• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bản Tuyên ngôn Độc lập: Khát vọng về một Việt Nam hùng cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thời sự 02/09/2021 11:43

(Tổ Quốc) - Cách đây 76 năm, vào ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước quốc dân, đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, khởi dựng cơ đồ đất nước.

Bản Tuyên ngôn Độc lập: Khát vọng về một Việt Nam hùng cường của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945. Ảnh: Tư liệu

Trao đổi với báo chí, GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng, Bản Tuyên ngôn Độc lập được coi như văn kiện lịch sử vô giá, thiên cổ hùng văn, tuyên ngôn lập nước Việt Nam thời hiện đại, kế tục những truyền thống dựng nước, giữ nước của ông cha ta qua các thời đại.

Bản Tuyên ngôn Độc lập chính là bước ngoặt mới của sự phát triển của dân tộc Việt Nam, khẳng định với thế giới cơ sở pháp lý về quyền của dân tộc Việt Nam được hưởng tự do độc lập, đồng thời cũng vạch ra cơ sở thực tế là Việt Nam đã là một nước tự do và độc lập, không lệ thuộc vào bất cứ nước nào.

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng mở ra một trang mới cho lịch sử dân tộc, khởi dựng cơ đồ đất nước đến khát vọng trở thành quốc gia - dân tộc hùng cường.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cho rằng, khát vọng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện rõ trong việc Người đặt tên Quốc hiệu: Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Hệ cốt lõi giá trị phát triển đó là: Độc lập, tự do, hạnh phúc. Những giá trị này thể hiện rõ nhất khát vọng Việt Nam. Điều này có kế thừa những điểm hợp lý trong các chủ nghĩa, các học thuyết.

Theo đó, Người đề xướng 3 chủ nghĩa: Dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh là hạnh phúc. Người kế thừa 3 giá trị đó. Và đến nay cũng như mãi mãi sau này, đó vẫn là những giá trị cốt lõi của phát triển, là linh hồn sống động của khát vọng Việt Nam.

"Khát vọng hùng cường của dân tộc Việt Nam cũng được thể hiện rõ qua tư tưởng, tình cảm và hành động của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng ta còn tìm thấy trong thư Người gửi cho học sinh nhân ngày khai giảng năm học mới" - GS.TS Hoàng Chí Bảo nói.

Năm 1945, trong "Thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em".

Có thể thấy rằng, vấn đề nhân tài, trí thức luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh chú trọng. Có lẽ, không Chính phủ nào trên thế giới mà người đứng đầu Chính phủ lại có thư gửi cho quốc dân đồng bào, kêu gọi đồng bào giúp đỡ Chính phủ, tìm người hiền tài cho đất nước.

"Từ việc coi trọng và trọng dụng nhân tài, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được bao nhiêu tài năng, trí thức lớn, nhân cách lớn làm việc cho Chính phủ, tham gia vào công việc kiến quốc" - GS.TS Hoàng Chí Bảo cho biết.

Theo quan điểm của nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương Hoàng Chí Bảo, muốn thực hiện được khát vọng hùng cường của Việt Nam thì phải gắn với thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh.

Để thực hiện được điều này, trước hết đòi hỏi rất cao tinh thần, trách nhiệm của những người lãnh đạo, nhất là người đứng đầu. Cùng với đó là phải nêu cao gương mẫu, tấm gương. Người đã dặn chúng ta là lãnh đạo bằng sự gương mẫu là cách lãnh đạo tốt nhất.

"Đất nước muốn hùng cường, giàu mạnh thì phải bằng gương mẫu của lãnh đạo, trách nhiệm của lãnh đạo, gắn chặt kỷ cương, luật pháp với đạo đức. Cùng với đó là phải rất chú trọng tầm nhìn xa trông rộng, đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực và quốc tế. Người cho rằng, cần phải đổi mới, phải mở cửa, phải hội nhập, chứ không thể tự khép mình thành ốc đảo cô độc thì không bao giờ phát triển được" - GS Hoàng Chí Bảo nêu quan điểm.

GS.TS Hoàng Chí Bảo cũng nói thêm, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, khát vọng chỉ là mong muốn thôi, còn thực hiện được phải bằng hành động. Hành động ấy lấy từ sức dân. Đem tài dân, sức dân để làm lợi cho dân, để mưu cầu hạnh phúc cho dân./.

Bảo Trân

NỔI BẬT TRANG CHỦ