• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bắc Trung Bộ “làm mới mình” để kéo khách trở lại

Du lịch 20/12/2016 06:09

(Tổ Quốc)-Sau những thiệt hại nặng nề do sự cố môi trường biển gây ra đối với hoạt động du lịch, ngành du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ đã lên kế hoạch làm mới mình để kéo khách trở lại trong năm 2017.


Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, sự cố môi trường biển năm 2016 đã làm ngành du lịch miền Trung thiệt hại trực tiếp khoảng 2.000 tỷ đồng, những thiệt hại gián tiếp thì không thể tính đếm được. Theo đánh giá của chuyên gia du lịch, hệ quả của sự cố này đối với ngành du lịch miền Trung không thể khắc phục trong một sớm một chiều, tuy nhiên, ngành du lịch cả nước và bản thân các tỉnh Bắc Trung Bộ cần chủ động triển khai những giải pháp để vực dậy hoạt động du lịch của khu vực này.

Thời gian qua, Bộ VHTTDL, Tổng cục Du lịch đã có nhiều hoạt động, chương trình hỗ trợ các tỉnh, thành miền Trung như: xúc tiến quảng bá du lịch, xây dựng kế hoạch triển khai ứng phó, tổ chức các đoàn famtrip khảo sát du lịch miền  Trung, khôi phục hoạt động du lịch… Bên cạnh đó, các tỉnh Bắc Trung Bộ như Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế đã chủ động lên kế hoạch làm mới mình để kéo khách trở lại.

Ngoài sản phẩm du lịch biển, các tỉnh Bắc Trung Bộ đều xây dựng các sản phẩm du lịch mới, đa dạng hơn để thu hút du khách (Ảnh minh họa: Báo Hà Tĩnh)

Theo đó, mặc dù không bị ảnh hưởng quá nặng nề do du lịch biển chỉ chiếm khoảng 6,6% hoạt động du lịch toàn tỉnh, nhưng ngành du lịch Huế vẫn tích cực xúc tiến quảng  bá, liên kết hợp tác với các tỉnh bạn và tạo ra sản phẩm mới để thu hút khách. Theo ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên Huế, Huế đã đề ra giải pháp trước mắt là tìm mọi cách tuyên truyền, đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm du lịch biển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, mời gọi hợp tác đối với các doanh nghiệp du lịch ở hai đầu đất nước, cụ thể nhất như Hà Nội và TP HCM và các thành phố lớn như Đà Nẵng, Nha Trang… đưa khách du lịch tới Huế, đặc biệt là vùng biển của Huế. Ngoài ra, tổ chức các famtrip, mời các cơ quan truyền thông, chuyên gia du lịch tới khảo sát các sản phẩm du lịch trên địa bàn, để tạo điều kiện để họ tận mắt chứng kiến hoạt động du lịch biển đã được hồi phục như thế nào, biển an toàn ra sao để giúp Thừa Thiên Huế đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp và thu hút khách.

“Về giải pháp lâu dài, Huế đã lên kế hoạch đa dạng hóa sản phẩm du lịch, gắn du lịch biển với du lịch cộng đồng, với du lịch làng nghề, du lịch MICE, hội nghị hội thảo để thu hút khách” - ông Lê Hữu Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cho biết.

Sang năm 2017, Huế cũng sẽ đưa vào khai thác rất nhiều sản phẩm du lịch, một số sản phẩm hiện đang thử nghiệm và đã có những thành công bước đầu, một số sắp tới sẽ được thực hiện. Trước đây, khu di tích Đại Nội đóng cửa hàng đêm thì nay sẽ mở cửa hàng đêm để đón khách du lịch. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế cũng sẽ giới thiệu địa điểm mới - Lăng vua Gia Long. Đây là một trong những lăng tẩm triều Nguyễn đẹp tương đương với lăng vua Từ Đức, Khải Định và hứa hẹn sẽ là một điểm đến hấp dẫn.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Thừa Thiên Huế còn đưa vào khai thác các sản phẩm du lịch mới, mang đậm bản sắc Huế như: Không gian dịch vụ văn hoá Lục Bộ, khám phá nơi làm việc của Thượng thư Bộ Học xưa, thuộc khu vực Lục Bộ thời Nguyễn tại cố đô Huế; Du thuyền Cung đình trên sông Hương, tour khám phá dòng sông Hương thơ mộng, ngắm bình minh; thăm phố cổ Bao Vinh, làng cổ Sình, làng hoa giấy Thanh Tiên…

Để tăng cường thu hút khách trong năm tới, ngành du lịch Quảng Trị đang tích cực triển khai các giải pháp kích cầu du  lịch, đặc biệt là các sự kiện như: Kỷ niệm 110 năm ngày sinh cố Tổng bí thư Lê Duẩn, kỷ niệm 60 năm Ngày Thương binh liệt sĩ và 45 năm Ngày kỷ niệm Giải phóng tỉnh Quảng Trị. Đồng thời, tích cực tổ chức, chuẩn bị khai trương tour du lịch mới ra đảo Cồn Cỏ vào đầu năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Trị cho hay: “Thời gian qua, lãnh đạo tỉnh, ngành du lịch Quảng Trị đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để khôi phục và phát triển du lịch biển đảo như: chuyển đổi thực đơn; cùng với các hãng lữ hành của Hà Nội tổ chức khảo sát, đưa khách du lịch đến miền Trung, trong đó có Quảng Trị; tiếp tục đẩy mạnh đưa khách du lịch qua hành lang kinh tế Đông Tây, qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo… Đồng thời, tỉnh Quảng Trị đang tích cực cùng với Quảng Bình và Thừa Thiên Huế để kết hợp khai thác di sản thiên nhiên văn hóa thế giới theo đường mòn Hồ Chí Minh” – ông Chiến cho hay.

Trong số các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển thì Quảng Bình bị thiệt hại nặng nề nhất với lượng du khách sụt giảm khoảng 46% so với năm trước. Để khắc phục khó khăn, ông Đặng Đông Hà – Phó Giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cho biết, bên cạnh thị trường khách Hà Nội, trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ tập trung xúc tiến quảng bá và khai thác khách khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và thị trường khách vùng Đông Bắc Thái Lan, Lào.

Với mục đích đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Quảng Bình dự định sẽ hình thành các tour, điểm du lịch mang đậm đặc thù Bình Trị Thiên với điểm nhấn là hang động tại Quảng Bình, vùng di sản Thừa Thiên - Huế và di tích chiến tranh tại Quảng Trị… Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đặt ra mục tiêu các điểm du lịch hang động hiện có cũng phải tự làm mới sản phẩm, ví dụ Phong Nha - Kẻ Bàng trong thời gian tới sẽ có 16 tuyến điểm du lịch khám phá, trải nghiệm, lịch sử, cộng đồng… Đồng thời, tỉnh này cũng đang nghiên cứu xây dựng điểm tham quan du lịch tại những điểm quay phim “Kong Skull Island”, đồng thời sẽ phối hợp hãng truyền thông lớn tuyên truyền khi bộ phim này công chiếu để tạo điểm nhấn thu hút khách.

Đối với Hà Tĩnh, ngoài sản phẩm du lịch biển, ngành du lịch sẽ đẩy mạnh kết nối và khai thác du lịch tại các điểm du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Ông Lê Trần Sáng – Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh cho biết, ngoài việc đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch bị thiệt hại vượt qua khó khăn; tăng cường công tác quảng bá trong và ngoài nước để du khách biết được mức độ an toàn của biển Hà Tĩnh, tỉnh này sẽ tiếp tục củng cố, hoàn thiện sản phẩm du lịch mới. Ngoài sản phẩm biển, địa phương sẽ tăng cường khai thác và hoàn thiện sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch như Chùa Hương Tích, khu di tích Ngã ba Đồng Lộc, khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn Ông (Hương Sơn)…

Ngoài ra, ngành du lịch các tỉnh miền Trung cũng đã liên kết lại với nhau và tăng cường hợp tác với các trung tâm du lịch lớn để tạo sức mạnh vượt qua khó khăn. Được biết, hiện nay các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch, cùng nhau chia sẻ tháo gỡ khó khăn. Quảng Bình cũng sẽ kết hợp với Quảng Trị,  Thừa  Thiên Huế để tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù riêng. Thừa Thiên - Huế không chỉ kết hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam mà còn hợp tác với thủ đô Hà Nội để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch hấp dẫn để thu hút khách.

Hy vọng rằng, với những nỗ lực làm mới mình và tích cực thu hút khách, ngành du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ sẽ vượt qua khó khăn và có những chuyển biến tích cực trong thời gian tới./.

 Lâm Minh

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ