(Tổ Quốc) - Không chỉ nổi tiếng với nghĩa trang của cá và phong tục thờ cá voi, người dân làng Cảnh Dương cũng rất đỗi tự hào khi có riêng cho mình làn điệu hát ru “hò hẻ”. Chính những câu hò hẻ là động lực tinh thần để bao thế hệ ngư dân Cảnh Dương ngày ngày đạp sóng, vươn khơi.
Tiếng lòng người dân xứ biển
Cảnh Dương là một xã ven biển trù phú của tỉnh Quảng Bình với cảnh quan thơ mộng. Đây còn được xem là địa bàn xung yếu, có vị trí chiến lược quan trọng ở khu vực duyên hải miền Trung suốt mấy trăm năm qua. Ngay từ năm 1672 triều vua Lê Gia Tông, triều đình đã có văn bản nhìn nhận khá cụ thể về vai trò đắc lực của vùng biển này đồng thời có định hướng rõ ràng trong chuyện quân cơ. Xưa nay, chuyện ngư dân Cảnh Dương vươn khơi bám biển không chỉ để mưu sinh, đó còn là cách để người dân nơi này khẳng định chủ quyền đối với biển đảo Tổ quốc.
Một góc của làng biển Cảnh Dương. Ảnh: Lê Chung |
Trong những ngày có mặt ở làng biển Cảnh Dương, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều điều thú vị về vùng đất đứng nơi đầu sóng gió này. Trong số đó phải kể đến “hò hẻ”, một làn điệu hát ru đậm chất miền biển mà có lẽ chỉ nơi này mới có. Với ngư dân Cảnh Dương, hò hẻ như là món "bảo bối" truyền đời tiếp thêm sức mạnh tinh thần để họ ngày ngày đạp sóng ra khơi.
Không bắt đầu bằng “ầu ơ” hay “ví dậu” như những lời ru quen thuộc, điểm đặc biệt của hò hẻ Cảnh Dương là sự nối liền của những âm điệu lạ tai “Bôồng bôổng bôồng bôông, hò hẻ hò hè” giữa những câu ca. Dân làng Cảnh Dương không một ai rõ điệu ru này có từ bao giờ và những âm điệu trên có ý nghĩa như thế nào. Chỉ biết đó là nét đẹp văn hóa độc đáo nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ người dân nơi này. Người ta cũng ví, hò hẻ như là tiếng lòng của những người dân xứ biển.
Theo lý giải của các bậc cao niên, âm điệu “Bôồng bôổng bôồng bôông” có thể là tiếng sóng biển vỗ mạn thuyền khi ngư dân dong buồm ra khơi đã được dân gian xưa cách điệu lên thành nhạc lý. Thế mới thấy, ở vùng đất này cuộc sống gắn chặt với biển cả đã ăn sâu vào trong tâm thức, đi cả vào trong những lời ru, câu hát.
Bà Hương nói về món "bảo bối" truyền đời của ngư dân Cảnh Dương. Ảnh: Lê Chung |
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Hương (60 tuổi, dân làng Cảnh Dương) cho biết gia đình bà có đến 5 người làm nghề đi biển, tất cả đều lớn lên trong làn điệu ru của hò hẻ. Nói về hò hẻ Cảnh Dương, hầu hết các câu hát đều khắc họa về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân xứ biển này.
“Không đơn thuần chỉ là điệu hát ru con, hò hẻ còn là nỗi nhớ thương, là tâm tình, là tiếng lòng trao gửi cho nhau. Đây như là món bảo bối truyền đời, là động lực tinh thần để bao thế hệ người dân Cảnh Dương ngày ngày đạp sóng, vươn khơi”, bà Hương nói.
Đàn ông xứ biển… hát ru
Để tìm hiểu rõ hơn về điệu ru “hò hẻ”, theo lời giới thiệu của người dân trong làng chúng tôi tìm gặp Nghệ nhân dân gian Lê Thành Lộc. Ông Lộc hiện tại là Chủ nhiệm CLB Dân ca Cảnh Dương, một người nắm khá rõ và đang cố công sưu tầm bảo tồn làn điệu hát ru đặc biệt này.
Nghệ nhân dân gian Lê Thành Lộc chia sẻ về làn điệu hát ru hò hẻ Cảnh Dương. Ảnh: Lê Chung |
Theo ông Lộc, người dân Cảnh Dương hầu hết ai cũng có thể hát được điệu ru hò hẻ. Thế nhưng so về giọng điệu thì lời ru của những người đàn ông ngư dân là đặc biệt hơn cả. Bởi trong đó ngoài âm điệu ra còn có thêm cái vị mặn mòi, da diết như mang cả tiếng sóng, tiếng gió của biển khơi.
Ở lời ru của những người đàn ông trụ cột gia đình, khi ra khơi thường có những lo toan như:“Ra đi thì sợ lỗ mồi/Ở nhà con khóc đứng ngồi không yên’,“Ra đi thì khổ mình ta/Ở nhà thì đói cả bà lẫn con”. Hay ở đâu đó còn là nỗi nhớ thương, an ủi vợ con khi phải đi biển dài ngày:“Hôm qua anh gối tay nàng/Hôm nay ra biển anh gối đàng dây neo”, “Lấy anh thấy đói em đừng lo/Tay anh tát nước, miệng hò kéo neo”.
Không phải cứ ru con người dân Cảnh Dương mới hát hò hẻ. Câu hò hẻ có thể cất cao bất cứ lúc nào hay bất cứ nơi đâu, khi đang nhổ neo, đạp sóng hay lúc thả lưới buông câu:“Cha mẹ em muốn ăn cá khiên/Cho nên anh phải đóng thuyền ra khơi”, “Ai về đất Cảnh hôm nay/Ra khơi vào lộng sóng reo sớm chiều/Thuyền anh chở nặng cá tôm/Trên bờ em đón trái tim rộn ràng”. Trong những câu hát này nhiều lúc cũng thể hiện ý chí người ngư dân muốn chèo sóng, chém gió vượt khó khăn để lao động, sản xuất: “Muốn cho con sủ ba đòn/Con sơn, con ngạng sông Roòn thiếu chi”.
“Những lúc biển cả mưa gió bão bùng, hò hẻ còn là nỗi lòng người vợ gửi trao chồng đang vất vả ở ngoài khơi xa như “Trông ra ngoài biển lu bù/Thấy anh câu đục câu đù em thương”. Cái tình cảm của người dân làng Cảnh Dương nó chân chất qua từng lời ru như vậy”, ông Lộc chia sẻ.
Cảnh Dương đang được định hướng để phát triển thành làng văn hóa, du lịch kiểu mẫu. Ảnh: Lê Chung |
Được biết, hò hẻ hiện tại có trên 1.000 câu hát đặc sắc và là niềm tự hào của người dân Cảnh Dương. Thế nhưng theo Nghệ nhân dân gian Lê Thành Lộc, điệu ru này ngày nay không còn được hát nhiều như trước nữa. Lớp trẻ hiện nay nhiều người bắt đầu thờ ơ với hò hẻ khiến những người tâm huyết như ông không khỏi lo lắng.
Để bảo tồn văn hóa của làng, ông Lộc đang ấp ủ dự định sẽ sưu tập lại những câu hò hẻ bằng nhiều hình thức như ghi âm, chữ viết.. rồi lồng ghép vào các hoạt động của CLB Dân ca Cảnh Dương.
“Cảnh Dương hiện đang được định hướng để phát triển thành làng văn hóa du lịch kiểu mẫu của tỉnh. Trong tương lai tôi cũng mong tỉnh đưa điệu hát ru hò hẻ vào các hoạt động phục vụ du khách. Đó cũng là một cách vừa bảo tồn, vừa quảng bá văn hóa địa phương đến với mọi người” - ông Lộc bộc bạch tâm sự.
Lê Chung