(Tổ Quốc) - Tọa đàm “Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ XIX-XX” sẽ diễn ra ngày 6/1 tới.
Nhân dịp xuất bản cuốn sách Tập tục đời người (Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ XIX-XX, ngày 6/1, tại Trung tâm Văn hóa Pháp 24- Tràng Tiền, Hà Nội, sẽ diễn ra tọa đàm “Văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam thế kỷ XIX-XX” với sự tham gia của các diễn giả gồm nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Sử - Viện Nghiên cứu Tôn giáo và TS. Mai Anh Tuấn.
Tập là kết quả của hơn 20 năm nghiên cứu, khảo cứu, điền dã của nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng về văn hóa tập tục của người nông dân Việt Nam trong hai thế kỷ XIX và XX. Cuốn sách đưa ra góc nhìn đa dạng về cách người nông dân Việt Nam sống đời sống tinh thần của mình, cách họ tương tác với nhau.
Sách gồm những tập tục căn bản, có liên quan đến sự phát triên của văn hóa dân tộc |
Sách trình bày những tập tục căn bản, những gì có liên quan đến sự phát triển của văn hóa dân tộc, về cách mà người Việt, cụ thể là người Kinh, người nông dân Việt Nam trong thế kỷ bản lề XIX-XX quan hệ với nhau để thành cộng đồng, thành xã hội. Đây là thời kỳ có những thay đổi sâu sắc về xã hội, con người, thời kỳ mà chủ nghĩa phong kiến theo Nho giáo của nhà Nguyễn phải đối mặt với phương Tây cùng chủ nghĩa tư bản thực dân. Người nông dân làng xã phải dịch chuyển về đô thị, những thói quen tập tục cũ va đập vào những cách thức, lối đi mới. Tập tục đến từ bên trong, từ quá khứ, do lâu dài mà thành, thấm vào con người, thành nhu cầu tự thân, tự nguyện.
Phan Cẩm Thượng không cố gắng liệt kê các tập tục, ông lý giải nó ở nguồn gốc của nó, vì sao nó sinh ra, vì sao nó sinh ra thế này mà không phải thế khác, nó diễn biến thế nào, nó thay đổi mất đi ra sao, rồi cách nào tập tục mới hình thành thay đổi cái cũ…
Cuốn sách này hoàn toàn không phải là một thứ chính sử của các triều đại, các cuộc chiến, nhưng nó đích thực là một cuốn sử của số đông người dân bình thường, cách họ sống, họ trao đổi, họ ca hát, họ yêu đương. Có thể nói nó là một cuốn sử ngợi ca những điều bình dị nhất của những con người không ai nhớ mặt, không ai biết tên.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Quân đánh giá về cuốn sách: “Ai, cái gì quyết định cái số mệnh, cái “đời người” của mỗi cá nhân chúng ta? Câu hỏi hiển nhiên mà hay bị quên lãng này, tưởng như rõ ràng mà mãi là bí ẩn. Phải chăng những thứ to tát như thượng đế của đức tin tôn giáo bất di dịch đến mức có thể u mê, lý tưởng của hệ tư tưởng có thể đẩy tới mức cuồng tín, các thể chế chính trị uy nghi cường bạo hay khoan dung với các hệ thống pháp luật buộc chặt hay buông lỏng, hoặc sức mạnh hơn cả trời, át cả đất của khoa học công nghệ đang lên ngôi chúa tể cõi nhân sinh, hay những động lực ngầm u ám, hoan lạc của ẩn ức, khát vọng tiềm thức luôn chờ chực bùng nổ trong con người chúng ta và định dạng quãng “đời” sống làm “người” của mỗi cá thể và của cả cộng đồng. Điều đó không sai, tất nhiên, nhưng không đầy đủ và cụ thể, bởi có thể bị ngụy biện và luận lý làm cho lu mờ rối rắm…/.