• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách - Bài 2: Thành trì vững chắc của lòng người, của niềm tin

Văn hoá 06/08/2021 11:09

(Tổ Quốc) - Đại dịch Covid -19 được ví như một cuộc chiến đầy cam go, chưa từng xảy ra trong lịch sử nhân loại. Hà Nội cũng như nhiều địa phương trên cả nước khó tránh khỏi ảnh hưởng của đại dịch với những khó khăn, thách thức phải đối mặt. Và không có cách nào khác người Hà Nội bằng ứng xử, bản lĩnh của mình phải bước vào cuộc chiến mới.

Một Hà Nội bình yên bên ngoài

Tháng 7 năm 2021 là lần thứ 2 Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid -19. Cả Hà Nội lại thực hiện một nếp sống mới mà ở đó có những phẩm chất văn minh, thanh lịch từ ngàn xưa vẫn được kế thừa phát huy, lại có những phẩm chất phải thích nghi, phải tự điều chỉnh bản thân cho phù hợp.

Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang ngay từ những ngày đầu chống dịch, do đó việc đeo khẩu trang đã trở thành nếp đối với người Hà Nội. Nếu như trước kia việc đeo khẩu trang là cách bảo vệ khói, bụi, nắng… thông thường thì vẫn còn nhiều người bằng cách 'che chắn" khác không nhất thiết phải dùng đến khẩu trang. Nhưng khi dịch Covid – 19 xuất hiện và bùng phát thì khẩu trang là thứ bắt buộc đối với mỗi người mỗi khi ra đường. Dù những chiếc khẩu trang đơn điệu có thể biến tất cả chúng ta mang vẻ đẹp "đồng dạng", hay na ná nhau, khó nhận biết được ai với ai, khó khoe được khuôn mặt xinh như hoa trên phố nhưng người Hà Nội đã đeo khẩu trang như phản xạ tự nhiên. Bởi họ hiểu rằng chiếc khẩu trang nhỏ bé kia không những bảo vệ được sức khỏe còn phòng, chống dịch bệnh Covid – 19 cho chính mình và cộng đồng một cách hữu hiệu nhất, dễ làm nhất, đơn giản nhất và rẻ nhất.

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách - Bài 2: Thành trì vững chắc của lòng người, của niềm tin  - Ảnh 1.

Đeo khẩu trang phòng chống dịch bệnh Covid -19 là một nét đẹp

Những ngày Hà Nội thực hiện giãn cách điều ai cũng dễ nhận thấy là đường phố vắng hơn thường ngày rất nhiều. Công viên vắng bóng người vui chơi, tập thể dục. Học sinh không đến trường. Các hoạt động vui chơi giải trí, lễ hội, tham quan, du lịch cũng tạm dừng. Các công sở cũng ứng dụng công nghệ, hạn chế người đến cơ quan, giãn cách 2m trong đi chợ… Mọi người đã thực hiện nghiêm túc chỉ thị của thành phố, chỉ những người có việc thực sự cần thiết, có "giấy đi đường" mới được đi lại. Nhiều khẩu hiệu như "Hãy ở nhà khi không cần thiết". "Ở nhà là yêu nước"… đã trở thành lời nhắc nhở thường trực trong mỗi người.

Với người Hà Nội hay những ai đã từng đặt chân đến Hà Nội, dường như mỗi con đường, góc phố trở thành người bạn hay nỗi nhớ. Mỗi góc phố, con đường đều có đặc điểm riêng của từng hàng cây, ngôi nhà. Và có khi chỉ cần được ngắm nhìn sự thay đổi mỗi mùa, được đi trên mỗi con đường rợp bóng cây của Hà Nội cũng trở thành nguồn cảm hứng bất tận của giới văn nghệ sĩ, hoặc vơi đi những tâm sự, muộn phiền. Nhưng vì "giặc Covid -19" luôn bủa vây, gieo rắc bệnh ở những nơi đông đúc nên người Hà Nội đã gác lại sở thích nhất thời, cảm xúc cá nhân để hạn chế ra đường. Các tuyến phố vắng vẻ, không còn cảnh tắc đường với tiếng còi xe và mùi khói xăng làm Hà Nội bớt đi ồn ào, chen chúc và nhịp sống vội vã. Dường như người Hà Nội tự làm nhẹ lòng mình bằng cách coi đó như một lời "khất nợ", một "lời hẹn" với "những con đường thân quen còn đó, tiếng rao vang đâu đây nghe động trời đêm".

Những con đường vắng vẻ của Hà Nội ngày giãn cách

Nhiều hàng quán không thiết yếu tạm thời đóng cửa. Ngay cả chợ cũng giãn cách người vào mua bằng cách áp dụng "phiếu đi chợ" để phòng chống dịch bệnh. Thăng Long xưa đã có tên gọi là "Kẻ chợ với hàm ý nghĩa đen là nơi quanh năm chợ búa buôn bán. Bởi thế nhiều con phố của Hà Nội từ xưa đều bắt đầu bằng chữ "Hàng" và còn lưu dấu đến tận ngày nay. Ẩm thực của Hà Nội không chỉ đơn thuần là "ăn uống" mà được nâng tầm ở mức cao, trở thành văn hóa ẩm thực với nhiều dấu ấn. Khi dịch bệnh phức tạp, nhiều hàng quán phải đóng cửa, không những ảnh hưởng đến thu nhập, miếng cơm manh áo của bao người mà còn là "nỗi nhớ" một hương vị thân thuộc. Thế nhưng gác lại tất cả, người Hà Nội đã tạm khép lại cánh cửa hàng quán để phòng, chống dịch bệnh. Sự tuân thủ cho thấy ý thức, trách nhiệm hiện diện ở từng cá nhân để tạo thành khối đoàn kết thống nhất trong cuộc chiến chống dịch.

Và những âm thầm bên trong

Nếu nhìn thoạt qua nếp sống mới của Thủ đô trong những ngày giãn cách thì điều dễ nhận ra là sự yên lặng hơn, chậm hơn… Nhưng đó chỉ là một phần của Hà Nội. Còn một phần nữa chúng ta lại thấy Hà Nội có những vận động bên trong đầy gấp gáp, quyết liệt để thực hiện mục tiêu kép, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách - Bài 2: Thành trì vững chắc của lòng người, của niềm tin  - Ảnh 3.

Những chốt kiểm dịch xuyên đêm để giữ cho Hà Nội được an toàn

Đó là nhiều công sở vẫn duy trì công việc thường ngày bằng cách chia ca, làm việc online. Hay những cuộc họp, buổi làm việc qua ứng dụng công nghệ thông tin. Vì thế vẫn nhiều công sở duy trì, ổn định được công việc, không đứt quãng trong những ngày giãn cách. Sự thay đổi này thêm một lần nữa chứng minh trong mọi hoàn cảnh khó khăn nào người Hà Nội cũng thích nghi để phù hợp với yêu cầu thực tiễn, không biến mình trở thành lạc lõng.

Còn với đội ngũ lao động trực tiếp, tạo ra sản phẩm trong các xí nghiệp, nhà máy cũng được chia ca để giãn cách người lao động trong một kíp làm. Thay vì làm hành chính như thông thường, các nhà máy, cơ sở sản xuất, công ty được phép hoạt động đã chủ động chia thành 2, 3 mỗi ngày. Mỗi người công nhân chịu thiệt một chút về mình, chấp nhận đi sớm về khuya theo các ca trực để vừa chống dịch bệnh, vừa đảm bảo các đơn hàng kịp tiến độ, đúng thời gian, phục vụ nhu cầu của cuộc sống.

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách - Bài 2: Thành trì vững chắc của lòng người, của niềm tin  - Ảnh 4.

Hàng trăm thiết bị y tế hiện đại được vận chuyển từ Hà Nội vào TPHCM để chống dịch

Và còn hàng nghìn người trong tuyến đầu chống dịch vẫn căng mình, thậm chí gấp đôi gấp ba ngày thường để khoanh vùng, dập dịch, đảm bảo cuộc sống bình yên, an toàn nhất có thể cho người dân. Bất cứ ở đâu có thông tin về các bệnh thì họ sẵn sàng lên đường để khoanh vùng, truy vết, sàng lọc, đánh giá mức độ và nguy cơ bệnh dịch để có phương pháp ứng phó . Hình ảnh của họ không khác gì những người lính năm xưa xung phong ra trận, đối mặt với hiểm nguy mà không màng đến bản thân. Đã có những y bác sĩ chống dịch bị nhiễm bệnh ngược trở lại. Đã có những chiến sĩ áo trắng phải gác lại nỗi nhớ gia đình thân thương bởi cách ly liên tiếp cách ly cho những chuyến đi vào tâm dịch điều trị bệnh nhân. Đó là lực lượng chức năng không quản ngày đêm, nắng mưa vẫn vẫn túc trực tại các điểm chốt để bảo đảm an ninh, đôn đốc, nhắc nhở, hạn chế người dân ra đường, kiểm soát những người dân còn thiếu ý thức… Nhìn họ trong những bộ đồng phục đẫm mồ hôi với khẩu trang kín mít nhưng vẫn thật đẹp, vẫn là tấm gương để người Hà Nội không chỉ biết ơn mà còn tự thấy mỗi cá nhân cũng cần có trách nhiệm hơn nữa trong cuộc chiến này.

Trong những năm tháng dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại các tỉnh thành, dù vẫn vừa phải chống dịch vừa thực hiện mục tiêu kép, Hà Nội chưa bao giờ ngừng chi viện, giúp đỡ sức người, sức của cho các tỉnh thành khác. Cùng với những tiềm lực về khoa học, tri thức, đặc biệt là kinh nghiệm chống dịch của mình, Hà Nội giúp đỡ Vĩnh Phúc, Hải Dương, Bắc Giang, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh qua 4 làn sóng dịch bệnh vừa qua. Bên cạnh đó còn là biết bao nhiêu cá nhân, tổ chức từ thiện của Hà Nội tiếp bước truyền thống nhân ái từ ngàn xưa, không quản ngại chở những chuyến xe ủng hộ tâm dịch, giúp đỡ người nghèo, người dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Là những sự đáp lại trước biết bao lời kêu gọi như ủng hộ quỹ vắc xin, tiêu thụ nông sản, hiến máu cứu người… Là hàng trăm y bác sĩ các bệnh viện phải chia nhau người ở lại chống dịch cho Hà Nội, người chi viện cho các tỉnh phía Nam đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn. Họ làm việc tốt như là một sự thôi thúc, mách bảo, chỉ cần bất cứ nơi nào gặp khó khăn là người Hà Nội sẵn sàng giúp đỡ. Người Hà Nội đã thể hiện tình cảm của trái tim Thủ đô và tình đoàn kết tới mọi miền Tổ quốc. Chính những tình cảm ấy, thái độ ấy sẽ giúp "nối tròn một vòng Việt Nam" để từng bước, từng bước chúng ta chiến đấu, chiến thắng với mọi thử thách cam go.

Bản lĩnh văn hóa giúp Hà Nội vượt qua mọi thử thách - Bài 2: Thành trì vững chắc của lòng người, của niềm tin  - Ảnh 5.

Các y bác sĩ Hà Nội lên đường hỗ trợ miền Nam chống dịch

Mặc dù trong những ngày giãn cách vẫn còn một số hình ảnh chưa đẹp của sự thiếu ý thức từ người dân. Nhưng đó là số ít và sự lên án, phê phán của dư luận cũng như việc áp dụng các mức phạt đã khiến nhiều người chính đốn, tự thấy xấu hổ và tự điều chỉnh bản thân. Bởi mỗi người có ý thức, đồng lòng, chung tay thì sẽ kết lại thành sức mạnh, mọi khó khăn thử thách của Hà Nội sẽ vượt qua như lịch sử đã chứng minh.

Chính quyền dốc sức vì nhân dân chống dịch, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng đúng thời điểm, hợp tình hợp lí, kiên quyết không khoan nhượng với những hành vi đi ngược lợi ích cộng đồng. Nhân dân cũng tin tưởng tuyệt đối vào chính quyền, chấp hành nghiêm chỉnh mọi quy định, chỉ thị mà Thành phố đưa ra. Người Hà Nội xác định mỗi người dân phải là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chung tay chống dịch. Sự đồng thuận từ trên xuống dưới, lãnh đạo nêu gương, nhân dân tuân thủ, đó chính là văn hóa ứng xử văn minh, vừa quyết liệt vừa có tình người trong mùa dịch này. Đó cũng chính là điều kiện tiên quyết để Hà Nội vẫn là thành trì vững chắc của lòng người, của niềm tin về sự chiến thắng dịch bệnh và của nhân văn trong những năm tháng khó khăn này.

Bài- Đồng Văn, ảnh - Nam Nguyễn

NỔI BẬT TRANG CHỦ