• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài học từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945: Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi

Thời sự 19/08/2021 07:59

(Tổ Quốc) - Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội và đi vào lịch sử dân tộc như một bản anh hùng ca bất tử. Cách mạng tháng Tám cũng đã để lại những bài học vô giá trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc, trong đó bài học về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dựa vào nhân dân làm nên thắng lợi, vượt qua mọi khó khăn càng được minh chứng rõ nét qua thời gian.

Bài học từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945: Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi   - Ảnh 1.

PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Bài học về tinh thần đại đoàn kết dân tộc

PGS.TS Lê Quốc Lý - nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, với thắng lợi vĩ đại của của cách mạng tháng Tám năm 1945, Việt Nam không chỉ là nước đi tiên phong trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trên thế giới, mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam-kỷ nguyên độc lập, tự do và tiến lên Chủ nghĩa xã hội (CNXH) ở một nước thuộc địa, nửa phong kiến.

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, qua nghiên cứu cho thấy, trong những ngày tiến hành Cách mạng tháng Tám 1945, đại bộ phận các tầng lớp nhân dân Việt Nam nhiệt tình hưởng ứng, ủng hộ đường lối cách mạng và kiên quyết đi theo Đảng, đánh đổ đế quốc, phong kiến, giải phóng dân tộc. Sức mạnh "dời non, lấp biển" mà Đảng ta có được trong Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 chính là từ sức mạnh của nhân dân và cũng chính điều này đã khiến cho cuộc Tổng khởi nghĩa giành được thắng lợi mau chóng trên cả nước.

"Hoạt động trong vòng bí mật, cán bộ, đảng viên các cấp của Đảng từ Trung ương xuống đến các tỉnh, huyện, xã đều nhận được sự đùm bọc, che chở của nhân dân. Những lúc bình thường, dân nuôi, dân giấu, dân canh gác cho cán bộ cách mạng họp hành, làm việc. Khi quân thù vây ráp, bà con chỉ lối cho cán bộ thoát vòng vây hoặc tìm cách đánh lừa địch. Các gia đình cơ sở cách mạng từ Bắc vào Nam, từ miền núi xuống miền xuôi, nông thôn đến thành thị đều hết lòng nuôi, giấu và bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ lãnh đạo các cấp của Đảng. Quần chúng không chỉ ủng hộ, mà còn trực tiếp tham gia Tổng khởi nghĩa. Nhân dân cả nước nổi dậy, không phân biệt già, trẻ, gái, trai, không phân biệt các tầng lớp nhân dân, tất cả đoàn kết với tinh thần yêu nước" - PGS.TS Lê Quốc Lý nêu dẫn chứng và nhấn mạnh, thành công của Cách mạng tháng Tám là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quyết định là sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ giữa "ý Đảng" với "lòng dân".

Theo PGS.TS Lê Quốc Lý, 76 năm trôi qua, những bài học quý báu của Cách mạng tháng Tám năm 1945 vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Sau 35 năm đổi mới, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã đưa thế và lực của đất nước, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế của đất nước ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, việc phát huy bài học về tinh thần đại đoàn kết để chiến thắng đại dịch càng cần được phát huy.

Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cho rằng bài học về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, sức mạnh của nhân dân làm nên thắng lợi vĩ đại trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 còn mang giá trị thời sự nóng hổi trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Trong bối cảnh khó khăn của dịch bệnh COVID-19 hiện nay, càng cần tinh thần đoàn kết, sức mạnh của nhân dân để đưa chúng ta thắng lợi, vượt qua đại dịch.

Bài học từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945: Sức mạnh nhân dân là cội nguồn của thắng lợi   - Ảnh 2.

TS Nguyễn Viết Chức, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Văn hóa - Xã hội (Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

Theo TS Nguyễn Viết Chức, ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn thái độ ứng xử đúng với dịch bệnh là "chống dịch như chống giặc". Nhờ đó, ta có được tâm thế chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà không chủ quan, lơ là, cả ở hai phía: chính quyền và người dân. Diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang tác động sâu rộng tới đời sống nhân dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đòi hỏi cả hệ thống chính trị và nhân dân cần tập trung mọi nguồn lực, chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

TS Nguyễn Viết Chức nhắc lại lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: "Chúng ta đã cố gắng càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa; toàn dân tộc muôn người như một, đồng lòng cùng Đảng, Chính phủ, các cấp, các ngành tìm mọi cách quyết ngăn chặn, đẩy lùi bằng được, không để dịch lan rộng, bùng phát trong cộng đồng". Theo ông, đây chính là lời hiệu triệu, chạm tới trái tim của từng người, tiếp thêm động lực, ý thức trách nhiệm chung cho toàn Đảng, toàn dân đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

Ông Chức nêu các dẫn chứng, những ngày qua, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái "mình vì mọi người và mọi người vì mình", "thương người như thể thương thân" đã được thắp sáng và lan tỏa trong cộng đồng. Nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ Quỹ vaccine phòng COVID-19. Những tấm lòng, sự đoàn kết, sự sẻ chia của nhân dân, những tấm gương nhân ái, người tốt, việc tốt ở khắp các địa phương.

Người góp tiền, người góp công, người góp nhu yếu phẩm ủng hộ, phát cơm miễn phí…; những đội xung kích tình nguyện "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để nắm bắt tình hình và hỗ trợ kịp thời cho người dân yếu thế. Sự tự nguyện của đội ngũ y, bác sĩ đã nghỉ hưu, của sinh viên các trường Y, các trường Công an nhân dân, Quân đội nhân dân xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trên tuyến đầu và cả ở hậu phương trong chiến dịch phòng, chống COVID-19. Sự đoàn kết của những chiến binh áo trắng các tỉnh thành không quản ngại hiểm nguy, nơi không có dịch tăng cường lực lượng hỗ trợ nơi có dịch để tổ chức xét nghiệm, cách ly, chăm sóc, cứu chữa cho các bệnh nhân… Đó chính là sự đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trong quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.

"Trong cuộc chiến chống dịch COVID-19 bùng phát lần 4 này, diễn biến rất phức tạp, tốc độ lây lan nhanh, số ca nhiễm tăng cao, nhưng sự đồng lòng của nhân dân chắc chắn sẽ là chìa khóa mở cánh cửa lớn để chúng ta thoát ra khỏi đại dịch và trở về cuộc sống bình thường mới"- TS Nguyễn Viết Chức nói./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ