(Tổ Quốc) -Những ngày qua, cuộc thi hoa hậu Đại dương 2017 đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận với biết bao ồn ào cộng với sự thất vọng dành cho người đăng quang. Nhưng như vậy liệu đã công bằng?
Thậm chí có ý kiến cho rằng nên giảm bớt các cuộc thi hoa hậu để đỡ loạn danh hiệu, để không còn tình trạng “ra ngõ gặp hoa hậu”.
Nhưng xét về bản chất các cuộc thi nhan sắc không hề xấu. Bởi đó là cơ hội tìm kiếm và tôn vinh phụ nữ “đẹp”: không chỉ đẹp về hình thức bên ngoài mà còn đẹp tâm hồn bên trong, có kiến thức, sự hiểu biết. Vì thế, những cuộc thi hoa hậu không đáng bị lên án. Mỗi gương mặt đoạt giải cao từ cuộc thi đó cũng là những gương mặt sẽ có nhiều hoạt động cộng đồng và đại diện cho phụ nữ Việt tham dự các đấu trường nhan sắc quốc tế.
Tuy nhiên, thành công của cuộc thi đến đâu, được dư luận ghi nhận, thừa nhận đến đâu lại phụ thuộc vào Ban tổ chức với cách thức tổ chức, sự công tâm và “con mắt xanh” của ban giám khảo. Nói cách khác, giá trị của cuộc thi phụ thuộc vào Ban tổ chức. Đây cũng là điều lý giải vì sao có cuộc thi nhan sắc được đánh giá cao, được nâng lên thành tầm quốc gia, được trông đợi nhưng có cuộc thi trong mắt công chúng chỉ là “ao làng”.
Tân Hoa hậu Đại dương 2017. Ảnh:vietnamnet.vn |
Và xin được hỏi, trong những năm qua, tại sao Ban tổ chức một số cuộc thi sắc đẹp lại khiến công chúng nghi ngờ về sự tiêu cực tồn tại trong cuộc thi, nào là thương mại hóa, mua bán giải, thí sinh vi phạm quy chế… đây thực sự chỉ dừng lại là lời “đồn thổi” hay “không có lửa làm sao có khói”?.
Đã bao giờ ban tổ chức các cuộc thi sắc đẹp định ra một tiêu chuẩn – như là thước đo chuẩn mực mà bất kỳ thí sinh nào tham dự phải đạt được mới xứng đáng trở thành hoa hậu chưa?. Đã bao giờ một cuộc thi mà ban giám khảo phải “để trống” giải cao nhất vì chất lượng thí sinh chưa?. Hay chỉ “so bó đũa chọn cột cờ”, có hoa mừng hoa, có nụ mừng nụ, năm nào biết năm đấy, mùa nào biết mùa đấy, đã thi là phải có hoa hậu, đã tổ chức là phải thành công?.
Thử nhìn lại những cuộc thi hoa hậu lâu nay, chuyện thị phi gắn với sắc đẹp là không hiếm. Tình trạng này không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Nhưng Ban tổ chức có phải là người đứng mũi chịu sào cho những thị phi này không, hay phải đợi đến khi có yêu cầu, có đề nghị làm rõ mới thấy vai trò của Ban tổ chức. Tại sao thí sinh đăng quang ngôi vị cao nhất do ban giám khảo lựa chọn, mà mọi chỉ trích của dư luận nhằm vào hoa hậu, Ban tổ chức lại không bảo vệ đến cùng người được giải.
Nếu như thí sinh không mua giải, không vi phạm thì họ hoàn toàn không có lỗi khi đăng quang. Một khi đã tham dự cuộc thi thì tất thảy những người đó đều cố gắng hết mình và đều mong muốn dành được ngôi vị cao nhất. Vậy mà nhiều cuộc thi hoa hậu kết thúc, chúng ta đều không khó để nhận ra những búa rìu dư luận nhằm thẳng vào người đăng quang. Người đăng quang trong hành trình “đơn thương độc mã” phải tự chống trả với dư luận. Và dường như thói quen chỉ trích của công chúng, bình luận và phán xét người khác, nhất là trên mạng xã hội lâu nay dù đã bị lên án nhiều, nhưng hễ có cơ hội lại được dịp bộc lộ, cộng hưởng thành một dàn “hợp xướng” không đẹp mắt, đẹp tai.
Ảnh minh họa/zing.vn |
Đành rằng, đã là cuộc thi hoa hậu thì cái đẹp bề ngoài, nhìn thấy trước mắt rất quan trọng. Chẳng thế mà chúng ta từng cho rằng câu chuyện về những bi kịch sắc đẹp xảy ra từ khi có chiếc gương. Nghĩa là ngay cả bản thân mỗi chúng ta cũng dường như không hoặc chưa thể thỏa mãn với vẻ đẹp của chính mình. Nên để công nhận người khác đẹp hơn, hoàn hảo hơn là điều không dễ. Tuy nhiên, đây chính là một thử thách để những người đẹp tự hoàn thiện mình, tự giữ gìn, chăm sóc vẻ đẹp bên ngoài, vẻ đẹp tâm hồn của bản thân. Nếu không thực hiện được điều đó, có thể ban tổ chức “đem con bỏ chợ”, không tước vương miện của hoa hậu nhưng trong lòng công chúng chiếc vương miện đó đã vô giá trị từ lâu rồi.
Những lùm xùm tại cuộc thi hoa hậu Đại dương vừa rồi đã khiến Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch gửi văn bản yêu cầu phía ban tổ chức làm rõ các vấn đề “nghi vấn” được dư luận, báo chí nêu. Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên cũng khẳng định nếu đơn vị cố tình vi phạm sẽ chấn chỉnh, xử lý nghiêm. Đây là động thái tích cực nhằm bảo vệ mục đích tốt đẹp của những cuộc thi sắc đẹp. Và dường như là lời cảnh báo đến ban tổ chức cuộc thi hoa hậu Đại dương nói chung và những đơn vị tổ chức thi sắc đẹp khác, xác định vai trò vị trí của mình để có tâm, có tầm, có trách nhiệm trước những “phán quyết” từ chính mình.