• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Bàn về lời căn dặn "Đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ" trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Văn hoá 21/06/2019 06:12

(Tổ Quốc) - Quyền bình đẳng cho phụ nữ đó là ước mơ, cũng chính là mục tiêu của nhiều quốc gia trong tiến trình phát triển, điều này đã thể hiện tư tưởng, tình cảm, sự quan tâm đặc biệt của Bác đối với phụ nữ Việt Nam.

Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, người phụ nữ Việt Nam đóng góp vai trò hết sức to lớn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: "Non sông gấm vóc do phụ nữ ta trẻ cũng như già ra sức dựng xây mà thêm phần tốt đẹp, rực rỡ."(1) Nhưng dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, nhân dân bị áp bức, bóc lột nặng nề thì phụ nữ càng bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn. Trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn toàn Đảng, toàn dân phải "đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ."(2) 

Bàn về lời căn dặn Đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Ảnh 1.

Ảnh tư liệu

Tài liệu "Tuyệt đối bí mật" - bản Di chúc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo lần đầu tiên vào 9 giờ sáng ngày 10/05/1965, vào đúng dịp sinh nhật lần thứ 75 của Người. Sau đó, hàng năm vào mỗi dịp sinh nhật của mình, Người xem lại và bổ sung cho phù hợp với tình hình của đất nước. Tháng 05/1968, khi xem lại tài liệu này, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy cần và Người đã viết thêm một số vấn đề nữa. Trong số những vấn đề đó, Người đã căn dặn lại 2 điều quan trọng với phụ nữ Việt Nam: Một là, "Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ phụ nữ, để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả việc lãnh đạo."(3) Hai là, "bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên". Theo Người, thực hiện được 2 điều này là "một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ."(4)

Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nhận thấy khả năng, vai trò quan trọng của người phụ nữ trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của cả dân tộc. Người đã nghiên cứu và rút ra kết luận: "Ông Các Mác nói rằng: "Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?". Ông Lênin nói: "Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công". Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia."(5) Người khẳng định "An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công."(6)

Trong suốt quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, Hồ Chí Minh đã khẳng định "phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất."(7) Tự hào thay khi Người ca ngợi: "Phụ nữ ta chẳng tầm thường. Đánh Đông, dẹp Bắc làm gương để đời."(8) Tại Đại hội những người xuất sắc trong phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ thủ đô Hà Nội ngày 02/12/1965, Người đến dự và dành lời khen tặng: "Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng: Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống Pháp trước kia và trong kháng chiến chống Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ."(9) Thật xúc động khi nghe Bác nhận xét chị Nguyễn Thị Định - một người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu: "Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật là vẻ vang cho Miền Nam, cho cả dân tộc ta!"(10) Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt cho Đảng, Nhà nước tặng phụ nữ Miền Nam nói riêng và phụ nữ Việt Nam nói chung 8 chữ vàng: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.

Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử phong kiến, thực dân, phụ nữ Việt Nam chịu tư tưởng "trọng nam khinh nữ", chịu nhiều phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ, phụ nữ không được tham gia vào công tác chính quyền, hạn chế về học tập. Thấu hiểu được nỗi khổ của Người phụ nữ, trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh "mong muốn Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng có thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo". Ngay khi Đảng ta được thành lập, trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Nam nữ bình quyền"(11) đồng thời đặt vấn đề giải phóng phụ nữ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Giải phóng phụ nữ là vấn đề cơ bản nhất trong các vấn đề của phụ nữ thì quyền bình đẳng giữa nam và nữ lại là nội dung quan trọng nhất, cốt lõi nhất của vấn đề này. Cách mạng Tháng Tám thành công, trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 02/09/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc." Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1946 đã tuyên bố: đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện. Người cho rằng: "Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân… Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình."(12) Vấn đề bình đẳng nam nữ được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm không chỉ ở góc độ chính trị mà còn ở cả góc độ kinh tế, không chỉ ngoài xã hội mà trong cả lĩnh vực gia đình, gia tộc; không chỉ ở góc độ nghĩa vụ mà còn là quyền lợi: quyền bầu cử và ứng cử, quyền được đào tạo, học hành, quyền được tham gia lao động xã hội, được tự do trong hôn nhân, được tham gia vào các cấp lãnh đạo quản lý Nhà nước và Đảng. Bởi vậy, bản Hiến pháp năm 1959 do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo soạn thảo tiếp tục khẳng định phụ nữ Việt Nam có quyền bình đẳng với nam giới: Cùng việc làm như nhau, phụ nữ được hưởng lương ngang với nam giới. Nhà nước bảo đảm cho phụ nữ công nhân và phụ nữ viên chức được nghỉ trước và sau khi đẻ mà vẫn hưởng nguyên lương. Nhà nước bảo hộ quyền lợi của người mẹ và của trẻ em, bảo đảm phát triển các nhà đỡ đẻ, nhà giữ trẻ và vườn trẻ. Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình. Ngay sau đó, Luật Hôn nhân và gia đình cũng đã được ban hành năm 1959 khẳng định thêm quyền bình đẳng của phụ nữ trong gia đình. Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, giải phóng phân nửa xã hội, đồng thời tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông: "điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt. Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ."(13)

Để thực hiện bình đẳng nam nữ, Hồ Chí Minh cho rằng đây là một việc không đơn giản, không phải đánh đổ được thực dân phong kiến, giành độc lập dân tộc là nam nữ bình đẳng, càng không phải là chia đều cho công việc giữa nam và nữ: "Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu."(14) Cuộc đấu tranh giành bình quyền, bình đẳng cho phụ nữ trước hết là cuộc đấu tranh về nhận thức, đấu tranh chống lại các thói quen lâu đời và cuộc đấu tranh này diễn ra ở mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: "Vũ lực của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Dù to và khó phải nhất định thành công."(15) Bởi vậy cần phải có nhiều chủ trương chính sách, sử dụng biện pháp tổng hợp toàn diện về kinh tế, văn hoá xã hội để giải quyết vấn đề phụ nữ. Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài phát thanh BBC (Anh) ngày 03/07/2001, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã nói: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ tại Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, nhân loại và từ đó giải phóng chính mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Người xác định rõ, bất bình đẳng nam nữ không đơn thuần là bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu mà chủ yếu là do chế độ kinh tế xã hội. Hồ Chí Minh là lãnh tụ Việt Nam đầu tiên kêu gọi "Thực hiện nam nữ bình quyền".

Đồng chí Vũ Kỳ nhớ lại: Một lần, tới dự Hội nghị, nhìn dọc Hội trường Bác hỏi: này các chú, phụ nữ đâu không thấy ngồi hàng đầu? Bác hỏi tiếp: Các cô có đấy không? Có ạ. Vậy mời lên đây ngồi. Ngay việc ngồi cũng không bình đẳng. Phụ nữ muốn bình đẳng không phải bảo Đảng, Chính phủ hay nam giới mời ngồi mà phải tự đấu tranh để giành lấy. Đó là lời dặn mà cũng là mong muốn của Bác. Người thường nhắc: Lực lượng phụ nữ không nhỏ, có khi còn đông hơn nam giới. Ở Việt Nam nói riêng và Châu Á, Châu Phi nói chung, sự bất bình đẳng giữa nam và nữ rất rõ rệt. Do ý thức hệ phong kiến đã đè nặng lên tư tưởng phụ nữ từ bao đời nay. Vì thế, mọi đường lối, chính sách của Đảng, Chính phủ bao giờ cũng phải chú ý đến phụ nữ. Người cũng phê bình "có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ."(16) Bởi vậy, trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn "bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên", vươn lên bằng chính nội lực của mình để bình đẳng với nam giới về trình độ, về năng lực quản lý kinh tế và quản lý xã hội, phụ nữ phải cố gắng học tập, chủ động quyết tâm khắc phục khó khăn: "Chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh."(17) Chị em phụ nữ phải "Cố gắng học tập chính trị, học tập văn hóa, kỹ thuật; Nâng cao tinh thần yêu nước và giác ngộ chủ nghĩa xã hội; Hăng hái thi đua thực hiện "cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình…Là con cháu xứng đáng của Bà Trưng, Bà Triệu."(18)

Trong Hồi ký của mình, đồng chí Vũ Kỳ kể về những ngày tháng 08/1969, tại khu Phủ Chủ tịch: "Sau ngày 12 tháng 8 năm 199, bệnh tình của Bác mỗi ngày một nặng thêm. Căn bệnh hiểm nghèo đã làm Bác phải trải qua những cơn đau dữ dội. Mỗi khi tỉnh lại, Bác lại hỏi han cặn kẽ tình hình mọi mặt của đất nước. Người không quên từ việc lớn đến việc nhỏ. Những ngày cuối tháng 8, bệnh tình của Bác ngày càng trầm trọng thêm. Bộ Chính trị, Trung ương Đảng quyết định điều động một cán bộ, nhân viên y tế giỏi của các bệnh viện lớn cùng với những thiết bị hiện đại đến cứu chữa cho Bác. Trong số đó có một số là nữ y tá. Một lần, vừa qua cơn đau, tỉnh lại, Bác thấy có mấy nữ y tá ở cạnh, Bác hỏi một đồng chí phục vụ: Những ai thế chú? Thưa Bác, đó là các đồng chí nữ y tá của Bệnh viện Quân y 108 được điều động đến phục vụ Bác. Nghe xong, Bác không nói gì. Một lúc sau, Bác nói chậm rãi: Các cháu còn trẻ, đang tuổi ăn, tuổi ngủ, Bác biết các cháu rất thương Bác, nhưng không nên để các cháu ở đây, vì các cháu gái thường dễ xúc động. Thoáng nhìn thấy những bông hồng cắm trong lọ hoa bên cạnh, Bác hỏi đồng chí phục vụ: Hoa trong vườn phải không chú? Còn nhiều không? Nếu còn chú hái vào tặng các cháu gái. Đồng chí phục vụ ra vườn hái hoa. Khi đồng chí phục vụ cầm hoa vào, Bác liền bảo: Bác đang mệt, chú thay mặt Bác tặng cho mỗi cháu gái một bông hồng. Tất cả các cô gái y tá trẻ hôm đó mỗi người được tặng một bông hoa hồng trong vườn Bác…Đến phút cuối của cuộc đời Bác vẫn không lo gì cho riêng mình…và mong sao cho các cháu gái ngày ngày vẫn có hoa."(19)

Những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc vừa là tình cảm tràn đầy, vừa là huấn thị thiêng liêng của Người với phụ nữ nước ta. Vấn đề quyền bình đẳng cho phụ nữ được Người đề cập ngắn gọn, khái quát nhưng nội dung thể hiện sâu sắc và toàn diện. Gần 50 năm đã trôi qua, nhưng mỗi câu mỗi chữ trong bản Di chúc của Người vẫn còn nguyên giá trị, là kim chỉ nam cho toàn Đảng, toàn dân ta học tập và làm theo. Mong muốn quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ chính là xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Thực hiện lời căn dặn của Người, trong những năm qua vấn đề về quyền bình đẳng của phụ nữ đã được Đảng, Nhà nước ta đề cập khá toàn diện qua các văn kiện, chỉ thị, nghị quyết. Ngày 24/07/2007, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ/TƯ về "Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước" nhằm tiếp tục đổi mới công tác phụ nữ, tạo điện để phụ nữ phát huy được vai trò của mình: "Phấn đấu đến năm 2020, cán bộ nữ tham gia cấp ủy đảng các cấp đạt từ 25% trở lên; nữ đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp từ 35% đến 40%. Các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ. Cơ quan lãnh đạo cấp cao của Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ có tỷ lệ nữ phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới." Đồng thời, Chính phủ đã xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, kế hoạch đặc thù riêng cho phụ nữ như: Chiến lược quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2001-2010; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 với mục tiêu tổng quát là: "Đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước"; thực hiện lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào chiến lược, kế hoạch, các chương trình chung của quốc gia như: Chiến lược toàn diện tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010... Bộ máy tổ chức thực thi bình đẳng giới ngày càng được hoàn thiện, phát triển. Nếu cách đây hơn 10 năm, Việt Nam mới chỉ có một tổ chức phối hợp liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ được thành lập từ Trung ương tới địa phương, thì đến nay, sau khi Luật Bình đẳng giới được ban hành và có hiệu lực từ ngày 01/07/2007, hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới đã được hình thành và đi vào hoạt động. Hiện nay, bộ máy quốc gia về bình đẳng giới ở Việt Nam gồm có: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Ngoài ra, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nhóm Nữ nghị sĩ Việt Nam cũng tích cực tham gia thực hiện công tác này.

Luôn ghi nhớ công ơn, sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thế hệ phụ nữ Việt Nam đã và đang đóng góp công sức xây dựng đất nước ta giàu đẹp. Hiện nay, phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới được nâng lên. Phụ nữ được tôn trọng và bình đẳng hơn, địa vị của người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được cải thiện. Bình đẳng giới của Việt Nam được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ. Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã có nhiều sáng tạo trong đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, góp phần thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam đã tham gia hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhiều người được giao đảm nhiệm các vị trí quan trọng của Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Ngày càng nhiều phụ nữ trở thành nhà chính trị, nhà khoa học, nhà quản lý, nhà văn, nghệ sỹ... Vị thế, vai trò của người phụ nữ trong gia đình cũng như ngoài xã hội ngày càng được khẳng định và nâng cao như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn và xứng đáng với 8 chữ vàng mà Người trao tặng Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang.

Cao Thanh Huyền
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch

Chú thích:

(1) (14) (15) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, NXB CTQG, H.2011, tr.340, tr.342, tr.342

(2) (3) (4) (7) Hồ Chí Minh và 5 bảo vật quốc gia, Nxb Thông tin và Truyền thông, H.2014, tr.262

(5) (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, NXB CTQG, H.2011, tr.313, tr.314

(8) (11) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, NXB CTQG, H.2011, tr.260, tr.1

(9) Bông hồng của Bác, Nxb Phụ nữ, Hà Nội, 1985, tr.99

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, NXB CTQG, H.2011, tr. 173

(12) (13) (17) (18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, NXB CTQG, H.2011, tr.705, tr.705, tr.301, tr.508

(16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, NXB CTQG, H.2011, tr.537

(19) Thư ký Bác Hồ kể chuyện, NXB CTQG, H.2005, tr. 483

NỔI BẬT TRANG CHỦ