Chúng ta đang ở trong một thời điểm hết sức quan trọng trong phát triển văn hóa, ở đó đan xen cả những thuận lợi và khó khăn, thời cơ cũng như thách thức.
Công cuộc chấn hưng văn hóa
Ở điểm thuận lợi và thời cơ, có thể nói, chưa bao giờ văn hóa nhận được nhiều sự quan tâm như hiện nay, đặc biệt từ Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.
Sự vào cuộc kịp thời của các cơ quan Đảng, Nhà nước, ở cả trung ương và địa phương, thể hiện ở các hội thảo như Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam do Ban Tuyên giáo chủ trì tổ chức, Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa do Quốc hội chủ trì tổ chức,
Sau đó là chuỗi các sự kiện kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam, cũng như các hội nghị văn hóa toàn tỉnh của Bắc Ninh, Hà Tĩnh. TP. Hà Nội và Bắc Ninh còn ra nghị quyết riêng cho văn hóa, công nghiệp văn hóa, kèm theo những đề án, kế hoạch, nguồn lực ưu tiên dành cho văn hóa. Đây là những tín hiệu tích cực cho phát triển văn hóa.
Không chỉ là những chuyển biến từ phía Nhà nước, các thành phần xã hội cũng thể hiện sự năng động, nhiệt huyết đối với lĩnh vực văn hóa. Các tuần lễ sáng tạo ở Hà Nội và một số thành phố lớn, sự hình thành của Nhà hát Đó ở Nha Trang, những bộ phim ăn khách của khối tư nhân như Nhà bà Nữ, Chị chị, em em 2,... những ca khúc Việt Nam mang hơi thở mới chinh phục không chỉ khán giả trong nước mà cả khán giả quốc tế.
Và còn rất nhiều các ví dụ khác cho thấy chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bắt nhịp cho sự sôi động của thị trường văn hóa, để văn hóa đóng góp nhiều hơn cho quá trình phát triển đất nước.
Giờ đây, nhiều người bắt đầu nói về một công cuộc chấn hưng, Đổi mới cho lĩnh vực văn hóa.
Thách thức phi truyền thống
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, chúng ta cũng thấy những biểu hiện khó khăn, thách thức và vô cùng phức tạp đối với sự phát triển văn hóa.
Chúng ta không chỉ đối mặt với những vấn đề thách thức an ninh phi truyền thống, mà còn cả thách thức văn hóa phi truyền thống; không chỉ những vấn đề của xã hội số, kinh tế số, công dân số mà còn cả những vấn đề của văn hóa số.
Một số hệ lụy về văn hóa đã diễn ra khi những lợi ích vật chất, ích kỷ cá nhân đã len lỏi vào mọi tế bào của xã hội, trong đó có văn hóa. Sự trục lợi đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng, làm méo mó cả những hoạt động mang đậm chất tinh thần như văn hóa. Trục lợi tâm linh là một ví dụ như vậy!
Bên cạnh đó, do thị trường giải trí cạnh tranh khốc liệt, khiến những chiêu trò để xây dựng tên tuổi, lôi kéo sự quan tâm của công chúng cũng để lại những hậu quả tai hại bởi những câu nói bốc đồng, hành vi lệch chuẩn, chia sẻ thiếu tôn trọng... đã làm vẩn đục môi trường văn hóa của xã hội.
Quá trình hội nhập quốc tế giúp chúng ta tiếp thu nhiều tinh hoa văn hóa thế giới, nhưng cũng có cả những hiện tượng không phù hợp với văn hóa dân tộc. Nhiều thứ lấp lánh, hào nhoáng bên ngoài đã cuốn hút được sự quan tâm của giới trẻ nhưng lại khiến họ lãng quên văn hóa dân tộc.
Sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội, đã tạo ra không gian mới, thách thức mới cho quá trình quản lý văn hóa khi nhiều người thể hiện cái tôi thái quá, vi phạm những nguyên tắc đạo đức cộng đồng.
Tốc độ xã hội trở nên quá nhanh khiến con người mất tập trung vào những mục tiêu dài hạn, chỉ chú tâm vào những điều trước mắt, ngắn hạn. Tất cả trở thành những nguyên nhân cho rất nhiều những biểu hiện tiêu cực, lai căng, lệch chuẩn, vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc trong thời gian vừa qua.
Để văn hóa đóng góp vai trò tích cực cho sự phát triển bền vững đất nước thì đầu tiên văn hóa phải phát triển bền vững trước đã. Vì thế, tập trung cho sự phát triển bền vững của văn hóa là một nhiệm vụ hết sức quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
Văn hóa không phải là “cờ, đèn, kèn, trống”
Tuy nhiên, thực lòng mà nói, từ khi còn là một nhà nghiên cứu đến lúc trở thành Đại biểu Quốc hội, trong quá trình đi khảo sát, giám sát, nghiên cứu thực tiễn ở các địa phương, tôi nhận thấy rằng, trừ một số thành phố lớn và địa phương có truyền thống quan tâm đến văn hóa thì nhận thức và hành động của nhiều địa phương đối với phát triển văn hóa chưa thực sự tương xứng với tiềm năng, lợi thế cũng như ý nghĩa và vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều địa phương vẫn coi văn hóa là “cờ, đèn, kèn, trống”, có cũng được mà thiếu cũng không sao! Văn hóa chủ yếu là mang tính trang trí, cổ vũ phong trào chứ ít gắn bó với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, trừ lĩnh vực du lịch.
Vì thế, đầu tư cho văn hóa cả ở con người, tài chính và cơ sở vật chất đều không đạt kỳ vọng của những người quan tâm và yêu văn hóa.
Tôi cảm thấy rất áy náy khi về các địa phương, thấy các anh em đồng nghiệp cán bộ văn hóa cơ sở có mức lương vô cùng thấp, làm việc tối ngày. Bố trí cán bộ trong lĩnh vực văn hóa cũng rất tùy tiện.
Không thể tùy tiện, chắp vá
Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận ra và phát biểu trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021: “sớm khắc phục tình trạng chắp vá, tùy tiện trong bố trí cán bộ làm công tác văn hóa, ở cả trung ương và địa phương”.
Thậm chí từng có dư luận rằng, ai đó không làm được việc gì thì bố trí làm công tác văn hóa. Điều này dẫn đến hai thái cực, thứ nhất là do họ không hiểu nên họ cấm tất cả, vì cái gì cũng thấy nhạy cảm; thứ hai là họ buông, thả tự do tất cả vì thấy cái gì cũng “vô thưởng, vô phạt”. Cả hai thái cực này đều rất nguy hiểm đối với sự phát triển văn hóa.
Văn hóa nghệ thuật liên quan đến sáng tạo nên đòi hỏi tự do; nhưng mọi tự do cũng có khuôn khổ của nó vì liên quan đến đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Bố trí nguồn lực tài chính luôn luôn thiếu cho lĩnh vực văn hóa dù chỉ tiêu từ năm 2009 chỉ là 1,8% chi ngân sách nhưng nhiều địa phương chỉ chi chưa tới 1%.
Điều này vừa thể hiện sự thiếu quan tâm, vừa khiến cho các điều kiện cần và đủ cho phát triển văn hóa gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ.
Cơ sở vật chất cho lĩnh vực văn hóa ngày càng xuống cấp, thậm chí nhiều nơi còn bố trí ở những vị trí không phải ở trung tâm – nơi mà lẽ ra các thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà hát phải được ưu tiên.
Từ những nhận thức chưa đúng đắn và đầy đủ như vậy đã ảnh hưởng rất nhiều đến việc ban hành cơ chế, chính sách thuận lợi cho phát triển văn hóa.
Đến nhiều địa phương, tôi nhận thấy việc ban hành các kế hoạch hành động để thực hiện các nghị quyết của Đảng về văn hóa, chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa chủ yếu là để cho có, tiện bề báo cáo, còn những hành động cụ thể thì ít được triển khai.
Sự sôi động của cuộc sống chủ yếu là do sự năng động của chính thị trường mà ít thấy sự can thiệp của Nhà nước. Dù gần đây, đặc biệt là sau Hội nghị văn hóa toàn quốc, chúng ta đã thấy có sự chuyển biến tích cực, nhưng là người nhiều năm theo dõi về văn hóa, tôi vẫn hết sức lo ngại.