(Tổ Quốc) - Có một thời, vấn nạn “phong bì” ở các bệnh viện từ lớn đến nhỏ từng khiến dư luận xã hội hết sức bức xúc. Phải mất một thời gian khá dài, tốn biết bao giấy mực của nhiều cơ quan báo chí, sự lên tiếng của những lương y chân chính và sự quyết tâm “thay máu” của ngành y tế thì thực trạng này mới được đẩy lui.
Lấy tính mạng sức khỏe bệnh nhân làm đầu chứ không phải phong bì dày hay mỏng
Có thể khẳng định, việc Bộ Y tế vào cuộc với những chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng “có phong bì, mới khám bệnh” được nhân dân rất đồng tình, ủng hộ. Đây được xem như “viên gạch” đặt “nền móng” cho mục tiêu “Đổi mới toàn diện phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh" mà ngành Y tế đang thực hiện.
Ảnh minh họa |
Chia sẻ với Báo điện tử Tổ Quốc, ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế cho biết, bệnh viện là nơi liên quan trực tiếp đến người bệnh vì vậy Bộ Y tế đã triển khai rất quyết liệt vấn đề này.
“Trong giai đoạn hiện nay đã có rất nhiều sự đổi mới tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương. Tôi cho rằng, suy nghĩ phải có phong bì thì mới phục vụ tốt hơn không có trong bất kỳ tư tưởng của người thầy thuốc chân chính nào.” – ông Sơn chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận vấn đề này từ hai phía, con người Việt Nam rất trọng nghĩa, việc giải quyết vấn đề bằng “phong bì” thì không chỉ trong bệnh viện mà ở rất nhiều nơi, trong nhiều ngành đều xảy ra thực trạng này.
“Có rất nhiều nhìn nhận khác nhau của xã hội về vấn đề này, nhưng là người trong nghề, tôi muốn mọi người nhìn nhận đúng hơn về tâm lý của người thầy thuốc khi khám chữa bệnh, và có cách xử sự phù hợp hơn đối với những việc này.” – Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế chia sẻ và nhấn mạnh: “Người bệnh nhân khi vào bệnh viện vẫn hay nghĩ rằng phải có tiền đưa cho bác sĩ, không là không được điều trị nhưng đó là cách hiểu sai lầm. Bác sĩ vì sự tận tâm nghề nghiệp, lấy tính mạng, sức khỏe bệnh nhân làm đầu chứ không phải đặt nặng việc phong bì dày hay mỏng để thực hiện công việc.”
“Nói như vậy không có nghĩa là trong ngành y tế hiện nay không có những bác sĩ thiếu lương tâm. Chính vì vậy, khi người bệnh và bệnh nhân phát hiện những trường hợp này, cần thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế để có thể vào cuộc kịp thời, ngăn chặn những hành vi làm xấu đi hình ảnh của người thầy thuốc.” – ông Sơn khẳng định.
Kiên quyết đuổi việc đối với bác sĩ “vòi vĩnh” bệnh nhân
Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương – Nguyễn Trung Anh cho hay: “Sự cám ơn, tuy cùng một hành vi nhưng nó có thể mang nhiều màu sắc khác nhau. Nhưng theo tôi, chúng ta đang hướng đến sự hài lòng của người bệnh, vì vậy văn hóa phong bì không nên có chỗ đứng trong bất kỳ một bệnh viện nào.”
Đối với Bệnh viện Lão khoa Trung ương, chúng tôi luôn nỗ lực giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp, điều này cũng được nhiều người bệnh ghi nhận. Tức là, các nhân viên y tế ở đây phục vụ rất tốt nhưng chưa bao giờ có thái độ vòi vĩnh phong bì. – ông Trung Anh chia sẻ.
Tuy nhiên, một mặt khác, cũng phải nhìn nhận theo khía cạnh là cán bộ ngành y tế có cuộc sống nói chung rất khó khăn vì vậy việc để xảy ra tình trạng “phong bì” là hoàn toàn có thể. Để loại bỏ tình trạng này, theo Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương thì: “Nhà nước rất quan tâm nhưng cũng phải cải thiện từng bước, chính vì vậy mà bệnh viện cũng phải tự chuyển mình để tăng thêm nguồn thu, bù đắp vào các nguồn thu nhập cho nhân viên để họ có thể yên tâm trong công việc.”
Đối với vấn đề các bác sĩ có biểu hiện “vòi vĩnh” bệnh nhân, ông Trung Anh cho rằng: “Tùy theo mức độ vi phạm về các nguyên tắc ứng xử trong bệnh viện của các nhân viên y tế để từ đó chúng tôi sẽ có xử lý phù hợp. Nhưng trường hợp tiêu cực như những bác sĩ có thái độ không đưa phong bì thì sẽ không khám hay chữa trị thì chúng tôi nhất quyết xử lý, nặng thì sẽ đuổi việc.”
Quy định nhận như thế nào và xử phạt như thế nào thì chúng tôi không có quy định cụ thể, bởi vì cũng cần phải mềm mại và nhìn theo nhiều hướng. Giả sử như bệnh nhân đã khỏi bệnh, người nhà quay lại với tấm chân tình để cảm ơn người thầy thuốc, trong tình huống đó nếu Ban Giám đốc nhìn thấy mà bắt phạt thì cũng không phù hợp. – Phó Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay.
Thế Công