Bàn giải pháp phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch Thủ đô hiệu quả, bền vững
(Tổ Quốc) - Ngày 8/9, Sở Du lịch Hà Nội tổ chức tọa đàm "Giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững" với sự tham gia của gần 80 doanh nghiệp lữ hành, lưu trú, điểm đến.
Du lịch còn đối mặt nhiều khó khăn, trở ngại
Phát biểu tại tọa đàm, ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VHTTDL) khẳng định, chưa bao giờ ngành du lịch Việt Nam nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn để du lịch cất cánh như thời điểm hiện tại. Để du lịch có thể tăng tốc, đáp ứng yêu cầu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị đã đề ra.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, biến cố chưa từng có tiền lệ của đại dịch Covid-19 đã ảnh gây ảnh hưởng vô cùng nặng nề với ngành du lịch. Nhưng với sự đồng hành của chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành, địa phương và đặc biệt sự ủng hộ của các doanh nghiệp, du lịch Việt Nam đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch.
Ngay trong giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, Chỉnh phủ đã có rất nhiều chỉ đạo để phục hồi du lịch. Chỉ trong 3 tháng, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì hai hội nghị rất quan trọng là Hội nghị toàn quốc về du lịch và Hội nghị thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, và kết quả của hai hội nghị đó là Nghị quyết 82 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững với 7 nhóm giải pháp quan trọng, bao gồm: Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững; Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam; Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia; Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch; Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch; Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; Đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Các nhóm nhiệm vụ được triển khai thực hiện đúng trọng tâm, trọng điểm với phương châm "Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp - Thủ tục thuận tiện, đơn giản - Giá cả cạnh tranh - Môi trường vệ sinh sạch, đẹp - Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện".
Cùng với đó Bộ VHTTDL đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ với 32 nhiệm vụ để triển khai Nghị quyết số 82 của Chính phủ. Trong đó, có những nhiệm vụ trực tiếp được Chính phủ giao cho Bộ VHTTDL chủ trì thực hiện cũng như những nhiệm vụ sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác.
Theo Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh, nhờ những định hướng từ Nghị quyết số 82, trong năm 2023 du lịch Việt Nam đã có sự khởi sắc. Trong đó, Hà Nội là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước đã có sự phục hồi nhanh và sự tăng trưởng đáng mừng.
Dù vậy, du lịch Việt Nam cũng như du lịch Hà Nội vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vướng mắc, trở ngại. Do đó, để thu hút khách cần sự phối hợp giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp, điểm đến...
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, với chính sách mở cửa trở lại toàn bộ hoạt động du lịch kể từ ngày 15/3/2022 của Chính phủ, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp để phục hồi, phát triển du lịch. Thành phố đã ban hành rất nhiều chương trình, kế hoạch thu hút khách du lịch đến với Thủ đô, đồng thời, tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp từng bước phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19.
Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, tốc độ phát triển kinh tế sau dịch Covid-19 tại Hà Nội nhanh, nhưng phục hồi du lịch chưa thực sự như kỳ vọng. Trong năm 2022, Hà Nội đã nhận rất nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng, tuy vậy cơ hội để tận dụng các giải thưởng này còn nhiều hạn chế. Do đó, Sở Du lịch Hà Nội mong muốn có đóng góp ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp để trên cơ sở đó tham mưu với lãnh đạo thành phố Hà Nội có giải pháp đẩy nhanh phục hồi và phát triển du lịch bền vững.
Cần xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức kinh doanh
Nêu ý kiến thảo luận, ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, ngành du lịch chịu nhiều ảnh hưởng và gặp những khó khăn nhất định.
Để đẩy mạnh phục hồi và phát triển du lịch, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội cho rằng, hiện nay, các doanh nghiệp du lịch cần chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đạo đức trong kinh doanh. Đồng thời nên tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và cố gắng tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách hàng (như du lịch chữa bệnh, du lịch văn hoá...).
Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần xử lý nghiêm với doanh nghiệp lừa dối khách hàng, vì chỉ cần một doanh nghiệp làm sai, sẽ ảnh hưởng tới các doanh nghiệp khác.
Đặc biệt, các doanh nghiệp phải luôn trong trạng thái sẵn sàng phục vụ khách du lịch ngay cả khi điều kiện kinh tế khó khăn, để khi kinh tế phục hồi, hoạt động du lịch phát triển trở lại sẽ không rơi vào thế bị động.
Các doanh nghiệp du lịch cũng cần đẩy mạnh các hoạt động thu hút khách quốc tế vào Việt Nam chứ không chỉ "loanh quanh" phục vụ khách nội địa, bởi lượng chi tiêu của khách quốc tế thường cao gấp nhiều lần khách nội địa.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Mạnh Thản, các cơ quan chức năng, các đơn vị cần tổ chức nhiều sự kiện mới, các hội thảo, tọa đàm và đẩy mạnh truyền thông để thay đổi nhận thức của xã hội về du lịch, giúp cho doanh nghiệp có niềm tin để khi kinh tế phục hồi có thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Thảo luận tại tạo đàm, ông Trương Quốc Hùng, Chủ tịch Câu lạc bộ Lữ hành Unesco Hà Nội đặt vấn đề làm thế nào để không chỉ thu hút mà còn phải duy trì khách hàng?
Nêu tiếng nói của các doanh nghiệp du lịch nhỏ, ông Hùng cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ đang ít có cơ hội xúc tiến, gặp gỡ khách hàng từ các hội nghị, hội thảo, đặc biệt là hội chợ quốc tế. Hiện các sự kiện này chủ yếu có sự tham gia của các doanh nghiệp nhà nước cũng như các doanh nghiệp lớn, trong khi ở nước ngoài, các sự kiện này thường thu hút đầy đủ thành phần. Chủ tịch CLB Unesco Hà Nội đề nghị Sở Du lịch Hà Nội quan tâm để các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ tham gia các sự kiện xúc tiến du lịch, từ đó tiếp cận khách hàng trong nước và cả quốc tế.
Nêu giải pháp không khó, triển khai thế nào mới là quan trọng
Đại diện cho các chuyên gia nghiên cứu, ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam cho rằng, việc nêu ra các giải pháp để phục hồi và phát triển du lịch không khó, nhưng triển khai như thế nào để các giải pháp đó mang lại hiệu quả mới là điều quan trọng, bởi chỉ đề ra mà không triển khai thì không thể giải quyết được vấn đề.
Ông Phùng Quang Thắng cho rằng, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa ngành du lịch với các ngành khác cũng như có sự phối hợp tốt giữa các đơn vị của ngành du lịch với nhau. Bên cạnh đó, cần có sự kết nối, liên thông giữa các điểm du lịch, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để áp dụng các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch.
Tại buổi toạ đàm, nhiều ý kiến của đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, để tăng tốc phục hồi và phát triển du lịch, cần đẩy mạnh truyền thông về chính sách visa mới của Việt Nam vì hiện tại có nhiều nơi chưa biết, chưa tiếp cận được chính sách visa mới của chúng ta.
Cùng với đó, tập trung vào các đối tượng khách tiềm năng, tận dụng chính sách visa để tổ chức các sự kiện lớn nhằm thu hút du khách, nhất là du khách ở các quốc gia trong khu vực.
Các doanh nghiệp du lịch cũng cần đẩy mạng truyền thông, xây dựng sản phẩm phù hợp với từng đối tượng khách hàng cụ thể. Biết rõ nhu cầu, đặc tính của thị trường thì mới có thể đưa ra sản phẩm phù hợp.
Các đại biểu nêu ý kiến thảo luận
Đối với phát triển kinh tế đêm, các đại biểu cho rằng, hoạt động này còn diễn ra tự phát, chưa quy củ, chưa bài bản cần được quy hoạch lại rõ ràng. Cần quy hoạch rõ địa điểm nào, phục vụ gì, đặc biệt quy hoạch lại giao thông, điểm đón xe, chỗ đỗ xe cho du khách. Bên cạnh đó, cần quy định thời gian hoạt động để thực sự thu hút du khách.
Phát biểu bế mạc, bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cảm ơn các ý kiến đóng góp quý giá tại Hội thảo. Theo bà Đặng Hương Giang, hiện Hà Nội đang có cơ hội rất lớn để phát triển du lịch, Thủ đô có tài nguyên du lịch lớn, cần phải có sự liên kết mạnh mẽ ngay trong nội khối du lịch và có sự kết nối với bên ngoài để du lịch có điều kiện phát triển, bứt phá.