(Tổ Quốc) - LTS: Trong vòng chưa đầy một tháng, đã có hai cuộc “Hội nghị Diên Hồng” bàn về câu chuyện phát triển bóng đá Việt Nam. Cả hai cuộc đều có sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng Lãnh đạo Bộ VHTTDL. Những tồn tại, vướng mắc đã được các nhà quản lý, chuyên gia và giới truyền thông chỉ ra. Trong loạt bài viết này, Báo điện tử Tổ Quốc sẽ tập trung làm rõ các giải pháp cho hàng loạt vấn đề mang tính chất “sống - còn” của bóng đá Việt Nam.
Buổi đối thoại mang tính lịch sử
Sau 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bóng đá Việt Nam đã giành được một số kết quả quan trọng cả về bóng đá phong trào và bóng đá chuyên nghiệp. Theo đó, nhờ sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, sân bãi bóng đá nên bóng đá phong trào phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay, trên cả nước đã xây dựng được 4.000 câu lạc bộ.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng lãnh đạo Bộ VHTTDL chủ trì buổi đối thoại. Ảnh: Minh Khánh |
Trong 4 năm qua, các đội tuyển bóng đá quốc gia đã đạt được một số thành tích nổi bật như: Đội tuyển U23 nam giành quyền lọt vào vòng 1/8 và Đội tuyển nữ giành vị trí thứ 4 tại ASIAD 17 tổ chức tại Hàn Quốc năm 2014; Đội tuyển U19 được tham dự vòng chung kết giải U20 thế giới; Bóng đá Futsal lọt vào vòng tứ kết giải vô địch bóng đá thế giới và Đội tuyển U15 vô địch giải U15 Đông Nam Á…
Tuy nhiên, bên cạnh với những kết quả đã đạt được thì thực tế hiện nay, bóng đá Việt Nam vẫn đang đối mặt với những tồn tại khá rõ như thiếu chuyên nghiệp, chưa bền vững khi vẫn còn tình trạng bạo lực, tiêu cực trong bóng đá chuyên nghiệp…
Xuất phát từ những thực trạng đáng lo ngại này, nhằm chỉ ra những tồn tại và xác định rõ phương hướng thực hiện thì vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng “tư lệnh” ngành VHTTDL là Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đã hai lần chủ trì “Hội nghị Diên Hồng” để bàn về chiến lược phát triển bóng đá trong giai đoạn tiếp theo.
Hai buổi làm việc này diễn ra chỉ cách nhau chưa đầy một tháng trên tinh thần rất cởi mở, thẳng thắn và xây dựng. Theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải: “Trong lịch sử bóng đá Việt Nam chưa từng có buổi đối thoại nào dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng lại diễn ra công khai và thẳng thắn đến vậy.”
Không nhất thiết phải điều chỉnh mục tiêu
Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đề ra 05 mục tiêu, 08 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, 06 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, 65 nhiệm vụ và giải pháp, giai đoạn 2012 - 2016 có 09 dự án trọng điểm với 05 đề án, 03 dự án, 01 chương trình, giai đoạn 2016 - 2020 có 02 chương trình và 01 dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện trả lời thẳng thắn về việc không cần phải thay đổi tiêu chí của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam. Ảnh: Minh Khánh |
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Vương Bích Thắng: “Hằng năm, dựa trên các chỉ tiêu cụ thể của Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT phối hợp cùng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã ban hành các kế hoạch và chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, việc thực hiện Chiến lược này thường chú ý đến các chỉ tiêu trước mắt, chưa lưu ý đến các chỉ tiêu dài hạn cũng như chưa có đánh giá, kiểm điểm đối với từng nội dung. Sắp tới, Tổng cục TDTT và VFF cam kết sẽ quyết liệt hơn để đáp ứng với yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay cho nền bóng đá Việt Nam”.
Có nhiều ý kiến cho rằng, các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, bóng đá Việt Nam đặt ra quá cao và khó có thể thực hiện.
Trả lời thẳng thắn về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Các mục tiêu đặt ra trong chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đều rất quan trọng. Theo chúng tôi, các mục tiêu này là phù hợp và chúng ta cần phấn đấu không nhất thiết phải điều chỉnh. Hiện nay, các mục tiêu vẫn đang thực hiện từng bước cho đến năm 2030. Mục tiêu hàng đầu hiện nay là xây dựng Liên đoàn bóng đá Việt Nam và các tổ chức thành viên phải mạnh, có khả năng đảm nhận tổ chức, quản lý các hoạt động bóng đá đỉnh cao".
Thế Công