• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài 2: Hề chèo sẽ đi vào… bảo tàng?

Văn hoá 06/04/2011 22:50

(Toquoc)-Thông tin danh hài Xuân Hinh làm DVD trình diễn 8 trích đoạn hề chèo cổ tạo nên nhiều luồng ý kiến.

(Toquoc)-Thông tin danh hài Xuân Hinh làm DVD trình diễn 8 trích đoạn hề chèo cổ tạo nên nhiều luồng ý kiến.

Bài 1: Mua vui chẳng được một vài trống canh

Người bảo DVD sẽ bị ế khách so với các đĩa hài của Xuân Hinh trước đây vì giờ chẳng còn ai thích xem chèo. Người lại bảo DVD sẽ bán chạy nhờ cái tên Xuân Hinh bảo chứng. Giới chuyên môn thì im lặng xem Xuân Hinh sau hơn chục năm bỏ chèo “tái hôn” với hài kịch sẽ trở về với “cố nhân” như thế nào.

Với đa số công chúng hiện nay, nhắc đến hề chèo, người ta chỉ còn nhớ được hai cái tên: Xuân Hinh và Quốc Trượng. Cả hai đều tốt nghiệp khoá Đại học đầu tiên của Trường Sân khấu Điện ảnh. Cả hai đều thành danh với những vai hề chèo và tung hoành trên sân khấu lẫn băng hài trong những năm 95-96 trở về trước. Đến nay, Quốc Trượng chỉ còn là một ký ức anh Tùng lò gạch chưa ai thay thế được. Xuân Hinh thì vẫn là người đương đại nhưng là với các đĩa hài Tết “đến hẹn lại lên”. Còn với chèo, Xuân Hinh cũng là ký ức, bởi người ta không gọi anh là “Hề chèo Xuân Hinh” nữa mà người ta gọi anh là “danh hài”.

Xuân Hinh

Sau Xuân Hinh và Quốc Trượng, không kể thêm được cái tên hề chèo nào có độ phủ sóng rộng rãi tới công chúng. Dù ở Nhà hát Chèo Việt Nam có cả một “chùm hề” toàn những nghệ sỹ trẻ tài năng. Hay như Tự Long - tốt nghiệp xuất sắc Sân khấu Điện ảnh chuyên ngành hề chèo, được giới chuyên môn đánh giá cao trên sân khấu chèo, giành nhiều HCV trong các kỳ hội diễn chèo toàn quốc – nhưng lại chỉ được khán giả biết tới với vai trò nhân vật trung tâm của Gặp nhau cuối tuần và Gala Cười.

Nghệ sỹ Tự Long nhận định một cách bi quan rằng: “Tôi nghĩ hề chèo không phải là đang bị mai một đâu mà đang bị triệt tiêu thì đúng hơn. Chèo bị lép vế trước truyền hình, lép vế trước các phương tiện truyền thông giải trí hiện đại, lép vế trước hài kịch. Trước đây người ta đi xem chèo để tìm tiếng cười còn thời bội thực hài kịch hiện nay, người ta có thể tìm tiếng cười ở mọi nơi, vào mọi lúc. Chèo muốn sống được phải về các vùng quê. Còn ở thành phố, có nhà hát nào sáng đèn bằng tấm vé khán giả bỏ tiền mua?”.

Thế nhưng, ngay cả ở những vùng quê, nơi chèo vẫn được người dân đón nhận, hề chèo cũng không còn sức hấp dẫn như xưa. Nhân vật chính của Gala Cười không biết nên vui hay buồn khi người xem không quan tâm đến việc anh hát gì trên chiếu chèo mà chỉ hiếu kỳ chỉ trỏ “Tự Long kìa, Tự Long đấy” bằng sự phấn khích khi nhìn thấy người nổi tiếng trên truyền hình và băng đĩa hài.

Chính sự hờ hững, thiếu mặn mà của khán giả làm cho các anh hề chèo dần mỏi mệt. Không có những tràng vỗ tay cổ vũ để ngẫu hứng với hề chèo, để thăng hoa trên sân khấu, cùng những mối lo cơm áo gạo tiền, anh hề của đời thực khó có thể bông phèng, giễu cợt ai. Một thực trạng phổ biến ở các nhà hát chèo hiện nay là các diễn viên “chân ngoài dài hơn chân trong”. Thậm chí họ còn không muốn nhận vai chính để khỏi mất nhiều thời gian tập luyện ở nhà hát, để được đi làm những việc khác. Không toàn tâm toàn ý với nghệ thuật thì không thể có được vai diễn chất lượng cao. Nhưng cũng chẳng thể chê trách được bởi ai cũng phải sống vì niêu cơm của mình mà anh hề lại chẳng nuôi sống được họ. Các nhà hát cứ thế bị thất thoát dần tài năng.

Và Quốc Trượng- hai tên tuổi thành danh với hề chèo, giờ lại nổi tiếng là những danh hài

NSND Bùi Đắc Sừ khẳng định: “Có rất nhiều đoàn chèo cố gắng lên thành Nhà hát nhưng lại chẳng có đào – kép, anh hề nào đủ sức làm khán giả nhớ”.

Điều này thì theo nghệ sỹ Tự Long, ngoài sự chán chường không muốn phấn đấu, không muốn rèn nghề của các diễn viên thì khâu đầu vào của Đại học sân khấu điển ảnh là một vấn đề lớn.

“Ngày xưa để thi được vào trường rất khó, nhưng bây giờ thì có thể nói là kém lắm mới học chèo. Cả nước có 18 đoàn chèo, nhà trường thì mỗi khoá tuyển sinh chỉ lấy 15 người và cũng chỉ khoảng tầm 20 hồ sơ dự thi. Ai có đầy đủ thanh-sắc- thục- sinh- khí- thần thì lại chọn ngành khác thời thượng hơn chứ không đi học chèo. Ai học chèo thì hoặc là hát hay mà người lại lùn, hoặc là có dáng dấp thì hát kém. Nhưng lắm lúc vẫn phải lấy cho đủ chỉ tiêu. 

Trong quá trình học, thế hệ bây giờ cũng không như chúng tôi ngày xưa, học thì ít mà làm cái khác thì nhiều. Học 3-4 năm ra trường, đi thi tuyển vào nhà hát với vốn liếng vài làn điệu. Yêu cầu các em hát điệu khác thì sẽ nhân đượcc âu trả lời là “em chưa học” hay “em chưa thuộc”. Có lẽ các em dành nhiều thời gian học tân nhạc để đi hát tụ điểm hơn là học hát chèo.

Ngày xưa, toàn bộ thời gian chúng tôi dành cho chèo. Ngày học chưa đủ, tối đến là xách trống, xách mõ đến nhà thầy hoặc mượn giảng đường mời thầy đến bổ túc thêm cho. Mình học Phù thuỷ sợ ma nhưng thấy các bạn học Mãng Ông mình cũng học Mãng Ông, các bạn học Tuần Ty - Đào Huế mình cũng học Tuần Ty - Đào Huế, vai hề nào hay cũng muốn học, có khi thầy giáo còn cho mình báo cáo. Các bạn khác cũng vậy, ai cũng nhìn nhau để học.

Hiện nay nhiều nhà hát biết thực trạng đó nên chọn cách đi tuyển sinh ở các địa phương, tìm những người có khả năng hát chèo và yêu chèo thực sự”.

NSƯT Quốc Trượng - hiện đang là Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội - cũng từng chia sẻ: Để thành danh với những vai hề chèo, anh và NSƯT Xuân Hinh từng học chèo không biết mệt mỏi, học đến thành say mê. Say mê đến nổi ông quản lý KTX phải than phiền “Sao mà mày với thằng Xuân Hinh hát lắm thế, học cũng hát, chơi cũng hát, đi tắm cũng hát”.

Tuy nhiên, thực tế là sự say mê ấy được nuôi dưỡng bằng sự mến chuộng của cả xã hội. Cái động lực quan trọng ấy đã không còn đối với các thế hệ diễn viên trẻ ngày nay.

Trong khi ấy, để có được 1 vai hề chèo để đời không hề đơn giản. Tài năng lẫn đam mê đều chưa đủ. Phải có người chỉ dạy theo kiểu cầm tay, chỉ mặt mới mong thành công ở cái nghề mang tính truyền khẩu này. Một câu hát mà không được thầy chỉ bảo đến nơi đến chốn thì cũng khó hát hay được.

Như NSND Bùi Đắc Sừ phân tích, băng đĩa, hình ảnh lưu giữ thì còn nhiều nhưng diễn viên chỉ học được từ băng đĩa lời hát, động tác cử chỉ chứ không thể học được cái thần, cái hồn của vai diễn. Với nghệ thuật truyền khẩu thì các nghệ sỹ Mạnh Tuấn, Dịu Hương ngày xưa và sau này là Đào Lê, Thanh Ngoan, Xuân Hinh, Quốc Trượng sở dĩ thành công vì được nhiều người truyền dạy... Nhưng thế hệ gạo cội đó đã ra đi gần hết rồi. Không còn mấy người biết nghề để đào tạo, hướng dẫn thế hệ trẻ nữa.

Tuy nhiên, NSND Bùi Đắc Sừ lại lạc quan hơn khi cho rằng: “Hề chèo chỉ tạm thời mai một, chứ không thể mất đi. Vẫn còn những nghệ sỹ trẻ tâm huyết với nghề, biết lấy ngắn nuôi dài, chịu khó đầu tư và sáng tạo cho các vai diễn của mình. Khi hài kịch đang ngày càng có dấu hiệu bão hoà, tẻ nhạt, vô duyên, khán giả sẽ đi tìm những tiếng cười sâu sắc hơn, văn hoá hơn như những anh hề chèo”.

Danh hài Tự Long – đồng thời là trưởng đoàn Nhà hát Chèo Quân đội thì chia sẻ: “Trên sân khấu hài kịch, tôi luôn cố gắng đưa chèo vào một là khán giả biết tôi là diễn viên chèo, hai là khiến họ dần thích chèo và yêu chèo hơn. Còn tương lai của anh hề chèo vẫn mù mịt lắm. Nhiều lúc tôi nghĩ không biết sau thế hệ chúng tôi, chiếu chèo và hề chèo sẽ như thế nào”.

Có lẽ là phải chờ đợi DVD hề chèo sắp tới của Xuân Hinh để đoán định chăng? Nếu đó thực sư là một sản phẩm hề chèo nghiêm túc, mẫu mực nhà sản xuất giới thiệu và khán giả đón nhận nó nhiệt tình - kể cả vì cái tem bảo chứng “danh hài Xuân Hinh” đi nữa – thì nghĩa là Hề chèo vẫn còn đất sống để nảy mầm trong lòng công chúng, nhất là công chúng nơi châu thổ sông Hồng được tưới bón bằng nghệ thuật chèo từ hàng trăm năm nay./.

Hoàng Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ