(Tổ Quốc) -Hai phiên tòa khác nhau liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương và Nguyễn Khắc Thủy đều khiến dư luận dành sự quan tâm. Nhưng một bên dư luận mong “nhẹ tội ” hơn trước những cáo buộc mà bị cáo có thể phải nhận, một bên thì dư luận đòi xử “nặng hơn” so với phán quyết của tòa án.
Vụ án xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương liên quan đến 9 người tử vong vì chạy thận, thay vì tuyên án sơ thẩm như dự kiến trước đó, đã bất ngờ bị HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung vì vụ án có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng trong quá trình điều tra, truy tố; các chứng cứ buộc tội đối với bị cáo Hoàng Công Lương còn chưa được thu thập đầy đủ; có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm; có nhiều tình tiết, tài liệu mới xuất hiện chưa được kiểm chứng.
Cần phải thấy rằng, đây là một vụ án nghiêm trọng, liên quan đến 9 mạng người và được dư luận đặc biệt quan tâm, theo dõi diễn biến kể từ khi vụ việc xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Khi phiên tòa xác định một số bị cáo liên quan, trong đó “trọng tâm” là bác sĩ Hoàng Công Lương, lẽ ra theo thông thường thì dư luận cũng như người nhà nạn nhân sẽ mong muốn tòa xử thích đáng để làm gương và phần nào vơi đi nỗi đau mất mát của gia đình nạn nhân… Vậy nhưng những diễn biến từ thực tế trong thời gian qua lại cho thấy dư luận “đi ngược” với lẽ thông thường đó. Không chỉ vậy, ngay cả gia đình nạn nhân, người không hề quen biết, thân thích với bác sĩ Lương, người ít nhiều có tiếng nói trong xã hội cũng đều có những lý lẽ bênh vực, bào chữa hay đứng về phía bác sĩ Lương. Đây là một điều lạ.
Ảnh minh họa/Ngọc Diệp -dantri.com.vn |
Và “điều lạ” này không phải bây giờ mới có mà đã từng xuất hiện trong vụ án Nguyễn Khắc Thủy dâm ô với trẻ em tại Vũng Tàu. Trước đó, trong phiên tòa phúc thẩm xử bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã được tòa tuyên án 18 tháng tù cho hưởng án treo, khác với mức án tại phiên sơ thẩm với 3 năm tù giam. Với một người tuổi đã cao từ mức án tù giam xuống tù treo lại không khiến dư luận đồng tình mà ngược lại vô cùng phẫn nộ vì cho rằng bản án không đủ nghiêm minh, răn đe. TAND cấp cao tại TP.HCM đã ký quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy bản án phúc thẩm để xét xử lại theo đúng quy định pháp luật. Cuối cùng, bị cáo Nguyễn Khắc Thủy đã phải nhận bản án 3 năm tù giam giống như án tuyên phiên sơ thẩm.
Rõ ràng, với hai vụ án tính chất khác nhau hoàn toàn, nhưng cùng được dư luận quan tâm. Một vụ án thì dư luận mong “tội nhẹ” hơn trước những cáo buộc mà bị cáo có thể phải nhận, một vụ án thì dư luận đòi xử “nặng hơn” so với phán quyết của tòa án.
Vụ án liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Lương phán quyết cuối cùng để xác định bác sĩ Lương có tội hay không, hoặc nếu có tội thì tội đến đâu, trách nhiệm đến đâu vẫn phụ thuộc vào tòa án. Nhưng rõ ràng việc trả lại hồ sơ vụ án để điều tra bổ sung là một động thái cẩn trọng, cần thiết của tòa án nhằm đảm bảo đúng người, đúng tội và đúng pháp luật, không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm… nhất là trước sự phản ứng đầy trái chiều từ dư luận.
Việc hai phiên tòa nhận được sự quan tâm của dư luận, một phiên đã “xử lại”, một phiên trả hồ sơ vụ án đã ít nhiều khiến cho người dân có thêm lòng tin vào cán cân công lý. Những người cầm cân nảy mực đã không bảo thủ, biết lắng nghe tiếng nói của dư luận để tự nhìn lại vụ việc.
Sự công bằng và tính nghiêm minh của pháp luật vẫn là những giá trị thượng tôn pháp luật nhằm đảm bảo cho cuộc sống được bình yên, tốt đẹp với niềm tin của mọi người. Nếu ai làm sai thì phải trả giá, phải chịu trách nhiệm, nếu ai không sai thì phải giải oan.
Phán quyết của người cầm cân nảy mực trong một phiên tòa có thể làm thay đổi số phận của một con người và kéo theo cả hệ lụy gia đình của họ. Bởi vậy, người cầm cân nảy mực tại các phiên tòa sẽ rất áp lực trước những đòi hỏi về sự công tâm, công bằng. Tuy nhiên, trong thời buổi ngày hôm nay họ còn chịu những áp lực từ dư luận. Thế nên những người chủ tọa phiên tòa đòi hỏi cần phải có năng lực chuyên môn, luôn tỉnh táo, thận trọng, công tâm, sáng suốt để đem lại lẽ công bằng.
Và áp lực dư luận đôi khi là sự đòi hỏi, là niềm tin để những vụ án được xử đúng người đúng tội.