(Tổ Quốc) -Dù được đánh giá là bảng đấu khá nhẹ với số lượt trận ít hơn so với bảng B, nhưng HLV trưởng U22 Malaysia vẫn tỏ ra khá thận trọng với các đối thủ cùng bảng.
Nước chủ nhà Malaysia đã được lá thăm may rủi đưa vào bảng A môn bóng đá nam SEA Games 29 với những đối thủ khá dễ thở gồm Myanmar, Singapore, Lào và Brunei. Đây là những đối thủ người Mã đã từng chạm trán trong quá khứ và hoàn toàn có thể vượt qua ở giai đoạn vòng bảng.
Malaysia rơi vào bảng đấu được đánh giá khá nhẹ ký tại SEA Games 29 |
Đối thủ nhiều duyên nợ nhất với tuyển Malaysia tại vòng bảng A SEA Games 29 không ai khác ngoài Singapore. Trong 7 kỳ SEA Games gần đây nhất tính từ năm 1999 đến nay, Malasysia đã đụng độ Singapore đến 5 lần.
Cụ thể, tại SEA Games 1999, nước chủ nhà Malaysia đã phải nhận thất bại sát nút trước tuyển Singapore với tỷ số 1-2 và nhanh chóng bị loại sau vòng bảng với vị trí thứ 3 bảng. Tuy nhiên, người Mã đã nhanh chóng phục thù ở lần đối đầu thứ 2 tại SEA Games 2003 được tổ chức tại Việt Nam với tỷ số 2-0.
Ở 3 lần chạm mặt tiếp theo lần lượt tại các kỳ SEA Games 2007,2011 và 2013, Malaysia đều chỉ có được kết quả hòa trước Singapore.
Có thể nói, với 5 lần chạm mặt chỉ trong 7 kỳ SEA Games gần nhất đã khiến cả Malasyia lẫn Singapore hiểu rõ nhau cả về lối chơi lẫn sức mạnh. Chắc chắn, trong 4 đối thủ tại bảng A tới đây, HLV Kim Ong Swee sẽ đặt mục tiêu vượt qua Singapore lên hàng đầu.
Đối thủ nhiều duyên nợ tiếp theo trong danh sách tại bảng A của tuyển Malaysia là Brunei. Tuy nhiên, trong cả 4 lần gặp mặt vào các kỳ SEA Games 1999, 2001, 2013 và 2015, Brunei chưa từng giành chiến thắng, thậm chí chưa từng ghi được bàn thắng vào lưới Malaysia.
Đối với Malaysia mà nói, Brunei hoàn toàn có thể bị coi là mỏ điểm cho người Mã khai thác tại vòng bảng SEA Games.
Đối với hai đối thủ còn lại là Lào và Myanmar, HLV Kim Ong Swee hoàn toàn có thể “kê cao gối ngủ ngon” khi Malaysia cũng đang có được thành tích bất bại trước cả hai đối thủ cùng bảng.
Cụ thể, Malaysia đang có được chuỗi bất bại 3 trận thắng liên tiếp trong 3 lần chạm trán với Lào lần lượt ở các kỳ SEA Games 2007, 2013, 2015 (4-0, 4-1 và 3-1). Còn với Myanmar, Malaysia mới chỉ chạm trán 1 lần duy nhất tại SEA Games 2003 và giành chiến thắng sát nút với tỷ số 3-2.
Với những thành tích đối đầu trên, có thể dễ dàng nhận ra được sự “bá đạo” của Malaysia tại bảng A. Dù giới chuyên môn Malaysia vẫn cho rằng việc vào đến bán kết và chung kết phụ thuộc chủ yếu vào thực lực, nhưng với những kết quả đối đầu trong 7 lần gần đây nhất với cả 4 đối thủ, tuyển Malaysia vẫn hoàn toàn có thể tạm phần nào an tâm.
Tuy nhiên, vấn đề nhân sự là điều HLV Kim Ong Swee cần phải lo lắng nhất vào thời điểm hiện tại |
Bên cạnh đó, việc phải thi đấu ít trận hơn so với bảng B, đồng thời tránh chạm mặt được cả hai “con hổ” Việt Nam và Thái Lan sẽ giúp Malaysia giữ sức không chỉ cho những vòng tiếp theo mà còn mưu tính xa hơn cho vòng loại châu Á và chuẩn bị Asiad 2018.
Tuy vậy tất cả những phân tích trên chỉ nằm trên giấy, ở thời điểm hiện tại, tuyển Malaysia vẫn đang phải giải quyết một vấn đề lớn nhất về mặt nhân sự khi một số CLB tại Malaysia nhất quyết không cho cầu thủ lên tập trung đội tuyển. Cách đây ít ngày, BHL U22 Malaysia cùng LĐBĐ nước này đã buộc phải giải tán tuyển trả về CLB khi chỉ có 6 cầu thủ trong danh sách 26 người lên tập trung nhưng có đến 4 người bị chấn thương.
Dù Malaysia đã có được lợi thế khi ở bảng đấu nhẹ ký, nhưng nếu không kịp giải quyết vấn đề về nhân sự, chắc chắn HLV Kim Ong Swee cùng LĐBĐ Malaysia sẽ phải ôm hận ngay tại vòng bảng SEA Games năm nay.
Đăng Huy