(Tổ Quốc) - Khai thác vẻ đẹp của thiên nhiên ban tặng cùng ý thức gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc, bản Sưng đã và đang chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn những nét văn hóa dân tộc.
Cao Sơn là một xã của huyện Đà Bắc, tỉnh Hoà Bình. Bản Sưng (xã Cao Sơn) nằm bên núi Biều là nơi sinh sống lâu đời của người Dao Tiền với những ngôi nhà trệt nền đất, tường vách bằng gỗ ghép, mái lợp bằng lá cọ. Người dân trong bản sống quây quần và dựng nhà sát nhau; gìn giữ chữ viết; tiếng nói; trang phục và phát huy những phong tục, tập quán đặc sắc của dân tộc mình đã tạo nên những nét văn hóa đẹp của cộng đồng người Dao.
Những năm qua, bản Sưng phát triển mô hình du lịch cộng đồng khá thành công. Mô hình này đã mang lại hiệu quả thiết thực, không chỉ phát huy được thế mạnh văn hoá bản địa, mà còn góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân nơi đây.
Hiện tại, bản có 77 hộ, gồm 380 nhân khẩu, có ba hộ làm homestay, một hộ làm dịch vụ tắm và ngâm chân thuốc bắc. Ở Bản Sưng, văn hoá ẩm thực vẫn giữ được những nét đặc sắc và nguyên bản của người Dao Tiền, ngoài những thực phẩm mang đậm phong vị núi rừng với thịt lợn thả rông, gà chạy bộ, cá sông Đà, rau rừng, còn có những đặc sản "có một không hai" vô cùng hấp dẫn như rượu hoẵng, thịt lợn chua...
Ngoài văn hoá ẩm thực độc đáo, trong các nghi lễ cổ, người Dao Tiền ở bản Sưng còn có Lễ Cấp sắc và Tết Nhảy là những họat động dân gian phản ánh văn hóa tâm linh, thế giới quan, vũ trụ quan, nhân sinh quan cũng như quan niệm về ba tầng thế giới của người Dao...
Nghề thủ công truyền thống tại bản Sưng cũng được nhiều thế hệ đồng bào người dân tộc bảo tồn, gìn giữ và phát triển. Tiêu biểu là in thêu thổ cẩm, nhuộm vải, in hoa văn độc đáo từ sáp ong… từ các nguyên liệu tự nhiên nhằm tạo ra nhiều sản phẩm đẹp, đặc trưng, mang tính lưu niệm cho khách du lịch.
Chị Lý Sao Mai, người dân ở bản Sưng cho biết: "Mô hình du lịch cộng đồng ở bản Sưng được lựa chọn triển khai năm 2017, bình quân mỗi năm, điểm du lịch cộng đồng bản Sưng tiếp đón trên 2.000 lượt du khách đến thăm quan, tìm hiểu và trải nghiệm, trong đó du khách quốc tế chiếm trên 90%".
Năm 2019, được sự hỗ trợ của tổ chức AFAP Việt Nam (một tổ chức của Úc), bản Sưng thành lập hợp tác xã làm các sản phẩm thổ cẩm nhằm mục đích: khôi phục, bảo tồn và phát huy nghề truyền thống kết hợp quảng bá, giới thiệu với du khách về những tinh hoa thổ cẩm của đồng bào dân tộc Dao Tiền. Giúp người dân trên địa bàn nâng cao thu nhập từ phát triển du lịch cộng đồng, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Ông Lý Hồng Minh, người dân bản Sưng xã Cao Sơn cho biết: "Ngoài khai thác những giá trị được thiên nhiên ban tặng như cảnh sắc núi Biều, đồi chè Shan tuyết cổ thụ, bản còn xây dựng các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn du khách như: du lịch trải nghiệm khám phá hang Hoàng Lan, đi xuyên rừng, tìm hiểu, khám phá về các loại dược liệu quý, thu hái, sao chè Shan tuyết, hướng dẫn quy trình làm giấy dó, nhuộm chàm, in sáp ong trên trang phục truyền thống của người Dao Tiền, làm thịt chua, nấu rượu hoẵng, dịch vụ ngâm chân, tắm lá thuốc..., bản đã có sóng điện thọai, mạng wifi giúp du khách thuận tiện hơn trong kết nối thông tin liên lạc".
Các họat động mà du khách đến đây được khám phá bình dị, mộc mạc trong cuộc sống thường nhật nhưng lại có sức hấp dẫn. Du khách được trải nghiệm cuộc sống thường ngày của bà con nông dân hơn nữa, khách được tìm hiểu những nét đẹp văn hoá, phong tục tập quán và cuộc sống của người dân địa phương.
Từ khi áp dụng mô hình du lịch cộng đồng làm cho phong cảnh xóm bản yên bình, đường bản, ngõ xóm được phong quang, sạch sẽ, người dân nhận thức được việc phát triển sản xuất gắn với đón khách du lịch đến tham quan và bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch cộng đồng, người dân sẽ trực tiếp tham gia và thu lợi, từ đó nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giúp người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn cảnh quan tự nhiên, những giá trị vật chất và văn hoá truyền thống để phục vụ du lịch.