Sau công bố được coi là gây “sốc” của Trịnh Vĩnh Trinh về tiền bản quyền nhạc Trịnh, thì vài ngày gần đây, dư luận lại xôn xao về giá bản quyền được đẩy lên quá cao của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH,TT&DL đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
Sau công bố được coi là gây “sốc” của Trịnh Vĩnh Trinh về tiền bản quyền nhạc Trịnh, thì vài ngày gần đây, dư luận lại xôn xao về giá bản quyền được đẩy lên quá cao của Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV). Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, Bộ VH,TT&DL đã có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh vấn đề này.
* PV: Là nhà quản lý, ông có ý kiến gì trước sự kiện bản quyền vừa qua?
Ông VŨ MẠNH CHU: Trước hết có thể khẳng định đây là tín hiệu vui đối với người làm bản quyền. Các tác giả giờ đã ý thức được với quyền của mình hơn và đặc biệt là người sử dụng cũng đã nhận ra được nghĩa vụ khi sử dụng tài sản của người khác. Điều đó chứng tỏ, luật về sở hữu trí tuệ đã dần dần có tác động rõ rệt tới ý thức của các công dân. Song hoạt động riêng lẻ của cá nhân như trường hợp của Trịnh Vĩnh Trinh rất khó thu được hiệu quả cao.
Việc thu tiền bản quyền theo cách thu “lố” và chia cào bằng như hiện nay nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự thiếu công bằng?
- Vấn đề này không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước khác cũng đã xảy ra. Nhiều trường hợp các khoản thu phí bản quyền mà không thể tách bạch ra riêng từng người một thì sẽ áp dụng giải pháp tương đối như hiện nay.
Có một số trường hợp tác giả không ủy quyền cho các trung tâm nhưng vẫn “được” thu giúp. Vấn đề này giải quyết như thế nào?
- Hiện do điều kiện của chúng ta không thể tách bạch được riêng từng khoản do vậy với những trường hợp đã xác định được danh tánh, địa chỉ rõ ràng thông báo nhiều lần mà tác giả không đến nhận thì chúng tôi cũng khuyên trung tâm nên gửi tiền đó vào một tài khoản riêng để người thừa kế hợp pháp của tác giả có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Cũng theo thông lệ quốc tế, sau 2 năm, những khoản thu không xác định được nhân thân của người được hưởng khoản tiền này thì nó sẽ được chuyển vào một quỹ sử dụng với mục đích hỗ trợ sáng tác hoặc đầu tư vào việc thu phí bản quyền…
Việc các đơn vị được ủy thác về việc thu tiền bản quyền tác nghiệp một cách riêng lẻ như hiện nay có gây ra tình trạng lộn xộn, gây khó khăn cho doanh nghiệp?
- Người sở hữu tác phẩm có thể ủy quyền hay tự mình đi thu phí bản quyền là được luật pháp quy định. Tuy nhiên, xu hướng chung vẫn là dựa vào tập thể tức các trung tâm bảo vệ quyền tác giả. Chúng tôi cũng đã khuyến khích Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN, RIAV nên bắt tay chỉ giao cho một đơn vị đứng ra thương thuyết và thu phí như vậy có lợi cả đôi đường.
Như giá bản quyền của RIAV đưa ra là 2 triệu đồng/bản ghi/năm với một trang thông tin điện tử có phải là quá cao?
- Người có tài sản có quyền đưa ra yêu cầu. Ngoài tiền còn nhiều yêu cầu khác như: yêu cầu về cách thức sử dụng… Ở đây, về vấn đề tiền họ không đưa ra giá sàn mà họ đưa ra giá trần, còn nghệ thuật của người sử dụng là làm sao đàm phán để có một cái mức phù hợp, đó là việc của hai bên.
Trước mâu thuẫn về lợi ích của cung và cầu, Cục Bản quyền có đưa ra giải pháp gì cụ thể cho vấn đề này?
Người bán thường thích giá cao, người mua thích giá rẻ. Nhà nước không can thiệp vào việc định giá mà do thị trường điều tiết.
Vậy là tình trạng cứ tiếp tục đưa ra những cái giá theo cảm tính vẫn tiếp tục xảy ra?
- Cái giá để đi đến thỏa thuận được là phải đảm bảo lợi ích của 3 nhà: nhà sáng tạo, nhà sử dụng và công chúng tiêu dùng và lợi ích của 3 nhà phải được điều chỉnh bằng đàm phán. Cho nên, giá cao hay giá thấp phụ thuộc vào lợi ích nó điều chỉnh nhiều khi nó còn vượt ra khỏi cái giá mà mọi người nói là bình ổn. Bao giờ người có hàng cũng nêu giá cao nhất!
Hiện, chúng tôi đang cùng với Bộ Tài chính xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn việc thu và phân phối tiền nhuận bút, thù lao và các quyền lợi vật chất khác khi sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, nhằm quy định cụ thể về mức tính phí bản quyền hợp lý, hợp pháp, tạo hành lang pháp lý cho các bên thực thi quyền của mình. Dự kiến, cuối năm nay thông tư này sẽ hoàn tất.
Theo SGGP