• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 1: "Cái khó ló cái khôn", doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng

Kinh tế 15/10/2021 07:02

(Tổ Quốc) - Chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động ổn định.

Thay đổi để thích ứng

Tập đoàn An Phát Holdings vừa chính thức thành lập Công ty Cổ phần Dịch vụ suất ăn công nghiệp An Phát (An Phát Catering Services) và ra mắt dịch vụ suất ăn công nghiệp, với trọng tâm phục vụ là người lao động trong Tập đoàn đồng thời  mở rộng phục vụ cho khách hàng bên ngoài.

Việc mở rộng thêm mảng kinh doanh mới của An Phát Holdings nhằm hoàn thiện hệ sinh thái doanh nghiệp phát triển bền vững, đồng thời ứng phó linh hoạt trước đại dịch Covid-19.

Vốn đã sở hữu hệ sinh thái doanh nghiệp đồng bộ với các lĩnh vực như: bao bì, nguyên liệu và sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn, nhựa kỹ thuật và nhựa nội thất công nghệ cao, cơ khí chính xác và khuôn mẫu, nguyên vật liệu và hóa chất ngành Nhựa, bất động sản khu công nghiệp, dịch vụ logistics… nhưng nay An Phát Holdings đang tiếp tục mở rộng tham gia vào nhiều lĩnh vực, loại hình dịch vụ mới.

Giai đoạn đầu, An Phát Catering Services sẽ tập trung phát triển việc cung cấp suất ăn công nghiệp tại khu vực tỉnh Hải Dương sau đó sẽ mở rộng thêm tại các tỉnh, thành phố phía Bắc và hướng tới hiện diện trên cả nước với mục tiêu mỗi tỉnh/thành sẽ có 1 nhà máy.

Ông Đinh Xuân Cường, Phó Chủ tịch, Tổng giám đốc APH cho biết, đại dịch Covid-19 là một bước ngoặt bất ngờ khiến mọi thứ đều thay đổi, khiến doanh nghiệp phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức người tiêu dùng. An Phát Catering Services ra đời sẽ là một mảng dịch vụ mới giúp hoàn thiện hệ sinh thái bền vững của An Phát Holdings, giúp Tập đoàn nâng cao thế mạnh cạnh tranh trong trung và dài hạn.

Bài 1: "Cái khó ló cái khôn", doanh nghiệp phải thay đổi để thích ứng - Ảnh 1.

Hiện An Phát Catering Services đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp chế biến hiện đại, theo quy trình khép kín và có đội ngũ đầu bếp được đào tạo bài bản về tay nghề, nhiều kinh nghiệm.

Với những lợi thế sẵn có trong dịch vụ suất ăn công nghiệp, An Phát Catering Services đã và sẽ được định hướng bài bản để có thể mở rộng cung cấp thêm nhiều dịch vụ tiện ích khác như: cung cấp suất ăn hàng không, tổ chức sự kiện, cung cấp thực phẩm cho các siêu thị và hệ thống bán lẻ, cung cấp máy bán hàng tự động… theo nhu cầu của khách hàng và đối tác.

Được biết, An Phát Catering Services sẽ thực hiện chiến lược bình ổn giá nhằm mở rộng mạng lưới khách hàng, nhất là trong thời điểm giá lương thực, thực phẩm đang có nhiều biến động do đại dịch Covid-19.

Với mức giá đa dạng, linh hoạt, An Phát Catering Services sẽ tư vấn và linh động lựa chọn thực đơn khoa học, thích hợp với mỗi ngành nghề sản sản xuất và nhu cầu của khách hàng.

Hiện An Phát Catering Services đã đầu tư xây dựng hệ thống nhà bếp chế biến hiện đại, theo quy trình khép kín và có đội ngũ đầu bếp được đào tạo bài bản về tay nghề, nhiều kinh nghiệm. An Phát Catering Services hiện đang sở hữu nhà máy rộng 6.000 m2 với hệ thống bếp và máy móc hiện đại, công suất 50.000 suất ăn/ngày. Đơn vị này cũng đã có sự hợp tác với những nhà cung ứng thực phẩm hàng đầu với nguồn thực phẩm tươi ngon, nguồn gốc rõ ràng và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 45,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm trước; 32,4 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 17,4%; 12,8 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 5,9%. Bình quân một tháng có 10 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Thời gian này, khi dịch bệnh đã được kiểm soát phần nào, rất nhiều doanh nghiệp đã "trăn trở" về việc làm thế nào để khôi phục sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới, khi mà trước mắt còn phải đối mặt với rất nhiều những khó khăn. Vì thế, việc chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp với bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp là cách mà nhiều doanh nghiệp đang thực hiện và mang lại hiệu quả nhất định. Đây cũng là giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì hoạt động.

Nỗ lực tìm tòi để đưa ra sáng kiến mới

Chia sẻ với báo chí, bà Bùi Thị Thanh Xuân, Giám đốc Công ty cổ phần Basca Việt Nam cho hay, dịch COVID-19 gây ra rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khó khăn lại xuất hiện những cơ hội nếu doanh nghiệp biết nắm bắt. 

Chẳng hạn, khi dịch COVID-19 bùng phát, giá dầu thô thế giới bị đẩy lên cao kéo theo đó là giá vật liệu đầu vào cũng tăng, các doanh nghiệp cung cấp buộc phải tăng giá, nhưng không được tăng quá từ 5-10% đơn giá đã ký với khách hàng. Điều này gây khó khăn cho những doanh nghiệp cung ứng vật liệu cho xây dựng như Basca Việt Nam.

Đây quả là thách thức đối với Basca Việt Nam. Vượt qua những khó khăn, đơn vị đã phải cơ cấu lại hoạt động, tiết giảm chi phí không cần thiết nhằm chia sẻ khó khăn tăng giá vật liệu với đối tác là chủ đầu tư và nhà thầu. Và thay vì nhập khẩu hàng hóa của nước ngoài về bán, Basca Việt Nam đã tìm cách tự đầu tư dây chuyền, sản xuất một số sản phẩm sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ trong nước để giúp hàng hóa được bình ổn, không phụ thuộc vào cuộc tăng giá phi mã từ vật tư nhập khẩu.

Bài 1: "Cái khó ló cái khôn", doanh nghiệp phải thay đổi để tồn tại - Ảnh 2.

Một nhà hàng thuộc Golden Gate - Nguồn: tieudungplus.vn

Thành lập từ năm 2005, Golden Gate là đơn vị tiên phong áp dụng mô hình chuỗi nhà hàng ở Việt Nam. Sở hữu gần 400 nhà hàng với hơn 20 thương hiệu, Golden Gate tập trung vào hai mảng lớn là lẩu và đồ nướng. Tuy nhiên, "cơn bão Covid-19" đột ngột ghé thăm đã cuốn đi tất cả, gây thiệt hại cho nhiều lĩnh vực, trong khi đó, ngành thực phẩm và đồ uống là một trong những ngành chịu sự tác động nặng nề nhất.

Do đại dịch, Golden Gate đã phải tạm dừng hoạt động kinh doanh nhà hàng cũng như dịch vụ giao hàng tại các tỉnh và thành phố theo yêu cầu giãn cách xã hội. Gần 400 nhà hàng trên toàn quốc phải ngừng hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của cả hệ thống Golden Gate.

Để vượt qua sóng gió, ban lãnh đạo Tập đoàn đã nỗ lực tìm tòi và đưa ra các sáng kiến mới. "Cái khó ló cái khôn", một ví dụ của nỗ lực tự thay đổi để tồn tại trong trạng thái bình thường mới là Golden Gate nhanh chóng ứng dụng công nghệ trong hoạt động kinh doanh, ứng dụng các sáng kiến như G-deli, G-Hero (phục vụ việc lên kế hoạch nguyên liệu và nhân sự theo ca), lắp đặt các Kiosk tự động (gọi món và thanh toán bằng công nghệ) cho thương hiệu mới chuyên phục vụ món phở bò với tên gọi iPho....

Đến nay, Tập đoàn đang từng bước đi vào quỹ đạo.


Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ