• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Ninh thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng

Văn hoá 06/10/2020 14:21

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Bắc Ninh thực hiện lời dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về rèn luyện đạo đức cách mạng - Ảnh 1.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy các trường ĐH và THCN (12/1958). Ảnh tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng giữ vai trò quan trọng hàng đầu vì cán bộ, đảng viên là cái gốc của mọi công việc, “công việc thành công hoặc thất bại là do cán bộ tốt hay kém”(1). Người nhấn mạnh: “Cũng như sông có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(2). Để làm tròn nhiệm vụ đó, người cách mạng nói chung, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải luôn nỗ lực phấn đấu, thường xuyên rèn luyện đạo đức cách mạng. “Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức cách mạng có thể khái quát thành bốn nội dung cơ bản là: Trung với nước, hiếu với dân; Yêu thương con người; Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; tinh thần quốc tế trong sáng. Tựu lại: “Đạo đức cách mạng là quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc. Ra sức học tập chủ nghĩa Mác-Lênin, luôn luôn dùng tự phê bình và phê bình để nâng cao tư tưởng và cải tiến công tác của mình và cùng đồng chí mình tiến bộ”(3).

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ nêu ra những phẩm chất, những chuẩn mực đạo đức cách mạng mà chính Người còn là hiện thân của những phẩm chất đó để chúng ta học tập. Lúc sinh thời, dù bận trăm ngàn công việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành thời gian quý báu của mình để đi thăm các địa phương, cơ sở. Bắc Ninh, một tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, vùng đất giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và cách mạng, nơi phát tích vương triều Lý - tạo dựng nền văn minh Đại Việt, một địa bàn quân sự trọng yếu của đất nước... đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm 18 lần. Trong những lần Bác về thăm và làm việc tại Bắc Ninh, Bác thường xuyên căn dặn cán bộ đảng viên và nhân dân về đạo đức cách mạng. Mỗi một chuyến đi thăm của Người đến Bắc Ninh nói riêng hay tới các địa phương khác nói chung đều thể hiện sự quan tâm, thương yêu, động viên, khích lệ rất cụ thể và gần gũi với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Những tình cảm ấy luôn sống mãi trong lòng cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời được 11 ngày, nhân dịp Lễ kỷ niệm Lý Bát Đế, ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn và thắp hương tưởng niệm các vua nhà Lý. Người căn dặn: “...đồng bào phải hăng hái tăng gia, thực hành tiết kiệm, sẵn sàng diệt giặc nghèo nàn, giặc dốt và giặc ngoại xâm, Đình Bảng cần ra sức phát huy truyền thống cách mạng. Trước hết phải có nhiều biện pháp tích cực và chấm dứt nạn đói kém”(4).

Tháng 5/1946, cả nước gấp rút xây dựng lực lượng chuẩn bị kháng chiến, Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh. Sau khi làm việc với Ủy ban hành chính tỉnh, Người đã nói chuyện với nhân dân thị xã, nêu lên ý nghĩa to lớn của Cách mạng Tháng Tám. Tiếp đó, Bác đến thăm trại Sao Đỏ của Vệ quốc đoàn ở Đáp Cầu, động viên tinh thần luyện tập của anh em bộ đội. Người nhắc nhở bộ đội tích cực trau dồi bản lĩnh chính trị để sẵn sàng chống giặc ngoại xâm.

Tháng 11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm cụ Chắt Minh, làng Phù Sơn, Từ Sơn. Tại đây Người ân cần căn dặn cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Bắc Ninh về tinh thần đoàn kết: “Chính phủ và nhân dân phải tỏ ra đồng tâm nhất trí. Bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, toàn thể quốc dân phải ra sức làm việc. Tôi mong các cụ động viên con cháu mình hăng hái tăng gia sản xuất, ủng hộ Chính phủ”(5).

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bác luôn theo dõi phong trào cách mạng của tỉnh Bắc Ninh, khi lập được thành tích, Bác kịp thời khen thưởng khích lệ, khi gặp khó khăn Bác ân cần động viên. Được nghe báo cáo thành tích của Đội công an danh dự Bắc Ninh đã đột nhập trường bay, cướp súng, lấy tài liệu của địch và trừ gian ở sân bay Gia Lâm, ngày 15/7/1948, Bác viết thư khen ngợi: “Những công việc đó chứng tỏ anh em đã khôn khéo, can đảm, làm vẻ vang cho Công an Bắc Ninh và toàn quốc. Tôi gửi lời thân ái ngợi khen các bạn và mong các bạn luôn luôn cố gắng thi đua, để thực hiện khẩu hiệu: Mỗi ngày lập một chiến công”.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, ngày 17/12/1955, Hội nghị tổng kết cải cách ruộng đất của Đoàn Bắc - Bắc (Bắc Ninh- Bắc Giang) tổ chức tại xã Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với hội nghị. Sau lời thăm hỏi ân tình, Bác “đánh giá đầy đủ những thành tựu, ưu điểm của đoàn cải cách ruộng đất Bắc - Bắc đã đạt được, coi đó là thắng lợi cơ bản, có một tầm quan trọng rất lớn. Đồng thời, Hồ Chủ tịch đã phân tích cụ thể những tồn tại, khuyết điểm mà chúng ta đã mắc phải trong cải cách ruộng đất”. Bác cũng phê phán “những cán bộ sinh ra mệt mỏi muốn nghỉ ngơi, không muốn tiếp tục làm công tác cải cách ruộng đất nữa”(6). Mỗi lời chỉ dạy của Bác vừa gần gũi, vừa thiết tha nhắc nhở đảng viên và nhân dân trong tỉnh đoàn kết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Nhiệm vụ thủy lợi, nhất là thủy lợi nhỏ của tỉnh Bắc Ninh đạt kết quả tốt do biết dựa vào nhân dân, phát huy toàn dân làm thủy lợi. Ngày 16/10/1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm một số công trường thủy lợi loại vừa ở Bắc Ninh và đến Công trường thuỷ lợi lớn Bắc - Hưng - Hải. Người đến tận nơi thăm anh chị em dân công đang hăng hái thi đua đào kênh và nạo vét sông. Nói chuyện với đông đảo cán bộ tỉnh Bắc Ninh, Người nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của công trình thủy lợi trọng điểm này để mọi người phát huy tinh thần đoàn kết, cùng xác định góp sức: “Công trình Bắc - Hưng - Hải là lợi ích chung, ích lợi to, ích lợi lâu dài cho mỗi người dân ba tỉnh. Đó là việc ích nước lợi nhà. Phải làm cho mọi người vui vẻ hăng hái góp công góp sức”. Đối với cán bộ lãnh đạo và cán bộ các ngành, tư tưởng phải thông, phải thật thông, “phải đồng cam cộng khổ với nhân dân, phải khuyến khích và giúp đỡ nhân dân phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất”. Tuy nhiên “phải chống tư tưởng bảo thủ, chống tác phong quan liêu, chống lãng phí”(7).

Ngày 14/9/1959, khi về dự Hội nghị thủy lợi toàn miền bắc tại xã Hiên Vân, huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Người phân tích về nhiệm vụ của công tác thủy lợi: “Làm thủy lợi phải là phong trào của toàn dân. Xã này với xã khác, huyện này với huyện khác, tỉnh này với tỉnh khác, đều có liên quan với nhau, phải cùng làm, phải thảo luận với nhau, phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, không nên chỉ nhìn thấy lợi ích của nơi mình mà để thiệt cho nơi khác”. Tháng 7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra đê điều và công tác phòng chống lũ lụt ở Bắc Ninh, thăm đê sông Cầu. Người căn dặn: Phải lấy thanh niên làm nòng cốt trong việc phòng chống lụt, bảo đảm mùa vụ thắng lợi.

Ngày 14/12/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới thăm trường Trung cấp Thể dục thể thao Trung ương tại xã Đồng Quang, huyện Từ Sơn, Bác căn dặn giáo viên và học sinh của trường: “Học thể dục thể thao không phải là để làm ông kiện tướng nọ, bà kiện tướng kia, mà để phục vụ sức khỏe nhân dàn... Nhân dân ta nhờ tập luyện các môn võ cổ truyền đã đánh thắng bọn xâm lược. Ngày nay, ta phải kế tục truyền thống thượng võ của tổ tiên, nhưng phải chọn lọc”(8), lời căn dặn của Bác khắc sâu trong tâm trí của nhà trường và của ngành Thể dục - Thể thao.

Ngày 27/10/1962 hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang hợp nhất thành tỉnh Hà Bắc. Một năm sau đó, ngày 17/10/1963, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm đồng bào, cán bộ và dự Đại hội Đảng bộ tỉnh. Phát biểu tại Đại hội, Người nhấn mạnh vấn đề đoàn kết nhất trí trong Đảng, nhất là khi hai tỉnh mới sát nhập. Người yêu cầu “cán bộ phụ trách các ngành từ tỉnh đến xã phải đi sâu, đi sát cơ sở, phải thật sự quan tâm đến đời sống của nhân dân. Phải một lòng một dạ phục vụ nhân dân... để Hà Bắc phấn đấu xứng danh là một trong những tỉnh lớn nhất của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Đặc biệt, Bác chỉ rõ: “mỗi đảng viên phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị, kèn cựa, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau; phải đề cao cảnh giác cách mạng và chấp hành đúng các chính sách của Đảng”(9).

Ghi nhớ lời dạy của Bác, Đại hội đã nghiêm túc kiểm điểm tình hình mọi mặt công tác, những ưu, khuyết điểm trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị từ năm 1961 đến 1963. Cùng với việc hợp nhất hai tỉnh, Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc lần thứ nhất được tổ chức thành công tốt đẹp, đánh một mốc son thúc đẩy sự nghiệp cách mạng của tỉnh ngày càng phát triển.

Tết Đinh Mùi (tức ngày 09/02/1967), Đảng bộ và nhân dân tỉnh và xã Tam Sơn (huyện Tiên Sơn) vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Sau khi nghe đồng chí Lê Quang Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy báo cáo tình hình và những thành tựu đạt được trên lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là công tác thủy lợi của tỉnh Hà Bắc, Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chúc tết toàn thể đồng bào, bộ đội, cán bộ, các cháu thanh niên và thiếu niên và Người căn dặn: cán bộ, đoàn viên phải thực sự đoàn kết, gương mẫu, dân chủ, phải lấy tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược mà đẩy mạnh phong trào sản xuất chiến đấu của nhân dân, loại trừ tệ nạn thiếu dân chủ, loại trừ cái thói quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí...

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ và nhân dân Bắc Ninh đã nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng, đoàn kết thi đua lao động sản xuất, học tập và công tác, cùng cả nước xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ cứu nước thắng lợi. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bắc Ninh đã nắm bắt thời cơ, phát huy các thế mạnh và khai thác nguồn lực để phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội... Trong kháng chiến cũng như trong xây dựng đất nước, tỉnh đã có nhiều tấm gương tiêu biểu về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Họ là những cá nhân luôn gương mẫu, đi đầu trong lao động sản xuất, chiến đấu và học tập. Tuy nhiên vẫn còn một số ít cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ có quyền vẫn chưa làm đúng lời Bác dạy, nạn tham ô, tham nhũng, hối lộ, cửa quyền. còn xảy ra ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị, một số ngành. Đây là nguy cơ gây mất niềm tin trong cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân, ảnh hưởng tới sức chiến đấu và vai trò lãnh đạo của Đảng. Từ thực tế này, trong công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên, tỉnh đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm động viên khích lệ tinh thần sáng tạo, gương mẫu của cán bộ đảng viên. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đưa cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, lấy việc làm theo tấm gương của Bác là nhiệm vụ xuyên suốt theo tinh thần của Chỉ thị số 03-CT/TW (Khóa XI) “về việc tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sau đó là Chỉ thị số 05-CT/TW (Khóa XII) “về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ năm 2008 đến năm 2019, toàn tỉnh đã mở được 418 lớp bồi dưỡng đối tượng đảng với 30.613 học viên; 257 lớp bồi dưỡng đảng viên mới với 19.447 học viên; 99 lớp bồi dưỡng cấp ủy và bí thư chi bộ với 12.027 học viên; 218 lớp chuyên đề với 34.811 học viên; 65 lớp sơ cấp lý luận chính trị với 3.779 học viên; 776 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác đoàn thể với 105.026 học viên(10).

Tiếp tục thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng cho cán bộ và đảng viên, tỉnh Bắc Ninh cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Các cấp ủy đảng cần tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục tư tưởng chính trị cho cán bộ, đảng viên; kịp thời triển khai nghiên cứu, quán triệt, phổ biến các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giáo dục lịch sử truyền thống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, giáo dục đạo đức, lối sống, đấu tranh phê phán những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm chuẩn mực đạo đức xã hội của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI được triển khai sâu rộng trong cả nước, Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh nên gắn triển khai việc học tập và làm theo đạo đức cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào Nghị quyết Trung ương 4, đặc biệt là trong vấn đề tự phê bình và phê bình. Như vậy sẽ thiết thực và hiệu quả hơn trong việc quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI của Ban chấp hành TW Đảng.

Đẩy mạnh xây dựng, phát hiện và nhân rộng điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đây là một giải pháp quan trọng để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW. Thực hiện tốt sẽ tạo động lực thúc đẩy cán bộ, đảng viên, quần chúng thi đua rèn luyện theo đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, hoàn thiện các tiêu chí điển hình tiên tiến, làm cơ sở để các tập thể, cá nhân phấn đấu, bình xét và khen thưởng. Tuy nhiên cũng cần tránh hiện tượng nể nang, nâng đỡ cán bộ lãnh đạo mà cần nhìn nhận đánh giá đúng người thật việc thật, bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “nền tảng của thi đua chính là công việc hàng ngày”.

Chú thích:

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr.292

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 5, tr.313

3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập 11, tr.603

4, 5, 6, 7, 8, 10. Bác Hồ với Bắc Ninh, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2019, tr.15, tr.25. tr.27, tr.38, tr.58, tr.258

9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, tập15, tr.569

Theo KDT Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

NỔI BẬT TRANG CHỦ