• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Bác tao là trưởng công an thành phố': Khi những Chí Phèo tham gia giao thông

Thời sự 10/07/2018 14:00

(Tổ Quốc) -Đáng buồn hơn, dù đây chỉ là “hiện tượng” từ một sai phạm của cá nhân, nhưng  lại có tính “lan rộng” hơn khi nam thanh niên này gọi điện cho cả nhà ra để làm “dàn đồng ca” đe dọa lực lượng công an.

Tai nạn giao thông là vấn đề nhức nhối của mỗi gia đình cũng như của toàn xã hội mà một sớm một chiều chưa thể giải quyết được. Thế nhưng, thay vì người tham gia giao thông cần ý thức và tuân thủ pháp luật thì vẫn còn hiện tượng một số người thách thức, coi thường pháp luật.

Sự việc được cho là xảy ra tại TP Sơn La trong quá trình tiến hành tuần tra, kiểm soát theo kế hoạch đã phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm. Lực lượng chức năng đã yêu cầu dừng xe, lập biên bản vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhưng nam thanh niên không hợp tác. Trong khi lực lượng công an đang xử lý, người vi phạm giao thông này còn gọi cả gia đình gồm bố và mẹ ra ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.

Những hình ảnh xấu xí lan truyền chóng mặt trên mạng. Ảnh: vietnamnet

Chưa dừng lại ở đó, nam thanh niên này còn có thái độ chống đối, bất hợp tác, buông lời thách thức và dọa lực lượng chức năng với câu nói: "Bác tao là trưởng công an Thành phố”.

Thông tin bước đầu từ công an Sơn La cho biết, thì gia đình nam thanh niên vi phạm giao thông mới chuyển về địa bàn sinh sống tạm trú khoảng 3 tháng nay và khẳng định gia đình người này không có mối quan hệ nào với công an thành phố.

Nếu như sự việc chỉ dừng lại như đoạn clip được chia sẻ trên internet những ngày qua thì hẳn không ít người sẽ nghĩ người vi phạm này chắc hẳn có sự “quen biết họ  hàng” với công an thật thì mới dám lớn tiếng đến vậy. Chứ người bình thường, không có mối quan hệ họ hàng với công an thì chắc không thể “mạnh miệng” như vậy. Và rồi dư luận “đổi hướng” quan tâm, rằng xem “họ hàng” có trở thành lá chắn hữu hiệu để người vi phạm không bị xử phạt hay nương nhẹ?. Nhưng khi thông tin phủ nhận mối quan hệ họ hàng giữa nam thanh niên vi phạm giao thông với lực lượng công an thì dư luận chỉ biết lắc đầu ngán ngẩm trước một Chí Phèo giao thông đương đại!.

Giả sử người vi phạm này có người nhà làm “chức to” trong ngành công an thật đi chăng nữa mà vin vào cái cớ đó để đe dọa lực lượng chức năng, coi thường pháp luật thì cũng là “phản cảm”, đằng này lại “nói vậy mà không phải vậy” thì độ phản cảm càng tăng lên, nó vừa đáng thương, đáng trách, vừa khôi hài.

Trước tiên phải thấy rằng người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm là tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, ảnh hưởng đến tính mạng của bản thân. Bởi vậy, việc quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm từ hơn chục năm nay là vì sự an toàn, giảm thiểu rủi ro cho chính người tham gia giao thông.

Thế nhưng không chỉ coi thường tính mạng bản thân, người cùng tham gia giao thông để tuân thủ quy định luật giao thông, nam thanh niên này còn thách thức lực lượng chức năng làm nhiệm vụ, coi thường pháp luật. Cái tâm lý “ăn vạ”, lấy người nhà, có chức có quyền để người thi hành luật sợ, nể, châm chước hay “cho qua” phải chăng ít nhiều tồn tại trước đó nên nam thanh niêm vi phạm này coi đó là thứ bùa hộ mệnh để bản thân áp dụng? . Đây là thái độ coi thường luật pháp, lấy quan hệ gia đình vượt qua pháp luật. Trong khi, chúng ta đều biết, đứng trước pháp luật mọi công dân đều bình đẳng, bất cứ ai vi phạm đều phải tự chịu trách nhiệm cũng như xử lý của luật pháp.

Đáng buồn hơn, dù đây chỉ là “hiện tượng” từ một sai phạm của cá nhân, nhưng  lại có tính “lan rộng” hơn khi nam thanh niên này gọi điện cho cả nhà ra để làm “dàn đồng ca” đe dọa lực lượng công an. Lẽ ra, nhìn thấy cái sai, người nhà của nam thanh niêm cần phải nhìn ra, phải phân tích đúng sai, điều hơn lẽ thiệt cho anh ta, vậy mà không. Một sự phản ứng “cùng tông, cùng giọng” của cả người vi phạm lẫn người không vi phạm giao thông. Hình ảnh này đã làm xấu đi hình ảnh người vi phạm giao thông và khiến không ít người băn khoăn tự đặt ra câu hỏi, còn những người tham gia giao thông như thế này, còn những gia đình bao che cho vi phạm giao thông như thế này thì bảo sao bức tranh giao thông chưa thể sáng sủa, dễ chịu hơn.

Mặc dù sự việc đã xảy ra, không để lại hậu quả quá nghiêm trọng về tính mạng con người để khiến người ta phải khóc thương, nhưng nó làm tổn thương đến pháp luật, hành vi ứng xử giữa con người với con người. Và qua câu chuyện giao thông này cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, đặt câu hỏi, liệu trong thực tế “có hay không” tình trạng núp bóng vi phạm từ những ràng buộc họ hàng, nhờ “bác tao là trưởng công an thành phố?. Bởi nếu có, thì chừng nào còn “nương tay” cho vi phạm giao thông vì quan hệ họ hàng làm quan thì chừng đó sẽ còn Chí Phèo tham gia giao thông, làm ảnh hưởng đến bản thân, cộng đồng và có những hành xử xấu xí như câu chuyện ồn ào vừa qua .

Lâm Vinh

NỔI BẬT TRANG CHỦ