(Tổ Quốc)- Trong 10 năm qua, Hà Nội đã hai lần lỡ hẹn xây dựng một công trình nhà hát tầm cỡ cho Thủ đô và cả nước. Việc xây dựng một nhà hát lúc này ở khu vực Hồ Tây được các chuyên gia cho rằng, đây là yêu cầu cấp thiết.
- 08.08.2022 Bài 2: TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An là sự kế thừa định hướng chuẩn xác
- 01.08.2022 Phó Chủ tịch UBND Quận Tây Hồ: “Nhiều ý kiến đóng góp thiết thực, sâu sắc cho Đồ án Quy hoạch chi tiết trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An”
- 27.07.2022 Phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây
Tiềm năng lớn khai thác khu vực Hồ Tây
Theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về "Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045" đặt mục tiêu, đến năm 2030 ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô cơ bản trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác. Hà Nội nằm trong nhóm các thành phố có ngành công nghiệp văn hóa phát triển hàng đầu có thương hiệu, sản phẩm uy tin, khả năng cạnh tranh cao với các Thành phố trong khu vực; là "Thành phố sáng tạo" có sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Phấn đấu doanh thu từ các ngành công nghiệp văn hóa tăng dần qua từng năm, đóng góp khoảng 8% GRDP của Thành phố.
Thành phố cũng tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực giàu tiềm năng, lợi thế của Thủ đô như: Du lịch văn hóa; Nghệ thuật biểu diễn; Thủ công mỹ nghệ; Thiết kế; Quảng cáo; Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; Điện ảnh; Thời trang; Ẩm thực; Phần mềm và các trò chơi giải trí; Truyền hình và Phát thanh; Xuất bản... phù hợp với thực tiễn Thủ đô và từng giai đoạn cụ thể.
Đồng thời Thành phố đặt mục tiêu quy hoạch, bố trí quỹ đất, nguồn lực đầu tư của nhà nước và ngoài nhà nước cho các công trình, dự án phát triển văn hóa chất lượng cao, trong đó ưu tiên phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, kết hợp phố - không gian đi bộ, điểm mua sắm, mở rộng tạo không gian văn hóa giành cho cộng đồng.
Thực tế hiện nay mặc dù đất nước đã đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xã hội, đời sống người dân được cải thiện. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng tư duy nặng về phát triển kinh tế mà ít quan tâm đến văn hóa, thiếu vắng những công trình, sản phẩm văn hóa tương xứng với yêu cầu của thời đại mới.
Tại Thủ đô Hà Nội, việc thiết lập các công trình kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật, các thiết chế văn hóa quy mô mới, hiện đại, xứng tầm với vị trí là "trái tim" của cả nước là vô cùng cần thiết bên cạnh những biểu tượng đã nổi tiếng như Khuê Văn Các, Chùa Một Cột, tháp Rùa, Nhà hát Lớn…
Trong Quy hoạch chung Thủ đô, trục không gian Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa được xác định là không gian kết nối giữa đô thị quá khứ và đô thị hiện tại, nằm trong vùng không gian cản quan lịch sử - văn hóa, sinh thái của Hồ Tây và sông Hồng với nhiều công trình di tích tôn giáo, tín ngưỡng. Với khoảng 400 ha cảnh quan mặt nước, Hồ Tây có rất nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt khu vực bán đảo Quảng An với vị trí trung tâm Hồ Tây, tập trung nhiều di tích lịch sử văn hóa mang đặc trưng bản sắc Thăng Long – Hà Nội. Theo các chuyên gia, nếu được khai thác, phát triển hợp lý sẽ mang lại giá trị to lớn về du lịch và văn hóa cho Thủ đô.
Mới đây, UBND quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã lấy ý kiến người dân về quy hoạch chi tiết bán đảo Quảng An và dự án Nhà hát tại khu vực Đầm Trị. Trong bài viết trước: "TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm: Quy hoạch trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An là sự kế thừa định hướng chuẩn xác", chúng tôi đã nêu rất rõ về tính pháp lý của quy hoạch này. Hội Kiến trúc sư Việt Nam cũng khẳng định: theo hệ thống quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thì quy hoạch vùng Quảng An được quy định ổn định nhất quán. Việc phê duyệt này đủ điều kiện pháp lý căn bản để Hà Nội triển khai quy hoạch chi tiết khu vực này.
Theo đó, đồ án quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm bán đảo Quảng An có tổng diện tích nghiên cứu khoảng 77,46 ha thuộc địa giới hành chính phường Quảng An và một phần của phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội.
Khu vực này sẽ có các khu chức năng vui chơi, giải trí, công viên văn hóa, tâm linh. Riêng tại ô quy hoạch số 19 có một nhà hát đa năng quy mô lớn, hiện đại tiêu biểu cho Thủ đô. Nhà hát sẽ được thiết kế nổi trên mặt nước Đầm Trị, hướng mặt ra Hồ Tây và được đánh giá là vị trí đắc địa để thiết kế một công trình văn hóa – nghệ thuật mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.
Về quy hoạch chi tiết đặt nhà hát đa năng ở Đầm Trị, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, từ những năm 2010, thành phố đã có chủ trương, kế hoạch xây dựng một nhà hát hiện đại, quy mô lớn, đa chức năng tại khu vực Tây Hồ Tây. Năm 2017, nhà hát lại được thành phố dự kiến xây dựng tại quận Nam Từ Liêm nhưng cả hai lần đều không khả thi vì nhiều lý do khác nhau.
"Với yêu cầu nhà hát mới đóng vai trò quan trọng kết nối trong vùng trung tâm Hồ Tây, cần mang tính biểu tượng, gắn kết với không gian văn hóa Hồ Tây, đáp ứng vùng bán kính phục vụ cho nhân dân quận Tây Hồ và vùng phụ cận, kể cả vùng bắc sông Hồng, góp phần liên kết, kiến tạo trục văn hóa Hồ Tây – Sông Hồng – Cổ Loa… thì việc xác định vị trí nhà hát ở khu công viên kết trục tạo sự lan tỏa hài hòa với không gian mặt nước có thể coi là chấp nhận được, khi công trình nhà hát đã có ở quy hoạch vùng được phê duyệt trong tổng thể quy hoạch thành phố theo Quyết định số 1259 năm 2011"- TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho hay.
Hà Nội trong suốt 40 năm qua chưa được bổ sung công trình văn hóa nào quy mô lớn
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, hiện Thủ đô 10 triệu dân của một đất nước 100 triệu dân nhưng không có công trình nào của một nhà hát đúng nghĩa, là công trình tầm cỡ thế giới hầu như không có, để người dân có thể hưởng thụ những thứ mà chúng ta mong muốn.
Kể từ khi được người Pháp xây dựng hơn 100 năm trước, Nhà hát Lớn Hà Nội vẫn giữ vị trí "thánh đường nghệ thuật" của Thủ đô. Tuy nhiên, với sức chứa chỉ gần 900 người, nơi đây không còn đáp ứng đủ điều kiện và quy mô để tổ chức những sự kiện âm nhạc có sự tham gia của nhiều ngàn khán giả với hệ thống âm thanh và ánh sáng hiện đại, xứng tầm. Theo các chuyên gia, vì lý do này, Thủ đô đã bị mất dần đi những cơ hội có thể mời các đoàn nghệ thuật, nghệ sĩ hàng đầu thế giới tới biểu diễn. Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát Opera đã trở thành biểu tượng không chỉ của một điểm đến du lịch, văn hóa mà còn là biểu tượng của một quốc gia, tạo vị thế trên trường quốc tế cho quốc gia đó, mà còn đêm về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch.
Còn theo TS.KTS Phan Đăng Sơn, việc xây dựng một nhà hát là cơ hội rất quý giá đối với Hà Nội. "Trong vòng 10 năm, chúng ta đã hai lần lỡ hẹn với công trình nhà hát. Có người nói rằng, bây giờ chưa tới thời kỳ xây dựng những công trình như thế này mà hãy tập trung vào các công trình đường xá hay nhà ở - những thứ thiết thực cho nhân dân hơn. Trong khi văn hóa tinh thần của chúng ta hiện nay đứng trước những sự thiếu thốn và tầm quan trọng của văn hóa thì không hề kém so với tầm quan trọng của những sản phẩm cụ thể như khu nhà để ở hay đường để đi"- KTS Phan Đăng Sơn nêu.
Ông cũng nói thêm, đường lối của Đảng cũng chỉ rõ rằng văn hóa đặt lên ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa vừa là nền tảng tinh thần, vừa là động lực phát triển. "Điều này cả thế giới đều đánh giá như vậy chứ không riêng gì Việt Nam. Thời điểm hiện nay cần khẩn trương triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa. Chúng ta thấy hiện nay việc phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội, không gian sáng tạo của Hà Nội vẫn còn tiềm năng vô cùng to lớn. Cho nên việc triển khai những chương trình như nhà hát, chúng tôi cho rằng bây giờ phải dùng từ "cấp thiết" chứ không phải "đúng lúc" nữa" – KTS Phan Đăng Sơn bày tỏ.
Hà Nội trong suốt 40 năm qua chưa được bổ sung công trình văn hóa nào quy mô lớn và có khả năng sánh vai các nước, khả năng hội nhập với quốc tế. Theo KTS Phan Đăng Sơn, "đây là một cơ hội và chúng tôi mong rằng chúng ta quyết tâm thực hiện để Hà Nội ngày càng xứng đáng là trung tâm chính trị, văn hóa và luôn luôn đi đầu cả nước về việc cung cấp văn hóa hưởng thụ về văn hóa, tinh thần cho nhân dân".
Trả lời câu hỏi của phóng viên báo điện tử Tổ Quốc về những nỗ lực của Hà Nội trong việc tạo nên một trung tâm văn hóa mới của Thủ đô tại Hồ Tây mà vẫn bảo tồn những giá trị văn hóa mà đã trở thành di sản?, KTS Phan Đăng Sơn nhận định, bản thân các cấp chính quyền của Hà Nội rất có ý thức và nghiêm túc thực hiện vấn đề này. Riêng đối với khu vực Hồ Tây – nơi có bề dày văn hóa và có độ dày đặc về di tích vật thể, chưa nói đến phi vật thể ở đây cũng rất phong phú và đặc sắc thì việc tôn trọng, giữ gìn và phát huy văn hóa ở đây là yếu tố phải làm nền tảng cho tất cả chương trình phát triển ở đó, kể cả chương trình phát triển xây dựng khu đô thị mới.
"Đối với khu Quảng An, ở đây có 2 ngôi chùa, 1 ngôi đền và một số công trình nữa, tôi thấy quy hoạch đưa ra giải pháp rất hay là giải pháp "dung hòa". Các công trình có sự giao thoa giữa những cái cũ và cái mới, nằm trong một hệ thống chung, tôn trọng lẫn nhau, không làm ảnh hưởng đến nhau những vẫn kết nối được với nhau.
Với cách tổ chức như thế có nghĩa đã nghiên cứu rất kỹ. Tuy nhiên khi chúng ta làm thực tế thì công tác khảo sát cần tính toán lại một cách kỹ lưỡng và đầy đủ cũng rất cần thiết."- KTS Phan Đăng Sơn nói thêm.
Trước những lo ngại về giao thông tại khu vực này, KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, cần phải rà soát việc này kỹ lưỡng. Ví dụ, khi tập trung đông người, thường xuyên thì bài toán cần giải quyết như thế nào? "Bố cục giao thông với độ rộng phải phù hợp với các chức năng đáp ứng lúc bình thường và khi hoạt động hết công suất bởi giao thông khu vực này không chỉ phục vụ cho nhà hát mà còn cho nhiều công trình khác cũng như hoạt động bình thường của người dân. Nên Hà Nội phải có tính toán và trình bày đầy đủ, rõ ràng"- KTS Phan Đăng Sơn phân tích.
Bài 4: Công nghiệp văn hóa cho Thủ đô Hà Nội nhìn từ Hồ Tây như thế nào?