(Tổ Quốc) - Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến định hướng, góp ý dự thảo Chiến lược phát triển Văn hóa Việt Nam đến năm 2030 và Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021 – 2025, ông Vũ Thế Bình Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã đề nghị, cần đánh giá lại tầm quan trọng, vai trò nền tàng của du lịch nội địa.
Đầu tư nghiêm túc, xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vũ Thế Bình, khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, chúng ta mới thấy nhiều vấn đề đã thay đổi cả về nhận thức và hành động.
"Cần phải đánh giá lại tầm quan trọng, vai trò nền tảng của du lịch nội địa. Du lịch nội địa, inbound (khách nước ngoài đến Việt Nam-PV) và outbound (khách Việt Nam đi nước ngoài-PV) là 3 bộ phận cấu thành du lịch. Ở nước nào chúng ta cũng thấy du lịch nội địa quá đơn giản, hầu như không phải quan tâm nhiều lắm vẫn phát triển bình thường nhưng mỗi khi có khủng hoảng, chúng ta lại phải quay lại thị phần du lịch nội địa"- ông Vũ Thế Bình nhận xét.
Chia sẻ lại thông tin từ năm 2009 khi khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu nổ ra, nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thời điểm đó, Việt Nam đã có nhiều chính sách quay trở lại phát triển du lịch nội địa, ông Vũ Thế Bình cho biết, đó là lần đầu tiên, Chính phủ có nhiều chính sách, ưu đãi ủng họ cho phát triển du lịch nội địa. Ví dụ như miễn visa cho tất cả các khách quốc tế đến Việt Nam để kích thích thị trường, miễn giảm thuế VAT, miễn phí tham quan và một loạt các ưu đãi khác.
Chỉ trong 6 tháng, du lịch của Việt Nam đã có khởi sắc trở lại và du lịch nội địa bắt đầu phát triển một cách mạnh mẽ từ năm 2009 tới năm 2016. Từ năm 2016-2019 du lịch quốc tế phát triển quá mạnh, tăng trưởng vượt bậc. Khi Covid-19 xuất hiện, chúng ta lại quay trở về du lịch nội địa và nhiều vấn đề du lịch nội địa được chỉ ra.
Một trong những vấn đề đầu tiên cần quan tâm là câu chuyện sản phẩm du lịch. Ông Vũ Thế Bình cho rằng, có tình trạng doanh nghiệp du lịch không phù hợp, không đủ điều kiện phục vụ khách quốc tế thì quay sang phục vụ khách nội địa. Tức là chưa có một suy nghĩ sâu sắc về du lịch nội địa, không có sự đầu tư cho du lịch nội địa.
"Chúng ta phải đầu tư nghiêm túc để xây dựng sản phẩm phù hợp với sở thích nhu cầu của người Việt Nam. Người Việt Nam thích cái gì, người Việt Nam rất thích mua sắm chẳng hạn thì trong các sản phẩm du lịch phải có những hoạt động đáp ứng nhu cầu mua sắm, hay nhu cầu ẩm thực…Hiện chưa có một tài liệu nào, một chính sách nào có một cách đầy đủ để phát triển du lịch nội địa nên chúng tôi kiến nghị là cần phải đầu tư xây dựng nghiên cứu sâu sắc hơn để phục vụ đối tượng du lịch nội địa"- Ông Vũ Thế Bình nêu quan điểm.
Về nhân lực phục vụ cho du lịch nội địa, vấn đề cũng tương tự như sản phẩm du lịch, ông Vũ Thế Bình cho hay, ai cũng có thể tham gia phục vụ du lịch nội địa nên chất lượng dịch vụ không được đảm bảo, nguyên nhân chưa có đào tạo đầy đủ để bồi dưỡng nghiệp vụ bao gồm thái độ phục vụ, ứng xử như thế nào, phương pháp giới thiệu, hướng dẫn khách cho người Việt Nam ra sao. "Bởi vì chúng ta cứ quan niệm rằng với người Việt thì dễ dãi, ai cũng có thể chăm sóc, phục vụ được. Nhưng thực ra không đúng như vậy, họ cũng là một loại khách mang lại những lợi ích to lớn"- Ông Vũ Thế Bình phân tích.
Ưu tiên ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, đẩy mạnh marketing số
Tính chất mùa vụ của du lịch nội địa hiện nay cũng rất nặng nề. Mỗi dịp lễ hội, ngày nghỉ thì các điểm du lịch nội địa lại tắc nghẽn. Do vậy, cần nghiên cứu về việc giảm tải thời điểm căng thẳng và kích thích vào mùa ít khách vì du lịch nội địa không nhất thiết phụ thuộc vào thời gian.
Ngoài ra, theo ông Vũ Thế Bình, quảng bá du lịch nội địa còn bị xem nhẹ, do vậy cần có những chương trình xúc tiến cho du lịch nội địa một cách bài bản hơn, dùng công cụ hiện đại để quảng bá và đặc biệt phải coi trọng du lịch nội địa như quốc tế thì chắc chắn chúng ta có thể phát triển du lịch nội địa một cách mạnh mẽ hơn nữa. Bởi, thị trường 100 triệu dân luôn có khoảng 8-90 triệu khách nội địa thì chúng ta không thể coi thường thị trường này được.
Trao đổi sâu hơn về công tác xúc tiến, quảng bá du lịch, ông Vũ Thế Bình nêu, trong bối cảnh bình thường mới chúng ta ưu tiên ứng dụng công nghệ trong xúc tiến, đẩy mạnh marketing số, đẩy mạnh mạng xã hội, xây dựng các sàn giao dịch điện tử, có sự phân công phối hợp giữa các cơ quan trung ương và địa phương doanh nghiệp trong triển khai chuyển đổi số, trước tiên là chuyển đổi số trong lĩnh vực xúc tiến, quảng bá sản phẩm.
Đồng thời cần thiết lập hài hòa giữa xúc tiến trực tuyến và xúc tiến trực tiếp. Vì việc giao lưu, trao đổi trực tiếp, mang lại trải nghiệm cho du khách luôn là yếu tố quan trọng trong ngành du lịch.
Trong trạng thái bình thường mới này cũng cần các doanh nghiệp thực hiện kích cầu du lịch theo hướng vừa kết hợp giảm giá, vừa bổ sung dịch vụ mới hấp dẫn.
"Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, chúng ta không thể giảm giá hơn được nữa nên cần tăng thêm dịch vụ. Phát triển du lịch trọn gói với quà tặng đa dạng, kết nối các nhà cung cấp dịch vụ lại với nhau, chia sẻ lợi ích một cách hợp lý để tổ chức các chương trình kích cầu…" – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam chia sẻ./.