• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bàn giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ quốc gia về việc làm

Kinh tế 13/11/2020 20:06

(Tổ Quốc) - Ngày 13/11, tại Cao Bằng, Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tổ chức Hội thảo nâng cao hiệu quả hoạt động vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm.

Gần 2.500 tỷ đồng vốn cho vay giải quyết việc làm 

Hội thảo tập trung đánh giá kết quả đạt được, chia sẻ giải pháp khắc phục hạn chế, khó khăn, tiếp tục nâng cao hiệu quả và bảo đảm chất lượng tín dụng hỗ trợ tạo việc làm của Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đồng thời, đánh giá các quy định pháp luật về chính sách tín dụng ưu đãi để đề xuất sửa đổi, bổ sung trong Luật Việc làm năm 2013.

Bàn giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ quốc gia về việc làm - Ảnh 1.

Toàn cảnh Hội thảo - Ảnh: Công Hải

Báo cáo tại Hội thảo cho biết, tính hết tháng 6/2020, tổng nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc là gần 2.500 tỷ đồng (chiếm khoảng 8,7% cả nước). Trong đó, nguồn vốn từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm là hơn 967 tỷ đồng, của Ngân hàng CSXH là hơn 723 tỷ đồng, nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là hơn 791 tỷ đồng. 

9 tháng đầu năm 2020, nguồn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng CSXH tại 14 tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc đã cho vay 11.122 dự án; hỗ trợ, tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho gần 40.000 lao động.

Nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm được khách hàng sử dụng hiệu quả, nợ quá hạn của nguồn vốn là 44 tỷ đồng, bằng 0,15% tổng dư nợ. Trong tổng số vốn cho vay giải quyết việc làm, nguồn vốn của Quỹ quốc gia về việc làm 4.564 tỷ đồng; nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động đạt 11.584 tỷ đồng và nguồn ủy thác của địa phương qua Ngân hàng CSXH là 13.733 tỷ đồng.

Bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm vẫn gặp nhiều thách thức, khó khăn, chủ yếu ở 3 khía cạnh: Hiệu quả tạo việc làm; đối tượng vay là các cơ sở sản xuất, kinh doanh thấp; nguồn vốn chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, người lao động…

 Chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm vẫn còn những hạn chế

Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, Phó Cục trưởng Cục việc làm Nguyễn Thị Quyên chia sẻ, nhằm đẩy mạnh hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động, ngày 11/4/1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị quyết số 120/HĐBT về chủ trương, phương hướng và biện pháp giải quyết việc làm trong các năm tới, trong đó có quy định về việc thành lập Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm (nay là Quỹ quốc gia về việc làm) để cho vay tín dụng ưu đãi đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ, hộ gia đình.

Bàn giải pháp khắc phục hạn chế, nâng cao hiệu quả hoạt động Quỹ quốc gia về việc làm - Ảnh 2.

Ảnh: Công Hải

Qua 28 năm hình thành và phát triển, đến nay, Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng ưu đãi khác đã và đang đóng vai trò quan trọng trong hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động. Đặc biệt, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 61/2015/NĐ-CP (có hiệu lực ngày 8/11/2020) với sáu nội dung sửa đổi lớn về mức vốn, lãi suất vay, thời hạn vay, điều kiện bảo đảm tiền vay, thủ tục cho vay và phân bổ nguồn vốn bổ sung cho quỹ nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho Ngân hàng CSXH tăng cường các nguồn lực huy động, cải cách thủ tục, tạo thuận lợi cho đối tượng vay.

Dù vậy, bên cạnh các kết quả đạt được, chính sách tín dụng ưu đãi tạo việc làm hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn. Do hoạt động cho vay chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp nên hiệu quả tạo việc làm, hiệu quả vốn đầu tư còn thấp. Bên cạnh đó, đối tượng được vay chủ yếu là các gia đình, các cơ sở sản xuất, kinh doanh... tiếp cận được nguồn vốn còn ít.

Bà Hoàng Thị Chương, Phó Trưởng Ban tín dụng học sinh sinh viên và các đối tượng chính sách khác (Ngân hàng CSXH) cho biết, những năm qua, Ngân hàng CSXH đã thực hiện tốt việc cấp tín dụng chính sách cho các đối tượng thụ hưởng ở khắp các vùng miền, thông qua mô hình tổ chức và phương thức chuyển tải vốn tín dụng đặc thù của mình. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% các xã, phường, thị trấn trên toàn quốc. Trong thời gian bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, ngân hàng cũng đã kịp thời triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo ngân hàng các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch, áp dụng chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ.

Bà Hoàng Thị Chương cũng nêu một điểm đáng chú ý rằng, theo quy định tại Luật Việc làm, nơi thực hiện dự án và nơi cư trú của người lao động phải cùng thuộc địa bàn một xã. Nhưng thực tế, có nhiều lao động ở xã này, lại có dự án đầu tư ở xã khác thì không vay được vốn theo chương trình này. Đây là là một nội dung cần thay đổi trong Luật Việc làm 2013.

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đóng góp các ý kiến tham luận, thảo luận, đánh giá hiệu quả, kết quả hoạt động cho vay vốn từ Quỹ quốc gia về việc làm tại địa phương; phân tích những hạn chế, khó khăn gây hạn chế hiệu quả nguồn vốn, nguyên nhân, đề xuất các giải pháp khắc phục hạn chế, tiếp tục nâng cao hiệu quả nguồn vốn.../.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ