(Tổ Quốc) -Cùng với Khu Liên hợp Thể thao quốc gia Mỹ Đình, Trung tâm Chiếu phim Quốc gia, Nhà hát Lớn Hà Nội cũng nằm trong diện thí điểm chuyển sang cơ chế quản lý tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ năm 2012.
Ngày 9/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã cho ý kiến về Đề án đổi mới cơ chế quản lý, cơ chế tài chính và tổ chức lại hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhân dịp này, Báo Điện tử Tổ Quốc trân trọng gửi tới độc giả loạt bài viết về việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính và tổ chức bộ máy nhìn từ một số đơn vị thuộc Bộ VHTTDL.
Mô hình Nhà hát tự chủ toàn bộ kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên
Năm 2012 Nhà hát Lớn Hà Nội bắt đầu chuyển sang tự chủ toàn bộ kinh phí hoạt động thường xuyên, mỗi năm Nhà hát đã phục vụ khoảng 220 cuộc hội thảo, hội nghị. Mỗi năm, Nhà hát Lớn còn thực hiện các nhiệm vụ chính trị khác như đón tiếp các vị nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quốc tế, buổi biểu diễn của các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước.
Tới thời điểm này, theo bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội, với nhiệm vụ nhà nước giao hoặc đặt hàng, đơn vị được chủ động quyết định các biện pháp thực hiện để đảm bảo chất lượng, tiến độ. Còn với các hoạt động khác, đơn vị được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức hoạt động dịch vụ phù hợp với lĩnh vực chuyên môn, khả năng của đơn vị và đúng với quy định của pháp luật.
Nhà hát Lớn Hà Nội chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm từ năm 2012. Ảnh: Nam Nguyễn |
Về mặt khó khăn, theo bà Nguyệt, khán phòng Nhà hát Lớn có số lượng ghế khiêm tốn với gần 600 chỗ ngồi, là công trình văn hóa lịch sử nên việc mở rộng khai thác dịch vụ cũng bị hạn chế. Mặt khác luôn phải duy trì chế độ duy tu, bảo dưỡng các hạng mục kỹ thuật, hạ tầng cơ sở và phải tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình bảo trì, bảo dưỡng, các chi phí thường xuyên đó rất lớn; công trình qua hơn 20 năm sử dụng đã xuống cấp cần đầu tư, nâng cấp…
Tại Hội nghị Đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch tổ chức hồi tháng 3/2016, các đơn vị thực hiện thí điểm đã tự đảm bảo 100% kinh phí hoạt động thường xuyên đã được chủ động hơn trong công tác tổ chức, nhân sự theo phân cấp của Bộ, chủ động thực hiện các nhiệm vụ được giao, chủ động mở rộng các hoạt động dịch vụ tăng thu.
Các đơn vị thí điểm tự chủ theo phương thức giảm 30%, về cơ bản vẫn hoạt động ổn định, cùng với việc chủ động mở rộng các hoạt động có thu, sắp xếp lại cách thức tổ chức hoạt động bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực, số thu dịch vụ đảm bảo bù đắp phần kinh phí thường xuyên bị cắt giảm.
Cần tách bạch rõ quản lý nhà nước và sự nghiệp
Theo bà Nguyệt, việc tự chủ toàn phần, từng phần “trừ một số lĩnh vực mà cần phải bảo tồn” đối với các đơn vị sự nghiệp công lập là con đường tất yếu trong giai đoạn hiện nay song song với tinh giản biên chế có như vậy thì mới đỡ gánh nặng ngân sách cho nhà nước.
“Trong quá trình tự chủ của các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập, việc song song bảo tồn và phát triển, kiếm tiền để tồn tại và tiếp tục giữ gìn, quảng bá nền nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ, hiện chứa đựng rất nhiều mâu thuẫn. Với bối cảnh hiện nay thì đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, bởi không nên bao cấp văn hóa mãi khi nền kinh tế đã chuyển sang vận hành theo cơ chế thị trường từ lâu. Các đơn vị khi được trao quyền tự chủ sẽ chủ động trong việc quản lý chi tiêu tài chính, việc phân phối tiền lương sẽ gắn với chất lượng, hiệu quả công việc, xóa bỏ sự trì trệ, lực cản trong tư duy bao cấp, trông chờ vào ngân sách Nhà nước…”- Bà Nguyệt nói.
Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội Nguyễn Thị Minh Nguyệt. Ảnh: Minh Khánh |
Mặc dù vậy, theo bà Nguyệt, đối với các Nhà hát trực thuộc Bộ cần tách bạch rõ đâu là quản lý nhà nước và đâu là sự nghiệp.
Đồng thời, Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội cho biết, quá trình tự chủ cần được thực hiện một cách cân nhắc, có lộ trình, thời gian thích hợp với từng loại hình nghệ thuật chứ không nên cào bằng. Nên xếp các tổ chức nghệ thuật biểu diễn công lập vào 2 loại tổ chức với cơ chế tự chủ tài chính, tự chủ một phần kinh phí thường xuyên; hoặc được Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
“Đối với nghệ thuật sân khấu truyền thống, dân tộc, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư kinh phí 100% để giữ gìn và bảo tồn các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng của đất nước như tuồng, chèo, cải lương, múa rối nước...”- Bà Nguyệt nêu quan điểm.
Chia sẻ kinh nghiệm khi chuyển sang tự chủ từ bài học của Nhà hát Lớn, Giám đốc Nguyễn Thị Minh Nguyệt cho biết, các tổ chức nghệ thuật biểu diễn cần phải duy trì bộ máy tổ chức một cách gọn nhẹ nhất nhằm giảm mọi chi phí. Cần áp dụng triệt để các hình thức hợp đồng đối với người lao động như hợp đồng mùa vụ, hợp đồng ngắn hạn.
“Sử dụng lao động trên cơ sở hợp đồng đã phát huy tác dụng trong việc thích ứng linh hoạt với những thay đổi và thách thức của môi trường kinh doanh, tạo ra một đội ngũ lao động trẻ, có năng lực, đảm bảo tính cạnh tranh, nhiệt tình, sáng tạo trong công việc”- Bà Nguyệt nói thêm./.
Thái Linh