• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bản làng Arem Quảng Bình “ở nhà lá, ăn cơm muối với rau rừng” cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đón Tết Kỷ Hợi

Thời sự 22/01/2019 16:04

(Tổ Quốc) - Cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, trong khi nhiều người đang tất bật làm xong những công việc cuối cùng của năm để chuẩn bị cho ngày sum họp đầu năm của gia đình một cách đầy đủ, chu đáo nhất có thể, thì tại Arem – một tộc người bước ra từ rừng sâu muộn màng nhất trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam dường như mùa xuân vẫn còn xa lắm, bởi ngày ngày họ vẫn phải đối mặt với bữa cơm đạm bạc qua ngày bằng măng rừng, con cá hay con cua bắt được.

Người dân mò cua, bắt ốc tìm kiếm đồ ăn qua ngày

Theo lời giới thiệu của nhà nghiên cứu bảo tồn thiên nhiên, văn hóa Nguyễn Duy Lương (Quảng Bình), chúng tôi đã tìm hiểu về những hộ dân thuộc đồng bào dân tộc Arem (xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) - đang sinh sống trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng, nằm sát tuyến đường 20 nối từ đường Trường Sơn sang nước bạn Lào.

Bạn đọc tham gia đóng góp ủng hộ người dân Bản làng Arem - Quảng Bình thông qua Báo điện tử Tổ Quốc trao tặng trực tiếp tới người dân:

Địa chỉ: Số 20, ngõ 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội

Số điện thoại liên hệ: 0913586788 Email: toasoan@toquoc.gov.vn

Trước năm 2004, để đi được vào xã Tân Trạch, từ huyện vào phải mất 7-8 tiếng, nếu có một chiếc xe nào hỏng dọc đường thì toàn bộ giao thông tê liệt tới 2-3 ngày sau mới thông. Nằm ở phía Tây huyện Bố Trạch, Tân Trạch là xã đặc biệt khó khăn với 2 bản là đồng bào dân tộc Arem với 86 hộ và bản còn lại là dân tộc Bru, Vân Kiều với 11 hộ.

Năm 1956, người Arem ở Tân Trạch được bộ đội phát hiện, đây cũng là tộc người được phát hiện muộn nhất ở nước ta. Khi đó, nhiều người không khỏi ngậm ngùi, thương xót cho một tộc người chỉ còn vẻn vẹn 18 người với cuộc sống nguyên thủy nhà là hang, quần áo là cây cỏ, đồ ăn thức uống phần lớn không qua đun nấu. Một cuộc sống mà có lẽ chúng ta luôn nghĩ rằng nó đã thuộc về quá khứ đã từ rất lâu và khó ai có thể tưởng tượng được nó lại tồn tại ở những năm 50 của thế kỷ trước. Người Arem vốn là người ở hang ( cave people), náu thân vào trong rừng già của dải Trường Sơn, di chuyển từ hang này sang hang khác để sinh sống.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Lương, những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ như tách diện tích đồng bào Arem đang ở ra khỏi Vườn Quốc gia, mời bà con ra khỏi hang để định cư ở một bản gần đó. Nhà nước cũng đã xây dựng trường học, nhà văn hóa, cơ sở y tế…Nhờ đó, cuộc sống của người Arem đã có những thay đổi đáng kể.

"Tuy nhiên, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước vẫn chưa thể đủ, đời sống người dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều người phải xuống suối bắt ốc, mò cua để kiếm sống"- Nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Lương cho biết.

Ông Nguyễn Chí Sỹ - Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là cán bộ điều động từ năm 2009 và khi đặt chân tới mảnh đất này, ông đã chọn đây là điểm dừng chân cho tới khi về hưu. Điều gì đã khiến một người không ngại khó ngại khổ ở với bà con dân tộc Arem 10 năm và vẫn tiếp tục bám trụ?. Lý giải về lựa chọn này, ông Sỹ chỉ nói ngắn gọn "đồng bào còn khổ quá, tôi muốn ở lại, giúp được gì cho bà con sẽ cố gắng hết sức". Một câu nói thật giản dị nhưng thấm đẫm ân tình.

Bản làng Arem Quảng Bình “ở nhà lá, ăn cơm muối với rau rừng” cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đón Tết Kỷ Hợi - Ảnh 2.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Arem còn rất nhiều khó khăn.

Cuộc sống của bà con dân tộc Arem cũng như nhiều người dân tộc thiểu số ở nước ta, phần lớn chỉ làm nương rẫy và phụ thuộc vào thiên nhiên. Nếu mưa thuận gió hòa thì sản xuất mùa màng được, cái bụng còn được ấm bởi thành quả lao động của mình. Thế nhưng, với dân tộc Arem còn chịu thêm sự khắc nghiệt khác, ấy là ngay cả khi họ trồng lúa và vụ mùa thành công thì cũng chỉ có thể dùng được tới 3 tháng sau đó. Thời gian còn lại, để chống chọi với cái đói thì nhà nước hỗ trợ.

Bản làng Arem Quảng Bình “ở nhà lá, ăn cơm muối với rau rừng” cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đón Tết Kỷ Hợi - Ảnh 3.

Đa số trẻ em ở bản làng vẫn phải ở nhà lá, sống trong rừng

Cái đói, cái nghèo bám riết

Khi cái đói và cái nghèo còn bám riết nơi đây, nhưng có lẽ vì lo sợ sự diệt vong của tộc người, vì mong muốn duy trì nòi giống và nhiều lý do khác nữa đã khiến người Arem sinh nhiều con. Nhưng trời sinh voi, trời không sinh cỏ nên cái sự đói nghèo vẫn như cái vòng luẩn quẩn khiến họ chưa thoát ra được.

Nếu từ năm 2010 trở về trước, có hộ gia đình đẻ tới 10-11 con thì giờ đây, với sự vận động của chính quyền, gia đình nào sinh nhiều nhất thì tới 4 con. Đây cũng được coi là sự thay đổi đáng kể bởi "Dân tộc Arem có truyền thống là không cấm đẻ con để duy trì giống nòi nhưng giờ đây có thêm yêu cầu là phải đảm bảo đời sống, nuôi được con và cho ăn học. Bà con còn nghèo nàn, lạc hậu lắm" – ông Sỹ chia sẻ.

Bản làng Arem Quảng Bình “ở nhà lá, ăn cơm muối với rau rừng” cần sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng đón Tết Kỷ Hợi - Ảnh 4.

Báo điện tử Tổ Quốc sẽ trao quà từ thiện tới đồng bào Arem vào ngày 27/1 tới.

Nói về bữa cơm hàng ngày của người Arem, ông Sỹ không giấu được vẻ trầm ngâm chia sẻ, người dân ở đây chỉ ăn 2 bữa một ngày vào lúc 8h sáng và 3h chiều. Chủ yếu ăn cơm chấm với muối, hái măng rừng, bắt ốc, bắt cá, tự túc tìm kiếm thực phẩm cho bữa ăn. "Ở đây có cơm ăn là may rồi, còn lại bữa ăn phụ thuộc vào rau rừng nên người dân nhỏ thó, rất tội"- ông Sỹ kể và giọng chùng xuống đầy nỗi niềm.

Không chỉ phần lớn các hộ dân ở đây cuộc sống còn quá khó khăn mà còn có những hoàn cảnh bệnh tật đáng thương. Ông Sỹ kể về gia đình ông Đinh Chăm, dù đã ở tuổi gần 60 nhưng hàng ngày vẫn phải vào rừng làm nương rẫy, kiếm đồ ăn cho 2 người con đều bị bệnh máu trắng. Điều đáng tiếc là tới thời điểm này, xã chưa thể làm một loại giấy tờ gì để gia đình nhận hỗ trợ vì thiếu bệnh án.

"Nói về mong muốn thì tôi muốn nhiều lắm, giờ vẫn còn 42 căn nhà hư hỏng mà chưa thể có tiền giúp người dân có nơi ra vào tử tế. Hiện giờ, mọi sự vẫn mong chờ vào sự chung tay của các mạnh thường quân, các doanh nghiệp, nhà nước để giúp người dân bớt khổ" – ông Sỹ tâm sự.

Hưởng ứng chương trình Tết vì người nghèo năm 2019 cũng như chia sẻ những khó khăn của người dân tộc Arem, Báo điện tử Tổ Quốc sẽ trao hơn 100 suất quà (gồm tiền mặt và vật phẩm) tới đồng bào dân tộc Arem, Bru tại xã Tân Trạch. Những người thực hiện chương trình chỉ với mong mỏi duy nhất: đó là góp phần mang lại một cái Tết ấm áp hơn cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng xa xôi, biên giới còn gặp nhiều khó khăn của Tổ quốc để mùa xuân được đến gần hơn, có ý nghĩa hơn với người Arem.

Cùng với sự chung tay của toàn xã hội, mong rằng mỗi bước chân của người Arem, người Bru sẽ nhẹ nhàng hơn, cuộc sống ấm no hơn và lòng người bừng sáng hơn chờ đón mỗi mùa xuân về./.

Thái Linh, ảnh: Duy Lương và cộng sự

NỔI BẬT TRANG CHỦ