(Tổ Quốc)- “Xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình góp phần giảm quá tải bệnh viện”-Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói
(Tổ Quốc) – “Xây dựng và phát triển mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) trong hệ thống y tế Việt Nam nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản, toàn diện, liên tục và thuận lợi cho cá nhân, gia đình và cộng đồng, góp phần giảm quá tải bệnh viện” – PGS TS Nguyễn Thị Kim Tiến-Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
BSGĐ gần dân, gắn với dân
Theo Bộ Y tế, BSGĐ là bác sĩ đa khoa thực hành, chăm sóc toàn diện và liên tục cho người bệnh, có mối quan hệ lâu dài và bền vững với người bệnh. Ngoài ra, BSGĐ biết rõ từng người bệnh trong hoàn cảnh và gia đình của họ, xem xét các vấn đề sức khỏe của người bệnh trong hoàn cảnh của cộng đồng và lối sống của người đó trong cộng đồng.
Các bệnh viện ở TP.HCM đang chịu cảnh quá tải (ảnh: G.Thanh)
Tại Hội nghị Triển khai kế hoạch nhân rộng và phát triển mô hình BSGĐ giai đoạn 2016-2020 diễn ra ngày 4/3, PGS TS Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết mô hình BSGĐ đã phát triển và nhân rộng ở nhiều nước trên thế giới từ thế kỷ XX. Hiện nay, mô hình BSGĐ đã được phát triển rộng rãi không chỉ ở các nước phát triển mà cả ở các nước đang phát triển như Philippines, Malaysia, đặc biệt Cuba là quốc gia được coi là hình mẫu về phát triển mô hình BSGĐ ở các nước đang phát triển.
Còn tại nước ta, theo PGS TS Nguyễn Thị Kim Tiến, năm 2005 đã hình thành bệnh án điện tử y học gia đình đầu tiên và áp dụng tại phòng khám y học gia đình bệnh viện ĐH Y –Dược TP.HCM. Đến nay, hoạt động BSGĐ đã tổ chức tại Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Nẵng… với nhiều mô hình khác nhau. Đó là trung tâm BSGĐ, phòng khám gia đình… ngoài chức năng là cơ sở thực hành của các trường đại học chuyên ngành y còn tổ chức khám chữa bệnh và thực hiện các dịch vụ y tế tại đơn vị hoặc tại nhà theo yêu cầu của người bệnh.
Theo nhận định của PGS TS Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tại nhiều phòng khám BSGĐ, người bệnh được đón tiếp ân cần, tư vấn chu đáo, hướng dẫn chuyển tuyến phù hợp, được theo dõi toàn diện, cập nhật liên tục diễn biến sức khỏe, bệnh tật. Phần lớn người bệnh đến phòng khám BSGĐ được giải quyết mà không phải đến bệnh viện nên đã góp phần giảm quá tải bệnh viện
Tuy nhiên, hiện hoạt động BSGĐ ở nước ta là mô hình mới, chưa được quan tâm đầu tư tương xứng, chưa có chức danh BSGĐ ở các cơ sở y tế, hoạt động còn tản mạn, nhiều bất cập, hạn chế, chưa có đầy đủ cơ sở pháp lý và hiệu quả chưa cao.
Trước thực tế trên, để xây dựng và phát triển mô hình BSGĐ một cách toàn diện, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cơ bản toàn diện, liên tục cho cá nhân, gia đình và cộng đồng là rất cần thiết. Theo Bộ Y tế, mục tiêu đến hết năm 2020, 100% tỉnh, thành phố triển khai mô hình phòng khám BSGĐ. Trong năm 2016, có ít nhất 20% các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (13 tỉnh) triển khai phòng khám BSGĐ. Đến hết năm 2017, nâng tỷ lệ này lên 30% và năm 2018 là 50%...
Hiệu quả kinh tế cho người bệnh
TS Trần Quý Tường-Cục phó Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết: Mô hình phòng khám BSGĐ khi được hình thành và phát triển sẽ góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, chữa bệnh ban đầu, giúp người dân được chăm sóc sức khỏe toàn diện, liên tục và phòng bệnh chủ động, tích cực.
Ngoài ra, hoạt động BSGĐ sẽ giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiêm được chi phí nằm viện cho người bệnh, kinh phí BHYT, mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh, gia đình và xã hội. Tăng sự hợp tác phối hợp điều trị giữa người bệnh và nhân viên y tế, giảm đi những vấn đề bức xúc của xã hội.
Theo TS. BS Võ Xuân Sơn- Giám đốc Trung tâm Điều trị kĩ thuật cao các bệnh lí cột sống và tủy sống (EXSON), trước giờ BSGĐ được nhiều người dân quan tâm, là một nhu cầu có thực… năm bắt được điều đó nên các phòng mạch “mọc lên như nấm” để phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, phòng mạch là một hình thức thực hành y tế khá manh mún, quy trình không rõ ràng, chất lượng không kiểm chứng được.
Cũng theo TS.BS Võ Xuân Sơn, xây dựng và phát triển được hệ thống bác sĩ gia đình, sẽ phần nào giảm đi được những vấn đề bức xúc của xã hội cũng như mang lại hiệu quả kinh tế cho người bệnh. “Tuy nhiên, để thực hiện được mục đích này, Bộ Y tế cần xóa bỏ tuyến điều trị như hiện nay. Y học điều trị chỉ còn lại hệ thống bác sĩ gia đình và hệ thống bệnh viện chuyên khoa (hoặc bệnh viện đa khoa gồm nhiều chuyên khoa)” - TS.BS Võ Xuân Sơn, đề xuất.
Cần có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương Tham dự và phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng cho rằng triển khai mô hình BSGĐ không thể không có sự tham gia của các cấp ủy, địa phương. Nếu chỉ có các giám đốc Sở Y tế và ngành y tế thì mô hình BSGD sẽ khó thành công. “Vì vậy, Bộ Y tế báo cáo Chính phủ để có chỉ đạo cấp uỷ, chính quyền từ tỉnh đến quận, huyện và phường xã vào cuộc thực hiện thì mới triển khai thành công mô hình BSGĐ” - Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng đề nghị. Ngoài ra, tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cũng đã đề nghị Bộ Y tế giúp đỡ TP.HCM bốn nội dung cụ thể như sau: triển khai các giải pháp đồng bộ giảm tải bệnh viện trước mắt và lâu dài vì đây là vấn đề nhân dân rất bức xúc; các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ; cải cách thủ tục khám chữa bệnh liên quan đến người bênh còn rườm rà, người bệnh vất vả; nâng cao chất lượng thuốc. Để triển khai thành công, đồng bộ và hoàn thành mục tiêu đề ra của Bộ Y tế, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, cam kết tạo điều kiện hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế vì mô hình BSGĐ là giải pháp hết sức quan trọng trong công tác giảm tải cho bệnh viện và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. |
Gia Thanh