Bác sĩ cảnh báo hiểm họa từ thuốc lá điện tử với trẻ em
(Tổ Quốc) - Trong thời gian gần đây, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc thuốc lá điện tử được đưa tới viện cấp cứu.
Trường hợp ngộ độc thuôc lá điện tử gần nhất tới cấp cứu là một bệnh nhi 5 tuổi. Cháu bé có tiền sử khoẻ mạnh. Trẻ tình cờ nhặt được và uống khoảng 5 ml dung dịch màu vàng trong lọ thuỷ tinh của thuốc lá điện tử.
Khoảng 15 phút sau, người nhà phát hiện trẻ co giật toàn thân, nôn ói, hôn mê. Ngay lập tức cháu được sơ cứu tại bệnh viện gần nhà và chuyển tuyến lên Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi được chẩn đoán nghi ngờ ngộ độc các thành phần chứa trong dung dịch thuốc lá điện tử. Tuy nhiên, các triệu chứng co giật, đồng tử giãn, mạch chậm của trẻ không giải thích được hết tình trạng ngộ độc do nicotine – chất chủ yếu chứa trong thuốc lá điện tử.
Để tìm nguyên nhân gây ngộ độc cho trẻ, các bác sĩ bệnh viện đã gửi các mẫu bệnh phẩm gồm: máu, nước tiểu, dung dịch trẻ đã uống đi xét nghiệm. Kết quả phát hiện trẻ dương tính với ma tuý tổng hợp mới ADB-BUTINACA.
ThS.BS Trần Đăng Xoay – Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết trẻ bị tổn thương thần kinh nặng đến mức co giật, hôn mê, suy hô hấp. Tuy nhiên, sau thời gian điều trị tích cực hai ngày, cháu bé đã may mắn hồi phục tỉnh lại và đang được tiếp tục theo dõi các biến chứng lâu dài.
Đây là cũng trường hợp thứ hai trong thời gian gần đây Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận và điều trị trẻ bị ngộ độc liên quan đến thuốc lá điện tử.
Nguy cơ từ thuốc lá điện tử
Bác sĩ Xoay khuyến cáo thuốc lá điện tử hiện nay trở thành "vỏ bọc" nguỵ trang của nhiều người lớn sử dụng ma tuý tổng hợp. Qua trường hợp ngộ độc thuốc lá điện tử trên, chuyên gia lưu ý các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ rằng trẻ em là đối tượng nguy cơ cao dễ bị ngộ độc do uống hoặc nuốt dung dịch sử dụng thuốc lá điện tử.
Theo Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an, gần đây tội phạm ma tuý đã chế tạo những chất ma tuý mới chưa có trong danh mục cấm đựng trong dung dịch thuốc lá điện tử. Các chất ma tuý mới bao gồm: 1eP-LDS, 2-FMA, 3-FEA, 3-MMC, MDMB-4en-PINACA, ADB-BUTINACA, 4F-MDMB-BUTICA, 4F-ABUTINACA.
Các chất ma tuý này khi sử dụng sẽ gây ảo giác, có thể gây co giật, hôn mê, thậm chí tử vong đối với người sử dụng và những người xung quanh không may uống nhầm.
Bác sĩ Xoay cho biết thành phần thuốc lá điện tử có chứa nicotine, là một chất gây nghiện, có thể tác động xấu đến phát triển não bộ của trẻ em, ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai và sự phát triển của thai nhi.
Trẻ em không may nuốt, uống, hoặc hấp phụ lượng lớn nicotine có thể bị ngộ độc với các biểu hiện nôn ói, nhịp tim nhanh, tăng tiết nước bọt, đau bụng, da tái nhợt, vã mồ hôi, tăng huyết áp, thở nhanh, mất kiểm soát cơ thể, mất cân bằng không thể đi lại, run tay, co giật. Trường hợp nặng có thể gây nhịp tim chậm, tụt huyết áp, rối loạn nhịp tim, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong.
Ngoài ra, trong thuốc lá điện tử còn chứa các chất hoá học phụ gia như methyl salicylate, glycerin, hay propylence glycol. Đây là các hoá chất có thể gây ung thư hoặc tổn thương phổi.
Trong một số tình huống ít gặp hơn, pin của thuốc lá điện tử có thể cháy nổ và gây bỏng cho người sử dụng.
"Chính vì các tai nạn gây ra gần đây cho trẻ em liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt là ngộ độc các chất ma tuý mới, chúng tôi khuyến cáo các bậc cha mẹ chú ý hơn nữa đến việc chăm sóc các cháu. Không cho trẻ tiếp xúc gần cũng như sử dụng các chế phẩm liên quan đến thuốc lá điện tử", bác sĩ Xoay nhấn mạnh.
Tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang gia tăng rất nhanh. Trong năm 2019, kết quả Điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố cho thấy Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng lên 2,6%, so với tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử năm 2015 là 0,2%. Thuốc lá điện tử đang xâm nhập vào các trường học, ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh, sinh viên, đồng thời gây ra các hậu quả trước mắt và lâu dài về sức khỏe, kinh tế, xã hội.