(Tổ Quốc) - Tới thời điểm này đã có những thống kê ban đầu về thiệt hại do dịch virus Covid-19 gây ra với ngành du lịch. Tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
- 17.02.2020 Thủ tướng: Khách du lịch có thể đến Việt Nam không chỉ để an toàn, để khỏe mạnh hơn mà còn có trải nghiệm thú vị
- 16.02.2020 Phó Thủ tướng: Đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19, không để ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và thu hút du lịch
- 14.02.2020 Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Bảo đảm công tác phòng chống dịch không làm gián đoạn, ảnh hưởng tới hoạt động chuyên chở hàng hóa bằng đường hàng không
Các khách sạn chuyên đón khách Trung Quốc giảm tới 98%
Một con số thống kê cho hay, hiện có khoảng 170 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc đi ra nước ngoài mỗi năm, tạo ra doanh thu khoảng 260 tỷ USD.
Trong khi đó, đánh giá của Bloomberg cho hay, dịch Covid-19 sẽ khiến Hong Kong (Trung Quốc) có thể giảm tăng trưởng GDP 1,7 điểm %, Hàn Quốc và Việt Nam giảm 0,4 điểm %.
Thống kê ban đầu của Hội đồng Tư vấn du lịch Việt Nam (TAB) cho hay, do dịch bệnh, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm ngoái tùy thuộc vào vị trí ở các TP lớn hay các địa danh nghỉ dưỡng. Đối với các công ty quản lý điểm đến và các DN lữ hành tại TP HCM, Hà Nội và Hạ Long, TAB cho hay, mức giảm khoảng 50% khách so với cùng kỳ năm ngoái.
TAB đánh giá, mảng MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm) bị thiệt hại nặng nhất do nhiều công ty quốc tế lớn cấm các cán bộ, nhân viên của họ đi nước ngoài. Các DN khách sạn ở Cam Ranh/Nha Trang, tỷ lệ lấp buồng của các khách sạn chuyên đón du khách Trung Quốc giảm tới 98%, còn các khách sạn phục vụ đa dạng đối tượng khách thì bị hủy đặt buồng trung bình 50% và số lượng đặt buồng tương lai bị hủy tới 70%.
Các điểm tham quan du lịch và điểm đến du lịch lớn đều bị thiệt hại. TAB cho hay, trong dịp Tết và vào các ngày thường, vịnh Hạ Long đón 7-8.000 khách mỗi ngày, nhưng thống kê vào ngày 12/2, số khách chỉ 2.300 và đa phần là khách Châu Âu. Các chủ cửa hàng và gian hàng tại các chợ ở TP. HCM và các TP khách nhìn chung tình hình kinh doanh giảm 50% vì không còn khách Trung Quốc, trong khi khách Hàn Quốc, Nhật Bản đã vắng hơn nhiều.
Còn theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ ngày 12/2 đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh corona với phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam một trong những ngành, lĩnh vực chịu tác động của dịch bệnh là du lịch, thương mại, tiêu dùng, vận tải, nhất là ngành hàng không, đang bị tác động trực tiếp do việc hạn chế và cấm đi lại trong nội địa Trung Quốc và giữa Trung Quốc với bên ngoài cũng như với các nước đang có các ca nhiễm bệnh.
Thị trường Trung Quốc luôn đứng đầu trong tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, chiếm tỷ trọng cao nhất, trung bình khoảng 30% trong cơ cấu khách quốc tế đến Việt Nam và luôn có khoảng cách lớn so với các thị trường khách lớn khác như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan...
Cục Hàng không đã có lệnh tạm thời hủy tất cả các đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc và ngược lại từ chiều ngày 01/2/2020, tỉnh Quảng Ninh đã đóng cửa tất cả các đường mở, lối mòn biên giới với Trung Quốc và Chính phủ đã tạm ngừng cấp visa cho khách Trung Quốc từ 30/1/2020 nên số lượng khách Trung Quốc đến nước ta giai đoạn có dịch là bằng 0.
Khách Trung Quốc đến nước ta bình quân mỗi quý năm 2019 khoảng 1,45 triệu khách. Trong tháng 1/2020, lượng khách Trung Quốc đến nước ta là 644,7 nghìn lượt khách.
Đối với khách quốc tế đến từ các quốc gia khác, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virus Covid-19. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50%-60% trong giai đoạn có dịch.
Các thị trường tốt nhất tại thời điểm này chủ yếu là Vương quốc Anh, Châu Âu, Úc, mức sụt giảm đặt buồng khoảng 20%, thị trường Mỹ bị giảm 40% và Nga giảm 50%.
Dựa vào kết quả điều tra chi tiêu của khách quốc tế đến Việt Nam, khách Trung Quốc đến nước ta chi tiêu bình quân khoảng 743,6 USD/1 khách, các khách đến từ các quốc gia khác chi tiêu bình quân 1.141,5 USD/1 khách. Theo tính toán, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.
Hàng không cũng sụt giảm mạnh
Ngoài ra, một lĩnh vực khác liên quan nhiều tới ngành du lịch đó là vận tải hàng không, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiện tại có 11 hãng hàng không Trung Quốc đang khai thác 32 đường bay từ 14 điểm tại Trung Quốc đến 5 điểm tại Việt Nam gồm Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cam Ranh và Phú Quốc với tổng tần suất khai thác 240 chuyến/tuần. Về phía Việt Nam cũng từ 5 thành phố trên, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Jetstar Pacific Airlines và Vietjet Air đang khai thác 72 đường bay thường lệ và không thường lệ (thuê chuyến) đến 48 điểm tại Trung Quốc với tần suất 401 chuyến/tuần.
Như vậy, trước lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 01/02, tính trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại giữa Việt Nam và Trung Quốc bị hủy chuyến.
Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách đi du lịch, lễ hội giảm. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng sẽ giảm theo, đặc biệt là dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không sẽ bị ảnh hưởng.
Bài 2: Doanh nghiệp đề xuất hàng loạt biện pháp hỗ trợ du lịch