• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 1: Báo động những clip nhảm nhí, lệch chuẩn văn hóa trên TikTok

Văn hoá 27/05/2022 20:08

(Tổ Quốc) - LTS: Mạng xã hội du nhập vào Việt Nam tạo ra một "đời sống khác" với nhiều tiện ích đi kèm cho người sử dụng. Nhưng bên cạnh sự tích cực đó thì có quá nhiều nội nhảm nhí, lệch chuẩn văn hóa đang như đua nhau mọc lên như nấm sau mưa trên nền tảng TikTok. Thiết nghĩ đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào sự thật để thấy rõ mối nguy hại của những clip nhảm nhằm cảnh báo, ngăn chặn và xử lý kịp thời "rác" trên mạng xã hội. Bàn về vấn đề này, báo Tổ Quốc xin đăng tải loạt bài: Lệch chuẩn văn hóa trên mạng xã hội.

So với các mạng xã hội khác đang xuất hiện tại Việt Nam thì TikTok dường như "sinh sau đẻ muộn" hơn cả. Nhưng với nhiều ưu điểm của một ứng dụng clip ngắn, hình ảnh sống động, có nền nhạc bắt tai, dễ sử dụng, dễ tạo "trend" (xu hướng)… thì TikTok đã và đang hút người dùng.

Theo số liệu từ ICT- Chuyên trang thông tin công nghệ thông tin và truyền thông, tại Việt Nam, TikTok tăng trưởng mạnh mẽ và trở thành ứng dụng phổ biến nhất là trong giới trẻ. Thống kê cho thấy, tỷ lệ người dùng ứng dụng này tăng từ 34% (năm 2020) lên 53% (năm 2021); thời lượng sử dụng ứng dụng này tăng lên gấp đôi, từ 4% lên 8% trong năm 2021. TikTok là ứng dụng có mức tăng trưởng tốt nhất khi tỷ lệ người dùng đang sử dụng tăng từ 49% lên 62%. Lượng người dùng ứng dụng này hàng ngày là 74%, tăng lên 8% so với trước đó. Người dùng TikTok tập trung cao ở độ tuổi từ 18 – dưới 30 tuổi. Một thống kê khác cũng chỉ ra rằng lượng người dùng TikTok tại Việt Nam đang đứng thứ 6 thế giới, trong đó có tới 4 triệu người dưới 18 tuổi dùng mạng xã hội này.

Thế nhưng sự tăng trưởng này lại tỉ lệ thuận với nỗi lo khi nội dung của TikTok thật đáng báo động vì nó đề cập đến mọi mặt của xã hội. Đáng sợ hơn, nhiều clip của mạng xã hội này ngắn gọn, dễ thực hiện theo, thậm chí không cần ngôn ngữ. Vì thế nó vượt mọi khoảng cách ngôn ngữ mà đến được với số đông giới trẻ, dễ bị cám dỗ, dễ học theo vì chưa có sức "đề kháng "với văn hóa độc hại.

Bài 1: Báo động những clip nhảm nhí, lệch chuẩn văn hóa trên TikTok - Ảnh 1.

Ảnh minh họa/ Getty

Một trong những nội dung đáng lên án nhất là những clip phản cảm khoe thân của giới trẻ. Ban đầu vài người khoe rồi nhận được tương tác cao (có thể là khen "đểu"), thế là như một trào lưu mới, nhiều người trẻ bất chấp thuần phong mỹ tục, không ngại cởi đồ khoe thân để rồi có thể trở thành miếng mồi béo bở cho những kẻ lừa tình, tống tiền và biến thái. Đáng sợ hơn có những người "cởi đồ khoe thân" xong còn có lời mời khiếm nhã, khiêu dâm, kích dục với người xem chẳng khác gì rao bán dâm trên mạng!. Nếu không dẹp và định hướng cho giới trẻ thì e rằng sự xuất hiện dày đặc của một cái thiếu văn hóa trở thành quen mắt, tạo tâm lý "bình thường" như một sự chấp nhận.

Dạng clip nữa khá phổ biến ở TikTok là những clip chế, nhại lại một nội dung nào đó, có thể là âm nhạc, đoạn trích phim, hình ảnh người nổi tiếng… vô cùng cợt nhả, không thể chấp nhận. Từ một nội dung đứng đắn, nghiêm túc, có giá trị bỗng chốc trở thành quái đản, dị hợm cốt chỉ để gây sốc, gây tò mò. Không ít chủ sở hữu của bản gốc khi xem phiên bản bị bóp méo này đã không tin vào mắt mình và chỉ biết kêu trời.

Đề cập bất cứ nội dung gì, không ít chủ kênh TikTok sử dụng những câu nói lái, bậy bạ, cắt ghép chữ cái hay lai tạo ngoại ngữ như một ám hiệu được đẻ ra nhan nhản. Những ngôn từ văng tục, chửi bậy, hỗn hào với người lớn cũng là thứ rác đã và đang ngập ngụa trên mạng Tik Tok.

Nhiều clip của TikTok đi ngược lại với lẽ sống tốt đẹp, không tạo ra giá trị gì, chỉ đánh vào sự hiếu kỳ của người xem. Chẳng hạn nếu bài thi văn đạt điểm 8 thì ra tát lớp trưởng. Hay clip đập phá bát đĩa, thiếu kiểm soát hành vi... Nếu ai cũng học theo cách hành xử như clip thì mọi giá trị bị đảo lộn, những điều tốt đẹp bao đời nay bị bóp méo.

Đáng lên án hơn, những nội dung thường gây tranh cãi đúng sai, công kích, miệt thị vùng miền có sự tương tác cao, chia sẻ bình luận các hội, nhóm… lại được các chủ TikTok ngang nhiên bất chấp khai thác triệt để. Đã có không ít tranh luận, công kích đẩy lên cao từ nội dung ở TikTok, kéo theo cuộc khẩu chiến với ngôn từ thóa mạ đáng xấu hổ.

Bài 1: Báo động những clip nhảm nhí, lệch chuẩn văn hóa trên TikTok - Ảnh 2.

Nội dung Tik Tok vô bổ, nhảm nhí vẫn mọc lên như nấm sau mưa

Clip TikTok độc hại tác động trực tiếp đến trẻ em hay giới trẻ khác là thử thách bản thân, làm một trò gì đó để học theo hoặc chứng tỏ bản thân. Đây là những nội dung rất nguy hiểm vì nó đánh vào tâm lý "thích khám phá" của trẻ em, hoặc "thích thể hiện" của giới trẻ. Chẳng hạn có clip TikTok thực hiện thử thách nằm 6 ngày 6 đêm dưới bãi sình rồi hô hào quyết tâm chinh phục thử thách bằng câu chốt đầy tự tin: "gét gô". "Gét go" (biến tấu từ "Let's go" ) trở thành câu nói quen thuộc thể hiện quyết tâm thực hiện việc gì đó. Nếu đặt cụm từ này trong những hành động tích cực thì rất có ý nghĩa. Nhưng đáng tiếc nó lại vô hình trở thành câu cổ vũ nguy hiểm khi hướng dẫn thực hiện những thử thách nguy hại đến sức khỏe và nguy hiểm tính mạng. Có thể kể đến các trào lưu này như: uống mật ong đông lạnh, uống thuốc dị ứng, nín thở cho đến khi ngất xỉu, liếm bồn cầu…

Do ảnh hưởng của dịch bệnh, một quãng thời gian dài trẻ em buộc phải học online. Được sở hữu thiết bị điện tử hiện đại, có kết nối internet, không bị phụ huynh giám sát thường xuyên, nhiều em đã trở thành tín đồ của TikTok. Có em được bố mẹ phát hiện sớm, ngăn chặn thì còn chưa xảy ra hậu quả đáng tiếc. Nhưng cũng có không ít em sa chân sâu hơn vào những địa chỉ TikTok vô bổ, học làm theo và để lại hậu quả cũng như hệ lụy vô cùng đáng trách, thậm chí đau lòng. Có trẻ phải cai nghiện TikTok, có trẻ vào viện chữa trị vì học làm theo hướng dẫn clip. Thậm chí có trẻ còn phải trả giá bằng mạng sống vì mù quáng làm theo clip TikTok.

Trong số những người chơi TikTok có người đã nổi tiếng, kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền. Và vô hình chung nó đã khiến nhiều người lầm tưởng rằng, TikTok không chỉ giải trí mà còn là nơi kiếm tiền, tiến thân của giới trẻ nên bằng mọi cách họ lôi kéo người xem, bất chấp đi ngược mọi giá trị mà cộng đồng đã dày công gây dựng bao năm. Bởi vậy không lạ khi những nội dung sốc, sex, phản cảm, giật gân... được khai thác triệt để.

"Khi các hình ảnh và lời nói được lặp lại nhiều lần trong đầu, người xem sẽ có xu hướng chấp nhận nội dung đó, dù chúng không đúng với chuẩn mực đạo đức - Tiến sĩ, bác sĩ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương từng chia sẻ với báo chí như một lời cảnh báo đáng sợ.

Nhật Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ