(Tổ Quốc) - Vấn đề sai phạm của các bác sĩ giỏi chuyên môn khi kiêm nhiệm thêm công tác quản lý được nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ trăn trở khi thảo luận về dự thảo Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) vào sáng 13/6.
Nước ta là một trong số ít những quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh, dự án Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét lần này đặt trong bối cảnh ngành y tế thực sự đang trải qua khủng hoảng. Lúc này sự chia sẻ, động viên đội ngũ nhân viên y tế là rất cần thiết.
Theo đại biểu Nguyễn Công Long, chúng ta phải nhớ rằng, dịch bệnh vẫn chưa kết thúc, công tác khám chữa bệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân đang rất khó khăn, tình trạng thiếu thuốc, sinh phẩm vật tư, vật tư y tế đang diễn ra nhiều nơi. Trong khi đó, nhiều người có trách nhiệm không dám mua sắm, sợ sai, sợ vi phạm, thể chế pháp luật không rõ ràng được cho là nguyên nhân của mọi nguyên nhân.
Vì vậy, việc sửa đổi Luật Khám chữa bệnh cần giải quyết căn bản những vấn đề bất cập lâu nay trong ngành y tế. Phải giải quyết những quy định bất hợp lý trong ngành y tế, trong đó có vấn đề như một lãnh đạo ngành y tế từng phát biểu đó là về mô hình quản lý kiêm nhiệm giữa chuyên môn và quản lý điều hành bệnh viện công.
Theo đại biểu Nguyễn Công Long cho biết, đến nay, nước ta là một trong số ít những quốc gia áp dụng mô hình quản lý kiêm nhiệm. Đại biểu cho rằng, giám đốc bệnh viện công là những người giỏi chuyên môn y khoa, phải trải qua quá trình phấn đấu lâu dài từ vị trí bác sĩ điều trị, quản lý cấp khoa phòng đi lên, tuy nhiên họ lại không được đào tạo bài bản về kỹ năng quản lý, điều hành, quản trị hoạt động của bệnh viện. Điều này dẫn đến những bất cập trong quản lý trang thiết bị, nguồn nhân lực, hạ tầng… làm chất lượng khám chữa bệnh kém đi, thiếu tính chuyên nghiệp.
"Cũng cần phải nói thêm, các trường y hiện nay chỉ chú trọng đào tạo các chuyên ngành y khoa, y đa khoa, cử nhân điều dưỡng…mà không chú trọng đào tạo quản lý bệnh viện. Không phải cho đến bây giờ khi hàng loạt lãnh đạo quản lý bệnh viện sai phạm, xử lý hình sự chúng ta mới thấy mà sự bất cập đã xuất hiện từ lâu" - đại biểu này nhấn mạnh.
Theo quan điểm của đại biểu Long, đối với những người chấp nhận vừa làm chuyên môn, vừa làm quản lý thì rất khó hoàn thành nhiệm vụ. "Chúng ta thử hình dung, một bác sĩ bước vào phòng mổ thay vì toàn tâm toàn ý cứu bệnh nhân thì đầu óc lại đang bị phân tâm bởi gói thầu A, hợp đồng B nào đó, ai cũng hiểu trong gói thầu, hợp đồng đó có vô số lợi ích của những cơ man các mối quan hệ chằng chịt, nếu không thắng nổi, xử lý hết mối quan hệ đó thì vào tù chỉ là sớm hay muộn" - đại biểu Nguyễn Công Long trăn trở.
Cũng theo đại biểu Long, từ lâu ngành y tế đã thấy rõ những bất cập, Bộ đã trình Chính phủ về chủ trương thí điểm cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Theo đó, cùng với đổi mới cơ chế tự chủ tài chính, bệnh viện công sẽ tự chủ về tổ chức bộ máy theo mô hình thành lập hội đồng quản lý gồm tổng giám đốc và giám đốc điều hành.
Dự kiến sẽ thí điểm bệnh viện công thuê giám đốc điều hành là CEO, thay những nhà quản lý chuyên môn bằng những nhà quản lý chuyên nghiệp, CEO không cần giỏi về y khoa mà cần giỏi về quản lý điều hành. Điều này nhằm tạo ra bước đột phá, nâng cao chất lượng bệnh viện, đảm bảo minh bạch và hiệu quả quản lý bệnh viện công phù hợp với xu hướng của thế giới, quan trọng nhất là trả lại sứ mệnh thiêng liêng của bác sĩ là chăm sóc cho bệnh nhân.
Rất tiếc là những nỗ lực đó chưa hiệu quả, theo đánh giá, quá trình triển khai mô hình trên gặp phải hai rào cản chính là nhận thức và thể chế. Về nhận thức, trước thực trạng đã và đang diễn ra thì sự đổi mới về quản trị y tế công đặt ra tính cấp thiết, những ai còn vấn vương quyền hạn, lợi ích ở chiếc ghế giám đốc thì đã có những bài học cảnh tỉnh. Về thể chế, nếu không đưa ra nội dung sửa đổi bổ sung tại dự thảo luật lần này thì không biết đến bao giờ chúng ta xử lý được vấn đề bất cập trên.
Từ những phân tích trên, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi, bổ sung quy định phân định rõ hoạt động chuyên môn và hoạt động quản lý bệnh viện công. Hai là cần quy chuẩn hóa tiêu chuẩn các chức danh quản lý điều hành bệnh viện bên cạnh các quy định về hành nghề khám chữa bệnh. Thứ ba là cần xem xét quy định về tiêu chuẩn các nhân lực quản lý là một tiêu chí bắt buộc trong đánh giá chất lượng của cơ sở khám chữa bệnh theo tiêu chuẩn chung của thế giới. Cuối cùng, đại biểu này đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện mô hình tự chủ tài chính và tự chủ bộ máy quản lý đối với cơ sở y tế công lập.
Chưa bao giờ luật pháp về y tế khủng hoảng, thiếu hụt như bây giờ
Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn TP.Hà Nội) cho biết, tròn 40 năm làm nghề y, ông chưa bao giờ thấy luật pháp về y tế bị khủng hoảng, bị thiếu hụt như bây giờ. Đặc biệt, hơn 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã làm bộc lộ bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành.
Theo đại biểu, những quy định của luật pháp không còn phù hợp đã khiến hàng ngàn cán bộ y tế, đặc biệt là y tế cơ sở xin thôi việc hay những vụ việc tiêu cực đang được đưa ra ánh sáng…và thiệt hại thòi lớn nhất tại xảy ra cho chính người bệnh.
Đại biểu đề nghị Quốc hội, Chính phủ tập trung mọi sức lực giải quyết những vấn đề cấp bách của y tế như về nhân lực, nhân sự, về cơ chế bảo vệ, đảm bảo quyền lợi hợp lý cho cán bộ y tế về các biện pháp ngăn chặn tiêu cực trong ngành y và đặc biệt hơn là cả hoàn thiện thể chế, đồng bộ những vấn đề về pháp lý trong ngành y tế.
Trước mắt cần triển khai nội dung trong các Nghị quyết 30, Nghị quyết 43 của Quốc hội, Nghị quyết 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mua sắm để khám, chữa bệnh và dũng cảm để soi xét những vấn đề sai phạm cho thấu lý đạt tình.
Góp ý về dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn Thái Bình) đề nghị xác định lại sứ mệnh, chức năng nhiệm vụ của y sĩ trong nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện nay, trong tương lai. Điều này rất cần với tuyến y tế cơ sở, không chỉ ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi mà cả ở vùng nông thôn.
Trong bối cảnh hiện nay, nước ta đang thiếu hụt bác sĩ ở tuyến y tế cơ sở. 2 năm qua, trong thời gian có dịch COVID-19 đã có gần 5.000 nhân viên y tế, trong đó có nhiều bác sĩ xin thôi việc trong hệ thống y tế công lập.
"Cứ đà này sẽ rất nghiêm trọng, các bác sĩ hiện nay có tâm lý không yên tâm công tác" - đại biểu Dung nói và đề nghị với cơ quan soạn thảo dự thảo Luật cần nghiên cứu để tiếp tục cấp giấy phép hành nghề cho chức danh y sĩ./.