Bác sĩ cảnh báo biểu hiện ho sốt kéo dài trong thời tiết mùa đông
(Tổ Quốc) - Nhiều trường hợp bị ho, sốt kéo dài nhưng chủ quan nghĩ rằng do thời tiết. Khi đến viện thì phát hiện bệnh nguy hiểm.
Thông tin từ khoa Hồi sức tích cực Nội, Bệnh viện Việt Nam – Uông Bí Thụy Điển (Quảng Ninh), mới đây khoa có tiếp nhận điều trị cho một số trường hợp người bệnh có triệu chứng ho sốt kéo dài. Đáng nói khi nhập viện điều trị thì người bệnh được phát hiện bệnh lao phổi, tình trạng nặng, suy hô hấp, hôn mê sâu và phải thở máy qua nội khí quản.
Đây là bệnh nhân nam 67 tuổi, có tiền sử uống rượu nhiều năm. Trước thời điểm vào viện 1 tuần, người bệnh có sốt về chiều, ho khạc đờm nhiều, khó thở. Ở nhà uống thuốc không đỡ, người bệnh đã được đưa đến viện cấp cứu.
Người bệnh được chuyển khoa Hồi sức tích cực Nội điều trị trong tình trạng lơ mơ, sốt cao 39 độ, huyết áp thấp 50/30 mmHg, thể trạng gầy, suy kiệt. Qua các kết quả xét nghiệm, người bệnh được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn trên nền viêm phổi do lao phổi trên người bệnh suy kiệt, lạm dụng rượu. Người bệnh đã được điều trị tích cực: Đặt nội khí quản, thở máy, vận mạch nâng huyết áp, kháng sinh, nuôi dưỡng tích cực nâng cao thể trạng. Sau 2 ngày điều trị người bệnh vẫn phải thở máy qua ống nội khí quản nhưng tỉnh táo hơn, huyết áp ổn định hơn (110/60 mmHg), dừng thuốc vận mạch, đủ điều kiện chuyển về cơ sở y tế địa phương tiếp tục theo dõi điều trị.
Tiếp đó, khoa cũng tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nam khác, 70 tuổi có cùng biểu hiện ho sốt kéo dài. Khi vào viện được chẩn đoán viêm phổi do lao phổi trên người bệnh đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Song, dù đã được điều trị tích cực nhưng do bệnh nặng, kèm nhiều bệnh lý nền nguy hiểm nên người bệnh đã không qua khỏi.
Qua đây, các bác sĩ Bệnh viện khuyến cáo người dân cần duy trì thói quen khám sức khoẻ định kỳ tối thiểu 1 lần/năm. Đặc biệt, với người cao tuổi mắc các bệnh lý nền ngoài khám sức khoẻ định kỳ, khi có biểu hiện ho sốt kéo dài cần đến các cơ sở y tế khám và điều trị sớm. Vì sốt ho kéo dài kèm theo đờm là những "tín hiệu" cảnh báo nhiều bệnh lý phổi nguy hiểm như áp xe phổi, nấm phổi, lao phổi, thậm chí là ung thư phổi... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, đối với những bệnh truyền nhiễm như lao phổi có thể lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Hơn nữa bệnh diễn biến nặng không chỉ gây khó khăn cho quá trình điều trị mà còn có nguy cơ tử vong cao cho người bệnh.
Biểu hiện của bệnh lao phổi
GS.TS.BS Ngô Qúy Châu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết bệnh lao phổi (ho lao) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người mỗi năm. Bệnh có khả năng lây lan trong cộng đồng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Tùy thuộc vào sức khỏe và để kháng của từng người mà bệnh lao ở phổi có thời gian ủ bệnh dài ngắn khác nhau. Trong giai đoạn ủ bệnh, bệnh nhân lao không có hoặc có ít biểu hiện các triệu chứng bệnh, do đó rất khó phát hiện được bệnh nhân mắc bệnh trong giai đoạn này.
Ở nền bệnh lao tiến triển, tùy vào mức độ gây bệnh ở từng cơ quan, bệnh nhân sẽ có những triệu chứng khác nhau. Ở lao phổi, các dấu hiệu thường đặc hiệu biểu hiện qua đường hô hấp như:
- Ho khan, ho ít, nhiều khi bệnh nhân không để ý mình bị ho từ lúc nào. Nếu bệnh nhân có ho khan kéo dài, sốt nhẹ trên 3 tuần (có thể sốt về chiều), bác sĩ chỉ định chụp X-quang phổi và làm xét nghiệm đờm tìm trực khuẩn lao.
- Ho khạc đờm, đờm thường có màu trắng.
- Ho ra máu (đờm lẫn máu) số lượng từ ít tới nhiều.
- Thường hay có triệu chứng khó thở, khám phổi thấy ran ẩm, ran nổ vùng tổn thương.
Bệnh lao phổi (bệnh ho lao) là một trong những bệnh viêm đường hô hấp dưới phổ biến nhất trong xã hội hiện đại. Mặc dù có thể hoàn toàn chữa khỏi nhưng sẽ mất nhiều thời gian do điều trị kéo dài, vì vậy cần có những biện pháp phòng ngừa bệnh ngay từ đầu. Nếu nhận thấy các dấu hiệu của bệnh, lập tức đến ngay các bệnh viện gần nhất để được chẩn đoán, điều trị.