• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bản ballad buồn của phim Việt kiều

Thời sự 15/06/2009 21:54

Thế là phim “14 ngày phép” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Trọng Khoa đã âm thầm rút lui không kèn không trống ra khỏi hệ thống rạp sau 14 ngày chiếu ̣– đúng như tên phim – thất bại cả về doanh thu lẫn sự chỉ trích của báo giới. Lại thêm một tiếng thở dài nữa. Phim Việt kiều ơi, sao lại thế.

Thế là phim “14 ngày phép” của đạo diễn Việt kiều Nguyễn Trọng Khoa đã âm thầm rút lui không kèn không trống ra khỏi hệ thống rạp sau 14 ngày chiếu ̣– đúng như tên phim – thất bại cả về doanh thu lẫn sự chỉ trích của báo giới. Lại thêm một tiếng thở dài nữa. Phim Việt kiều ơi, sao lại thế.
 
Sao cứ hát mãi điệp khúc ma cô, gái điếm, vũ trường...?

Ít ai giải thích nổi tại sao phim Việt kiều lại cứ thích dùng hình ảnh đen tối ấy để làm cảm hứng. Phải công nhận rằng thế giới của tiếng nhạc xập xình trong ánh đèn mờ về đêm, và những con người tồn tại trong thế giới đó, là một chủ đề gây tò mò và có nhiều chuyện để nói. Nhưng các nhà làm phim Việt kiều thay vì phải đi đến tận cùng với một câu chuyện cụ thể về thế giới ấy, thì họ lại chỉ mượn ma cô, gái điếm, vũ trường như là một công cụ, một cái cớ để dẫn dắt khán giả vào một câu chuyện khác.

Các nhà làm phim có quyền chọn đề tài, nhưng chủ đề này xảy ra liên tiếp trong nhiều phim, khiến người xem phát ngán và tự hỏi: “Ấn tượng của những người con xa quê nhìn về đất nước của mình chỉ có thế thôi ư," "Chẳng có cách nào khác để kể một câu chuyện hay sao, mà cứ phải nhai đi nhai lại mãi một đề tài ấy?”

Đạo diễn Trần Anh Hùng khi về Việt Nam làm phim "Xích lô" cũng cho biết ấn tượng đầu tiên của anh là hình ảnh hằng đêm những cô gái ra vào liên tục nơi khách sạn anh ở. Đó cũng là một phần cảm hứng để anh viết vai nữ chính của bộ phim.

Không có gì chán bằng khi cứ phải ăn mãi một món, nên thật dễ hiểu những phim Việt kiều có khẩu vị khác như “Áo lụa Hà Đông,” “Dòng máu anh hùng,” “Huyền thoại bất tử” dễ được khán giả và giới truyền thông đón nhận. Ở Thái Lan, công nghệ tình dục phát triển mạnh và hợp pháp, nhưng phần lớn những tác phẩm điện ảnh nghiêm túc của nước này cũng không lạm dụng những hình ảnh gái điếm vũ trường để đưa vào phim.

Vốn sống, điều xa xỉ của các nhà làm phim Việt Kiều

Phim Việt kiều bây giờ “thoát cảnh” được khán giả đón chờ kỳ vọng như cách đây 10 năm. Cái “mác” những nhà làm phim được đào tạo ở Mỹ bây giờ chẳng còn làm ai bận tâm, mà thậm chí đó còn là gánh nặng và là cái cớ để khán giả và báo chí soi mói đàm tiếu, mỗi khi phim của họ gây thất vọng cho người xem.

Có rất nhiều Việt kiều trẻ học điện ảnh tại Mỹ - đó là một tín hiệu tốt. Nhưng nếu làm phim ở Mỹ họ sẽ thuận tiện hơn, đằng này họ bắt buộc phải về Việt Nam để thực hiện tác phẩm của mình (ở Mỹ họ sẽ không bao giờ có cơ hội). Tiếng là Việt kiều, có thể giao tiếp bằng tiếng Việt chút chút, nhưng họ thật sự là Mỹ 100% từ văn hóa giáo dục cho đến suy nghĩ lẫn cách hành xử. Do đó cái nhìn của họ về Việt Nam cũng khá xa lạ.

Vốn sống và hiểu biết văn hóa bản xứ - đó chính là hạn chế lớn nhất dẫn đến thất bại hàng loạt của các bộ phim Việt kiều.

Thế nhưng, cũng có những nhà làm phim Việt kiều được người xem đón nhận! Con số đó rất ít, mà đa số những người này rời Việt Nam khi đã trưởng thành, có đủ nhận thức nghe nói đọc viết về văn hóa Việt Nam, trước khi tiếp nhận thêm nền văn hóa của nước khác. Những Trần Anh Hùng, Lưu Huỳnh, Nguyễn Võ Nghiêm Minh ở trong số đó.

Phim của họ làm ra có thể gây tranh cãi, nhưng không bao giờ có những tình tiết ngây ngô, ngớ ngẩn. Người xem chỉ quan tâm đến phim hay hoặc dở, chứ khó thể chấp nhận những bộ phim “dở ông dở thằng” của các Việt kiều trẻ thời gian gần đây!

Để mô tả về một thành phố Sài Gòn nhộn nhịp và sôi động trong phim “Xích lô,” đạo diễn Trần Anh Hùng đã lội bộ gần một năm trời ở Sài Gòn. Với chiếc giỏ đệm rẻ tiền trong có đựng chiếc máy ảnh, anh lăn lóc ở tất cả từ những nơi sang trọng nhất cho đến những xó xỉnh nghèo hèn dơ bẩn tối tăm nhất ghi chép và chụp mấy trăm tấm ảnh làm tư liệu (hồi đó chưa có máy ảnh số). Đến khi viết kịch bản, sợ mình chưa rành tiếng Việt, anh còn mời một nhà văn trẻ tư vấn lời thoại cho anh.

Vài năm sau khi làm “Mùa hè chiều thẳng đứng,” anh đã dành thời gian sống hẳn 1 năm rưỡi ở Hà Nội để cảm nhận được không khí, nhịp điệu và con người ở đây. Khi xem phim này đạo diễn Lưu Trọng Ninh đã nhận xét (đại ý): “Ngay cả những đạo diễn chính gốc Hà Nội cũng không thể làm ra chất Hà Nội như phim này.”

Đạo diễn Lưu Huỳnh khi làm “Áo lụa Hà Đông” cũng phải sục sạo nghiên cứu các tư liệu lịch sử, rồi mời thêm một người hiệu đính lời thoại cho phù hợp với tiếng Bắc... Với các kịch bản khác anh cũng cố gắng tìm tư liệu tới nơi tới chốn rồi mới bắt tay vào làm phim.

Trở lại với phim “14 ngày phép,” đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa tốt nghiệp biên kịch ở trường điện ảnh USC danh tiếng. Anh ấp ủ và viết kịch bản này khoảng 2 năm để ra một kịch bản dày hơn 100 trang. Nhưng khi phim quay xong, người dựng phim chỉ mới ráp nối sơ lại thì lúc này bộ phim có độ dài khoảng 3 giờ! (theo tiêu chuẩn 1 trang 1 phút, thì tương đương với 180 trang kịch bản).

Nghĩa là những gì đã quay, vượt xa số phút trong kịch bản gốc. Ấy vậy mà đạo diễn loay hoay mãi vẫn không dựng được bộ phim như kịch bản ban đầu. Cuối cùng nhà sản xuất phải “bưng” tất cả qua Mỹ để nhờ một đạo diễn Việt kiều - đồng thời cũng là một chuyên gia dựng phim rất giỏi - là Trần Quang Hàm cứu phim (trước đây bộ phim “Ba mùa” của Tony Bùi cũng lâm vào tình cảnh này)!

Có thể nói để bộ phim “14 ngày phép” đến được với khán giả có công rất lớn của Trần Quang Hàm, bởi bản dựng của anh theo đánh giá của những người trong cuộc là rất tốt. Tuy nhiên có cảm giác những tình huống của bộ phim trôi quá nhanh và vội vã, có lẽ theo yêu cầu của nhà sản xuất bộ phim chỉ được phép dài khoảng 90 phút!

Có cảm giác Nguyễn Trọng Khoa không thể kiểm soát nổi bộ phim của mình, từ khâu viết kịch bản, lúc quay, cho đến cả giai đoạn dựng phim hậu kỳ... Ở trên mạng, học trò của anh (Khoa đang giảng dạy điện ảnh tại trường RMIT) tỏ ra ái ngại cho thầy của mình bởi thấy người xem phim chê dữ quá!

Sắp tới đây, sẽ có thêm nhiều Việt kiều về nước làm phim (vì họ không có sự lựa chọn nào khác), mong rằng họ sẽ rút nhiều kinh nghiệm thất bại của những người đi trước. Thực sự hiện nay, phim của Việt kiều đang đánh mất niềm tin nơi khán giả bởi sự ngây ngô, hời hợt, và dễ dãi trong cách nhìn nhận về đề tài đương đại ở Việt Nam. Việt kiều làm được một bộ phim ở Việt Nam không hề dễ dàng, chính vì vậy họ càng phải biết chắt chiu từng cơ hội mà mình có được./

(Đẹp/Vietnam+)

NỔI BẬT TRANG CHỦ