• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bài toán vừa bảo tồn, phát huy di sản chèo, vừa quảng bá được đến các nước trên thế giới

Văn hoá 21/04/2022 09:56

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh sân khấu, đặc biệt là sân khấu nghệ thuật truyền thống đang gặp nhiều khó khăn, các nghệ sĩ đã bày tỏ lo ngại việc sân khấu chèo đang tụt hậu. Một trong những nguyên nhân khiến sân khấu chèo thưa vắng khán giả, theo các nhà chuyên môn là bởi chất lượng nghệ thuật đang có những lỗ hổng giữa truyền thống và hiện đại.

Thiếu tính hấp dẫn khán giả

Trải qua bao thế kỷ, nghệ thuật chèo đã trở thành món ăn tinh thần và là một trong những di sản văn hóa phi vật thể của người dân Việt Nam. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, chèo còn chứa đựng giá trị kinh tế, là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, sân khấu chèo ngày càng thưa vắng khán giả.

Vì sao sân khấu chèo thưa vắng khán giả? - Ảnh 1.

Chèo cần phải quảng bá sản phẩm của mình, thu hút khách du lịch, khách nước ngoài (ảnh minh họa)

Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội, NSND Quốc Trượng cho rằng, việc sân khấu chèo thiếu những vở đề tài hiện đại thành công là bởi những người làm chèo còn bị ràng buộc và luẩn quẩn trong nguyên tắc truyền thống. Ông cho rằng, ngành chèo cần biết chắt lọc tinh hoa chứ không nên quá cứng nhắc, cần thoát ra khỏi vỏ bọc an toàn để đi vào thể hiện đề tài đương đại.

"Cả một khối kim cương đồ sộ nhưng chúng ta chỉ sử dụng một lượng làm thành mũi khoan sắc bén, mở ra con đường "tấn công" vào đề tài hiện đại tươi mới, chứ đừng cứ mãi cố thủ. Nguyên tắc tự sự trong chèo rõ ràng không đủ sức theo kịp và đủ độ để phản ánh những vấn đề thời sự nóng bỏng, gay gắt của xã hội", NSND Quốc Trượng nhận định và cho biết, đơn vị của ông sáng tạo được nhiều vở diễn hay, xuất sắc, đoạt HCV tại các kỳ liên hoan, hội diễn là nhờ vào khuynh hướng phát triển này.

Tuy nhiên, theo TS Trần Đình Ngôn, tác giả có số lượng kịch bản chèo được dàn dựng nhiều nhất, lại chưa đồng tình việc cách tân chèo. Ông Trần Đình Ngôn bày tỏ: Tôi đã kìm nén rất lâu không muốn nói, nhưng nếu không nói thì cái cảnh "gieo vừng ra ngô" sẽ tiếp tục tái diễn trên sân khấu chèo. Khi xem một số vở gần đây tôi đánh giá đó chỉ là những vở diễn xây dựng theo khuynh hướng kịch hát mới, kịch pha ca. Nhà hát Chèo Quân đội có đối tượng khán giả riêng và họ có quyền dàn dựng theo tiêu chí của họ. Là người gắn bó cả đời với chèo, tôi khẳng định, nhiều vở diễn đang đi ngược lại những đặc trưng của nghệ thuật chèo truyền thống. Khán giả có thể vẫn xem, nhưng họ khen vở diễn tới đâu và những người làm chèo đích thực có tâm phục hay không lại là chuyện khác.

Đạo diễn, NSƯT Đoàn Vinh chia sẻ, ông xót xa khi tới một nhà hát chèo ở địa phương kia, nhưng họ lại diễn một vở cải lương. Chủ trương sáp nhập các đơn vị nghệ thuật vào một trung tâm văn hóa nghệ thuật theo hướng tinh gọn là đúng, nhưng cách làm và quan điểm của mỗi địa phương mỗi khác, đã dẫn tới tình trạng nghệ thuật truyền thống, đặc biệt là chèo đã bị mất đi thế mạnh và bản sắc của mình. Nhìn vào việc áp dụng công nghệ lên sân khấu chèo, đạo diễn Đoàn Vinh cho rằng, nhiều vở diễn của sân khấu chèo gần đây, việc xử lý khói cũng rất tùy tiện, đơn vị nào có kinh tế thì dùng hiệu ứng khói lạnh, đơn vị nào không có thì phun khói mù mịt khắp sân khấu, lấn át hết cả diễn xuất của diễn viên. Sự lạm dụng những yếu tố kỹ thuật hiện đại đã làm mất đi những nét đẹp, tinh khôi, mộc mạc của nghệ thuật chèo.

NSND Thúy Ngần cũng vô cùng tâm trạng khi về tập cho diễn viên ở một trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh, bà chứng kiến cảnh trò của mình đau khổ khi bị thầy mắng vì quên đi những động tác múa chèo; và cũng chính diễn viên này khi sang làm chương trình ca múa nhạc thì lại bị mắng là động tác múa "quá chèo"…

Còn NSND Thanh Ngoan- Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam thì chia sẻ: "Tôi hát chèo mà có khán giả nói: Chị Ngoan ơi, chị hát hay nhỉ. Em nghe chị hát chèo như chầu văn, như hát xẩm. Khán giả khen tôi hát hay mà không biết họ đang nghe loại hình nghệ thuật nào… Rõ ràng, việc nhầm lẫn này cho thấy cần phải có phương án để phổ cập về nghệ thuật chèo cũng như các loại hình nghệ thuật dân tộc cho khán giả hôm nay".

Quảng bá, nâng cao chất lượng nghệ thuật chèo

Để thu hút và giữ chân khán giả rất cần những tác phẩm chất lượng, bám sát vào thực tế đời sống hiện nay. Đồng thời cần có sự sáng tạo mới mẻ nhưng không mất đi bản sắc. Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ, tìm kiếm và đào tạo những gương mặt mới thông qua các cuộc thi để tiếp tục cống hiến cho bộ môn chèo cũng cần được chú trọng.

Vì sao sân khấu chèo thưa vắng khán giả? - Ảnh 2.

Để bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, cần chú trọng công tác bảo tồn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... (ảnh minh họa)

Theo NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chèo cần phải quảng bá sản phẩm của mình, thu hút khách du lịch, khách nước ngoài. Tiến hành kết nối với các nhà hát, các đơn vị truyền thông, du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu, tổ chức biểu diễn các vở diễn chèo truyền thống, vừa bảo tồn và phát huy di sản chèo, vừa quảng bá được sản phẩm ra các nước trên thế giới.

Tại các di tích, danh lam thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng, nên có lịch biểu diễn cụ thể và kết hợp với các công ty lữ hành trong và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá phát trực tiếp, gián tiếp trên các nền tảng, trang website mạng xã hội... để phục vụ khán giả.

TS Nguyễn Thanh Vân (Viện Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội) bày tỏ, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, cần chú trọng công tác bảo tồn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ để phát huy tính độc lập của nghệ thuật, hoạt động với mô hình vừa bảo tồn vừa cách tân.

Sự đổi mới, cách tân của chèo phải dựa trên mối quan hệ thống nhất hài hòa giữa nhà quản lý, nghệ sĩ và khán giả. Mối quan hệ này càng gắn bó, khăng khít bao nhiêu thì càng thúc đẩy nghệ thuật chèo phát triển bấy nhiêu. Sự tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật chèo ra thế giới cũng phải đặt trong bối cảnh gắn với hệ giá trị văn hoá, chấn hưng, phát triển văn hóa, dân tộc Việt Nam./.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ