôi, dáng dấp gần gũi với loài rắn, thế nhưng rồng tạc trên cột đá phục chế của Bảo tàng Mỹ thuật lại có thêm vẩy, đây là điều khó chấp nhận.
Việc bảo tồn di tích chùa Dạm dường như chưa được sự quan tâm đúng mức từ phía các cơ quan chức năng. Những năm gần đây, ông Phạm Mạnh Tập cùng Hội Người cao tuổi ở đây đã vận động dân làng góp kinh phí xây ngôi chùa nhỏ trên nền đất cũ. Dân làng xin được nguồn tài trợ từ sư bà Đàm Lan (chùa Bồ Đề, Long Biên - Hà Nội), đã làm một con đường chạy thẳng lên núi. Ông Tập tâm sự: “Trăn trở trước sự hoang phế của đại danh lam thuở xưa, dân làng đã nhiều lần gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền, nhưng đều bặt vô âm tín. Chúng tôi đành phải tự xin tiền tài trợ, mong muốn tạo lại cảnh quan của ngôi chùa. Vì thiếu hiểu biết và kiến thức, những việc làm tự phát của chúng tôi đều ít nhiều có ảnh hưởng đến cảnh quan của di tích, nên rất cần sự tư vấn từ phía các cơ quan chức năng và các nhà nghiên cứu văn hoá”.
Khoảng đất trống dưới chân núi Dạm xưa kia là nơi diễn ra hội chùa, nay bị nhà dân cùng một số công trình choán hết, đã phá vỡ cảnh quan của chốn địa linh. Đại danh lam phải chịu cảnh điêu tàn suốt hơn nửa thế kỷ, và không biết đến bao giờ mới được “đánh thức”. Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đang đến gần, nhiều di tích lịch sử quan trọng được tôn tạo, thế nhưng chùa Dạm, một trong những công trình bề thế của triều đại nhà Lý, thì vẫn đang bị bỏ quên.
“Chùa Dạm được vua Lý Nhân Tông cho xây dựng năm 1086 trên sườn núi Đại Lãm, mất 9 năm mới xong. Sử sách ghi lại, chùa Dạm xưa có 99 gian vô cùng bề thế được xây tứ cấp dựa hẳn vào sườn núi, tổng diện tích 8.400m2. Bốn lớp nền được bó ghép bằng đá tảng (mỗi viên có kích thước 50x60cm) được đặt choãi chân, cao 5-6m, đường xuống mỗi cấp gồm 25 bậc đá.”
Theo KTNT