(Tổ Quốc) - Hội thảo Bản quyền Âm nhạc VCPMC 2023 do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) phối hợp với Công ty Meta tổ chức ngày 14/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều nội dung hấp dẫn. Tham dự Hội thảo có ông Trần Hoàng Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VHTTDL, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn Tổng Giám đốc VCPMC cùng đại diện VCPMC, CISAC, META, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Âm nhạc TP.HCM và đông đảo nhạc sĩ, tác giả, ca sĩ…
- 09.11.2023 FPT Play sở hữu độc quyền bản quyền trình chiếu chung kết Miss Universe 2023 tại Việt Nam
- 26.10.2023 Thực thi bản quyền trên không gian mạng: Thúc đẩy sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hoá
- 15.09.2023 Ngăn chặn vi phạm bản quyền sách trên không gian mạng
- 22.07.2023 Bản tin truyền hình số 287: Gỡ “nút thắt” bản quyền trong chuyển đổi số ngành thư viện
- 12.07.2023 Hành vi gian dối trong đăng ký bản quyền sẽ bị phạt nặng
Hội thảo Bản quyền âm nhạc VCPMC 2023 nhằm chia sẻ thông tin liên quan đến chủ đề bản quyền âm nhạc, đồng thời tạo cơ hội trao đổi thông tin về sự phát triển của lĩnh vực âm nhạc trên các nền tảng mạng xã hội và lan tỏa những câu chuyện thành công của các nghệ sĩ, nhạc sĩ đến các thành viên, đối tác, VCPMC và Liên minh quốc tế các Tổ chức bảo vệ quyền tác giả và nhà soạn nhạc CISAC… Qua đó, tối ưu hóa hiệu quả khai thác bản quyền và nội dung âm nhạc, góp phần thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đem lại lợi ích kinh tế cho các bên liên quan.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn nhấn mạnh, trong xu hướng phát triển công nghệ số hiện nay, âm nhạc giữ vai trò quan trọng trong đời sống xã hội của mỗi quốc gia. Nó phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ trong môi trường số và không gian kỹ thuật số, quy mô trên toàn cầu. Điều này có tác động lan tỏa đến sự phát triển của ngành công nghiệp âm nhạc.
Đồng thời, sự ra đời hoạt động của nhiều nền tảng, ứng dụng mạng xã hội, trong đó có mạng Facebook, đã thực sự mang tới một sự cộng hưởng không thể thiếu để âm nhạc được lan tỏa rộng hơn, thúc đẩy sự sáng tạo dồi dào hơn, quyền thụ hưởng của công chúng cũng đạt được những hiệu quả hơn bao giờ hết do ưu thế tương tác và kết nối của mạng xã hội.
Ngoài việc hưởng thụ lợi ích xứng đáng của người sáng tạo, nhạc sĩ, nghệ sĩ sẽ thế nào trong tất cả mối quan hệ cộng hưởng và kết nối này? Cái gì đã mang lại thành công cho nghệ sĩ và đâu là nguồn cơn cho cảm hứng?... Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định, các đại biểu sẽ có được câu trả lời tại Hội thảo.
Tham dự và phát biểu tại Hội thảo, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả Trần Hoàng cho biết, Việt Nam có một hành lang pháp lý về bản quyền ngày càng được quan tâm và hoàn thiện. Năm 2022, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, quyền liên quan, Nghị định 17/2023/NĐ-CP ngày 26/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan; Bộ trưởng Bộ VHTTDL cũng đã ban hành Thông tư 08 quy định mẫu trong hoạt động đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan.
Ông Trần Hoàng cũng cho hay, về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan, Việt Nam đã ký kết 3 Hiệp định song phương, tham gia 8 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan.
Việt Nam cũng đã đạt được một số kết quả nhất định trong việc thực thi quyền tác giả, quyền liên quan như, thành lập các tổ chức đại diện mà một trong các CMO chính là VCPMC, đơn vị đầu tiên trong 6 đơn vị/tổ chức được thành lập tại Việt Nam. Với vai trò của mình, VCPMC đã từng bước vững chắc, khẳng định vị trí của mình tại Việt Nam và quốc tế qua số lượng ấn tượng về thành viên và doanh thu cấp phép phân chia bản quyền thu được cho các nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền tác giả âm nhạc theo quy định.
Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả bày tỏ, Hội thảo tập trung vào nội dung rất nóng và bổ ích là khai thác âm nhạc trên môi trường số- một chủ đề rất được quan tâm hiện nay, mà VCPMC với vai trò là người đứng ra bảo vệ bản quyền cho các nhạc sĩ, tác giả. Những nội dung chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia tới từ các cơ quan, tổ chức quốc tế… sẽ góp phần tích cực bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhạc sĩ, tác giả được hiệu quả. Đây là một trong những bước đi rất quan trọng để hài hòa trong việc bảo vệ, khai thác và là yếu tố thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng được các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm trong việc bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan trong quá trình sáng tác, phổ biến, sử dụng và khai thác tác phẩm. Chuyên viên pháp chế của VCPMC Mai Thanh Huy chia sẻ kinh nghiệm từ quá trình hỗ trợ tư vấn pháp lý cho các thành viên, nội dung xoay quanh các thỏa thuận về việc bán đứt và chuyển giao quyền tác giả để từ đó, nhận diện rõ hơn các hình thức chuyển giao quyền tác giả có thể ảnh hưởng như thế nào tới quyền và lợi ích của nhạc sĩ, chủ sở hữu quyền.
Các đại biểu cũng được nghe Giám đốc CISAC châu Á - Thái Bình Dương Benjamin chia sẻ về hoạt động bán đứt tác phẩm trên phạm vi quốc tế, từ góc nhìn của CISAC - Liên minh quốc tế các tổ chức bảo vệ quyền tác giả và nhà soạn nhạc. Với bài trình bày này, đại biểu phần nào nắm được hoạt động chuyển giao quyền khi diễn ra trên phạm vi rộng khắp toàn thế giới và những bài học được rút ra từ thực tế hoạt động này.
Cũng tại Hội thảo, Quản lý đối tác chiến lược - Công ty Meta Nguyễn Thị Ngọc Mai đã chia sẻ với mọi người về âm nhạc trên nền tảng mạng xã hội, cụ thể là trên các nền tảng của Meta. Đại diện Meta chia sẻ cách các nhạc sĩ có thể xây dựng trang cá nhân, xây dựng hình ảnh với người hâm mộ để nhằm tối đa hóa nguồn thu với bài trình bày "Âm nhạc trên nền tảng Facebook, Reels dành cho nhạc sĩ" với các thông tin về cách tối đa hóa doanh thu từ nền tảng mạng xã hội cho nhạc sĩ, tối đa hóa trang cá nhân, xây dựng hình ảnh với người hâm mộ.
Hội thảo cũng được lắng nghe về thế giới âm nhạc trên không gian kỹ thuật số, khi tất cả mọi người ngày nay đều có thể tham gia vào hoạt động âm nhạc trên không gian mạng, bao gồm việc sáng tạo, trình diễn, công bố và thưởng thức âm nhạc. Âm nhạc đã phát triển ra sao trong môi trường kỹ thuật số? Câu hỏi đã được giải đáp bởi các diễn giả Benjamin Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của CISAC, Hoàng Văn Bình Phó Tổng Giám đốc VCPMC, Jason Foulkes Trưởng phòng Phát triển kinh doanh Âm nhạc khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Meta), Đỗ Vạn Nhựt Phó Giám đốc Công ty cổ phần VieNetwork ( Đat Viet VAC Group Holding)…