(Toquoc)-Đến bao giờ chúng ta mới có các curator thực thụ,để không khí triển lãm mỹ thuật được sôi động đúng nghĩa?
(Toquoc)-Trên thế giới, từ lâu curator đã trở thành một mắt xích quan trọng, luôn hiện diện trong mọi hoạt động mỹ thuật. Còn ở nước ta, trong bối cảnh hội nhập đang ngày càng sâu rộng thì “curator” vẫn vắng bóng.
>> Bài 1: Có hay không 'Curator' trong làng hội họa Việt!
Đến bao giờ chúng ta mới có các curator thực thụ, để không khí triển lãm mỹ thuật được sôi động đúng nghĩa và phát triển theo hướng ngày càng chuyên nghiệp? Và có phải, ai muốn cũng có thể trở thành một curator?
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với nhà phê bình mỹ thuật Đỗ Bảo:
Cầu nối có trách nhiệm với công chúng!
- Thuật ngữ “curator” đã được nói đến ở nước ta trong vài năm trở lại đây, tuy nhiên, vẫn có nhiều điều chưa ngã ngũ, và vai trò của “curator” cũng chưa được nhìn nhận đúng đắn. Cần phải hiểu ra sao, thưa ông?
Hiện nay, thuật ngữ “curator” được dịch là giám tuyển, nhưng theo tôi, như vậy chưa đầy đủ. Công việc của một curator (PV: như trên thế giới) không chỉ là lựa chọn các tác phẩm mỹ thuật mà còn phải tổ chức từ A đến Z, từ khi bức tranh chưa ra đời cho tới khi nó được công bố trước công chúng bằng những triển lãm. Chính bởi vậy mà nhiệm vụ của một curator rất quan trọng.
Trong quá trình phát triển đất nước, nhất là giai đoạn hợp tác quốc tế và cơ chế thị trường thì nhiệm vụ của một curator cần phải được Nhà nước và xã hội công nhận như trên thế giới. Nó phải trở thành một nghề nghiệp thực thự, đóng góp vai trò quan trọng cho xã hội. Curator cũng là một cầu nối như gallery. Nhưng nếu gallery là cầu nối bán tranh cho họa sĩ, một cầu nối giữa người sáng tác và khán giả thì curator còn hàm chứa một ý nghĩa khác nữa. Curator không chỉ là cầu nối bình thường mà là một cầu nối có trách nhiệm với xã hội. Bất kì cái gì đưa ra trước công chúng hay không đưa ra là quyền của curator nên họ sẽ phải chịu những trách nhiệm trước công chúng. Xã hội rất cần những curator như vậy nên cần phải công nhận nghề này.
Nhà phê bình mỹ thuật Đỗ Bảo (ngoài cùng bên phải)
- Thực tế từ trước tới nay, ở nước ta, các triển lãm giới thiệu tác phẩm vẫn diễn ra thường xuyên mà không cần có sự có mặt của những curator?
Chính bởi thế nên mới có những sai sót mà không có ai chịu trách nhiệm. Đơn cử, triển lãm mỹ thuật toàn quốc diễn ra 5 năm một lần, nhưng nói thật nó hoàn toàn mang tính phong trào. Giống như có người đánh kẻng, thổi còi, tất cả mọi người cùng mang tranh đến triển lãm nên giá trị không nhiều.
Thực tế thì ở những thành phố lớn, có những họa sĩ thực sự giỏi vì họ phải va chạm với thị trường, phải sống bằng nghề, phải bán được tranh để tái sản xuất, nuôi gia đình. Bởi vậy, họ thường có tay nghề cao. Còn ở miền núi xa xôi, đường giao thông đi lại khó, du lịch ít, nên các họa sĩ ở đó thường tay nghề cũng kém hơn, anh nào nổi lên thì cũng chuyển thị trường để kiếm sống. Giờ chúng ta lại muốn cho tỉnh nào cũng có một tác phẩm tiêu biểu treo trong triển lãm, hay nói như cách nói của BTC là 100% các tỉnh có tác phẩm gửi tham dự, nghe ra thì thành tích lớn. Nhưng trong cơ chế thị trường, đó chỉ là những thành tích vô bổ, không có giá trị thực tiễn.
Triển lãm kiểu đó, không có curator mà chỉ dựa vào hội động nghệ thuật thẩm định tranh. Hội đồng sau khi tuyển chọn xong tác phẩm thì tự giải thể, nên những tác phẩm họ chọn dù có sai sót cũng không ai chịu trách nhiệm, không lẽ phạt lại phạt cả tập thể. Cứ thế, lần sau lại tái diễn. Tôi lấy một ví dụ cụ thể, cuộc triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2005 lọt lưới một bức tranh giải ba. Bức tranh đó do một họa sĩ mới tốt nghiệp của Trường Mỹ thuật Yết Kiêu vẽ lại một bức tranh của một họa sĩ trẻ Liên Xô cũ. Hay triển lãm năm 2010 có rất nhiều tranh nhái nghệ thuật popba của nước ngoài, (cả tác phẩm đoạt giải vàng, giải đồng) tưởng như một trào lưu mới nhưng lại nhái theo phong cách của họ. Như thế không có nghĩa là nghệ thuật ta phát triển.
- Nói vậy có nghĩa rằng, nếu có curator đứng ra tổ chức các triển lãm thì sẽ không có những trường hợp sai sót đáng tiếc kia. Có gì để đảm bảo cho việc này?
Khi muốn tổ chức một triển lãm, về đề tài này hay khác thì mời họa sĩ hay nhóm họa sĩ nào đó, curator sẽ có toàn quyền quyết định. Khi curator đã quyết định chọn họa sĩ nào thì họ sẽ có trách nhiệm theo dõi từ lúc bức tranh chưa ra đời, và cũng có thể giúp đỡ họa sĩ sáng tác; cho tới khi bức tranh hoàn thành mang ra công bố. Curator đã theo sát tận nơi tận chốn như vậy, làm sao tranh giả được.
Bởi vậy, trong thời đại mới, curator cần được thừa nhận và cần được giao trách nhiệm để làm việc. Nếu họ có sai sót thì lần sau, ta sẽ không mời curator đó nữa. Chúng ta có quyền lựa chọn curator để có những triển lãm tốt hơn, trong sạch và ít mắc lỗi hơn. Chúng ta cần phải có trách nhiệm và uy tín với công chúng. Công chúng có quyền được thưởng thức không có nghĩa là cho họ xem cái gì cũng được. Họ cũng có tầm nhìn và cách thưởng thức riêng, nên trách nhiệm của người đưa tác phẩm ra phục vụ họ phải cao hơn nữa.
- Trách nhiệm với công chúng, như ông nói, đòi hỏi ở một curator không chỉ tài năng mà còn nhiều yếu tố khác?
Đúng vậy. Curator phải có chuyên môn, họ có thể đã tốt nghiệp đại học mỹ thuật hay khác nữa. Phải làm sao, nhìn là biết tranh hay, tranh dở chứ không thể đánh đồng theo phong trào. Mỗi họa sĩ đều có phong cách, có tiếng nói riêng, curator phải chỉ ra được cái hay, cái đẹp, cái sáng tạo ở đó. Ngoài ra, tư cách đạo đức là rất quan trọng. Curator phải có sự công bằng, không thể phong bì dày mà nói hay, phong bì ít mà nói kém. Đó là tư chất tối thiểu của curator.
Không thể tự nhận mình là "curator"!
- Ở nước ta, curator đã manh nha xuất hiện. Nhưng để nghề này phát triển, đóng góp hữu ích vào sự phát triển của mỹ thuật nước nhà thì cần điều gì, thưa ông?
Hiện tại tôi chưa thể nói ở nước ta đã có ai làm curator được chưa vì nó chưa được Nhà nước thừa nhận, hoặc cũng có thể chưa đủ tư cách. Có một số người cứ tưởng họ là giám tuyển nhưng thực chất lại rất "bè cánh", địa phương chủ nghĩa. Bởi thế, đã có một nghề xuất hiện thì nghề đó cần phải được kiểm tra, có thể qua thi cử. Những curator vì thế cần phải có bài bản, có thể là tự học, nhưng cần phải tổ chức những hội đồng thi để công nhận họ. Nếu đạt yêu cầu có thể cấp thẻ hành nghề cho họ. Như thế, curator cũng phải thực hiện những quy chế mà Nhà nước đặt ra để có chất lượng cao hơn. Không thể tự nhận mình là curator được.
Nền mỹ thuật nào cũng cần có những curator chuyên nghiệp (Ảnh: K.N)
Một curator phải đảm nhận công việc từ A đến Z, bao gồm cả kêu gọi tài trợ cho triển lãm, nên có thể các cơ quan phải thuê họ. Công việc này để hoạt động chính đáng, có tổ chức thì cần phải thành lập một hiệp hội những curator. Các họa sĩ muốn triển lãm sẽ thuê họ, họ sẽ tư vấn nên trình bày bức tranh này hay bức kia, nhóm nào trước, nhóm nào sau. Hay khi nhiều họa sĩ cùng triển lãm thì curator sẽ giúp đưa ra tác phẩm nổi trội của họ, để không ai bị mờ đi. Bức tranh nọ sẽ nâng bức tranh kia lên làm cho người xem thích thú.
- Xin cảm ơn ông!
Khánh Nguyên