• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ban Dân tộc Nghệ An lý giải vụ đưa "nhầm" 231 người vào đề án trăm tỷ hỗ trợ dân tộc Ơ Đu

Thời sự 26/06/2020 14:22

(Tổ Quốc) - Mặc dù bản Đửa (xã Lượng Minh, Tương Dương) không có người Ơ Đu sinh sống, tuy nhiên Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An vẫn đưa 231 người ở xã này vào đề án hỗ trợ khiến dư luận xôn xao.

Lý do đưa "nhầm" 231 nhân khẩu vào Đề án hỗ trợ

Ngày 26/6, Ban dân tộc tỉnh Nghệ An đã có báo cáo liên quan đến thông tin xôn xao về việc Ban này trước đó đã đưa "nhầm 45 hộ với 231 nhân khẩu ở bản Đửa (xã Lượng Minh, Tương Dương)" vào Đề án phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu.

Cụ thể, năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An xây dựng Đề án phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu và được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện giai đoạn 2016-2020. Tổng số vốn của Đề án là 120 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương là 108 tỷ đồng, ngân sách địa phương 12 tỷ đồng.

Ban Dân tộc Nghệ An lý giải vụ đưa nhầm 231 người vào đề án trăm tỷ hỗ trợ dân tộc Ơ Đu - Ảnh 1.

Bản Đửa xã Lượng Minh không có người Ơ Đu sinh sống. Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An lý giải việc đưa nhầm 231 nhân khẩu ở bản này vào Đề án vì kế thừa số liệu cũ và số liệu của dân tộc này thiếu logic, liên tục thay đổi trong các lần điều tra dân số.

Đề án được phê duyệt từ năm 2017 nhưng đến cuối 2018 Trung ương mới cấp nguồn vốn triển khai.

Ban Dân tộc tỉnh cho biết, Đề án này được xây dựng trên cơ sở khảo sát thực tế tại huyện Tương Dương từ năm 2010 đến 2015. Tính đến 31/12/2015, toàn tỉnh có 179 hộ, 856 khẩu là người dân tộc Ơ Đu sinh sống tập trung chủ yếu ở huyện Tương Dương.

Năm 2004, chính sách di dời dân ra khỏi lòng hồ thủy điện bản Vẽ nên có 94 hộ, 456 khẩu về sống tại khu tái định cư bản Văng Môn (xã Nga My), còn lại sống xen cư với người dân tốc khác, trong đó xã Lương Minh có 45 hộ, 231 khẩu người Ơ Đu.

"Tuy nhiên số liệu của dân tộc Ơ Đu liên tục thay đổi không logic trong các lần điều tra dân số. Bởi vì do người Ơ Đu sống chung trong cộng đồng của dân tộc Thái và Khơ - Mú, hoặc trong gia đình thì vợ hoặc chồng là người Ơ Đu còn lại là dân tộc Thái hoặc Khơ - Mú.

Vì thế có lúc họ nhận là dân tộc Ơ Đu, nhưng có lúc lại nhận dân tộc khác", trích báo cáo nêu.

Đầu tháng 2/2019, Ban Dân tộc đã lập đoàn khảo sát thực trạng kinh tế xã hội của dân tộc Ơ Đu nhằm đề xuất các hạng mục hỗ trợ sát với thực tế.

Qua khảo sát cho thấy, số liệu dân tộc Ơ Đu (xã Lượng Minh) không còn đúng với Đề án được duyệt. Ban Dân tộc sau đó đã báo cáo, tham mưu UBND tỉnh rút bản Đửa ra khỏi diện của Đề án này.

Ngày 30/9/2019, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành quyết định rút bản Đửa ra khỏi diện đầu tư hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016 - 2025

Lãnh đạo Ban Dân tộc Nghệ An cho biết, đó là lý do vì sao đưa "nhầm" 231 nhân khẩu ở xã Lượng Minh vào Đề án và sau đó đã được Ban này tham mưu tỉnh đưa 231 nhân khẩu này ra khỏi Đề án.

Công an vào cuộc làm rõ

Ban Dân tộc tỉnh cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, tại bản Đửa (xã Lượng Minh chưa được đầu tư, hỗ trợ bất kỳ hạng mục nào từ nguồn vốn của Đề án trên. Trong quá trình xây dựng đề án là nhiệm vụ chuyên môn nên cũng không sử dụng kinh phí nào của dự án.

Ban Dân tộc Nghệ An lý giải vụ đưa nhầm 231 người vào đề án trăm tỷ hỗ trợ dân tộc Ơ Đu - Ảnh 2.

Quyết định của UBND tỉnh Nghệ An đưa Bản Đửa (xã Lượng Minh) ra khỏi Đề án hỗ trợ phát triển KT-XH dân tộc Ơ Đu.

Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thừa nhận có thiếu sót trong quá trình tham mưu, lập và trình UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội dân tộc Ơ Đu giai đoạn 2016-2020 là do kế thừa các số liệu và đề án đã cung cấp trước đó.

"Để dẫn đến những thiếu sót đó, trách nhiệm chính thuộc về phòng tham mưu khi xây dựng Đề án và lãnh đạo Ban Dân tộc giai đoạn 2015 - 2018, ngoài ra không có động cơ, mục đích vụ lợi cá nhân trong việc tham mưu khi lập Đề án.

Các nội dung trên cũng đã được Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An làm rõ", báo cáo nêu rõ

Như trước đó đã đưa tin, Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016 - 2025 được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2016 và quyết định phê duyệt đề án của UBND tỉnh Nghệ An năm 2017 với tổng kinh phí 120 tỷ đồng.

Đề án được thực hiện tại 2 bản Văng Môn (xã Nga My) và bản Đửa (xã Lượng Minh) thuộc huyện Tương Dương do Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện.

Mục tiêu của đề án là xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người Ơ Đu bền vững, tăng cường chăm sóc sức khỏe, cải thiện giống nòi và bảo tồn các nét văn hóa truyền thống; bảo tồn và phát huy tiếng nói, nhà ở, phong tục tập quán của người Ơ Đu.

Đề án được chia làm hai giai đoạn gồm Giai đoạn 1 (2016-2020) kinh phí 61,6 tỷ đồng; Giai đoạn 2 (2021-2025) kinh phí 58,4 tỷ đồng.

Đáng nói, mặc dù tại bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) không có người dân tộc thiểu số Ơ Đu sinh sống, nhưng cơ quan chức năng vẫn lập danh sách đưa 45 hộ với 231 nhân khẩu vào đề án trên khiến dư luận xôn xao.

Ngọc Tú

NỔI BẬT TRANG CHỦ